Gốm cổ kể chuyện dòng Hương

Bảo tàng gốm cổ sông Hương là bảo tàng duy nhất trên cả nước trưng bày hơn 7.000 hiện vật gốm cổ được sưu tầm, tìm thấy từ các dòng sông ở Thừa Thiên Huế trong suốt 30 năm qua.

Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan (áo đỏ), người sáng lập Bảo tàng gốm cổ sông Hương.
Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan (áo đỏ), người sáng lập Bảo tàng gốm cổ sông Hương.

Đây là bảo tàng chuyên trưng bày gốm cổ sông Hương đầu tiên và bảo tàng ngoài công lập thứ ba ở Thừa Thiên Huế. Những hiện vật gốm cổ trong bảo tàng sẽ giúp những nhà nghiên cứu hiểu hơn về đời sống của người dân bản địa trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.

Chủ nhân Bảo tàng gốm cổ sông Hương là Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan. Sau mấy mươi năm ở nước ngoài, bà trở về sống trong không gian ngôi nhà vườn-nhà thờ họ Thái ở 120 Nguyễn Phúc Nguyên (thành phố Huế), nơi mà bà đã trải qua một tuổi thơ đầy kỷ niệm cùng với những người thân yêu trong dòng tộc. Với đặc thù là bảo tàng chuyên đề về gốm cổ sông Hương, bảo tàng này vừa khai trương, trở thành nơi nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, lưu giữ và trưng bày, giáo dục, quảng bá, phát huy lâu dài giá trị di sản văn hóa sông Hương.

Trầm tích sông Hương

Một chiều cuối tuần, trong khuôn viên của "Thái tộc từ đường" ở số 120 Nguyễn Phúc Nguyên (phường Hương Long, thành phố Huế), tôi được nghe những câu chuyện khá thú vị về dòng sông Hương từ gốm cổ. Trong khuôn viên chừng 500 m2, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan đưa chúng tôi đi giới thiệu gần 2.500 cổ vật được trưng bày tại bảo tàng. Gốm cổ sông Hương gồm chủng loại vô cùng phong phú: bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, bình vôi, nồi, chum… Đó là những hiện vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể về đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử; phản ánh quá trình giao lưu, trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam. Những vật dụng rất đỗi bình dị đủ các chất liệu từ sành, đất nung, bán sứ và sứ thuộc các giai đoạn lịch sử... đều còn khá nguyên vẹn, mang hoa văn đặc trưng về cuộc sống đời thường của cư dân cổ cư trú trên mảnh đất Thừa Thiên Huế từ thời tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh, Chăm Pa.

Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan vẫn tin chắc một điều, mỗi hiện vật thường gắn với một giai đoạn và người sở hữu, nên chúng có linh hồn. Nó chất chứa nếp sống, cảm xúc và sự sáng tạo của con người. Những hiện vật gốm sứ vớt từ dòng sông Hương sẽ tự thân kể về câu chuyện của nó, kể về những giai đoạn hình thành xứ sở thơ mộng, giúp chúng ta hiểu thêm những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Cố đô. Với số lượng phong phú, độc đáo cả về chất liệu, loại hình, sưu tập gốm cổ sông Hương được xem là một bộ thông sử bằng hiện vật thật độc đáo, ghi lại sự hiện diện của các nền văn hóa xuyên suốt chặng đường hàng nghìn năm lịch sử cũng như quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Cố đô xưa. Bà Lan cho rằng, chưa thấy con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như thế. Tất cả được chứng minh khi những hiện vật có từ thời tiền, sơ sử cho đến giai đoạn Chăm Pa và văn hóa Đại Việt trở về sau. Trong bộ sưu tập đó, chúng tôi rất ấn tượng với những đồ gốm nước ngoài được vớt lên từ sông Hương. Điều đó cho thấy sự giao thương rất mạnh và nhu cầu dùng gốm nhập khẩu đối với giới quý tộc Huế rất lớn.

Sinh ra tại Huế, theo học ngành Triết học và Đức ngữ tại Việt Nam và Đức, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan tốt nghiệp Đại học Ludwig-Maximilian tại Munich năm 1976. Bà sống và làm việc tại Munich tới năm 2007 với tư cách giảng viên môn Triết học đối chiếu. Từ năm 1994, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan còn giảng dạy về Triết học và Phật học tại thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Cái duyên dẫn dắt Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan-một Việt kiều đi đi về về giữa Huế và Đức để giảng dạy Triết học và Phật học-đến với đồ gốm dưới lòng sông Hương bắt đầu từ 30 năm trước.

Nói về niềm đam mê sưu tập gốm cổ, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan tâm sự: "Cũng đã gần ba mươi năm tôi và anh trai (cố họa sĩ Thái Nguyên Bá) mê mẩn khi chứng kiến những cái hũ, cái bình bằng gốm, sành sứ được bày bán trên vỉa hè. Độc đáo hơn khi tất cả được vớt lên từ lòng sông Hương, nơi gắn liền tuổi thơ của hai anh em chúng tôi. Niềm đam mê cổ vật sông Hương của tôi bắt đầu từ đó. Chúng tôi bắt đầu lân la sưu tầm những cổ vật dưới dòng sông Hương cùng các dòng sông khác ở Huế (sông Bồ, sông Ô Lâu...) như một cách thức để hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Huế xưa". Cứ thế, những hiện vật được bà cùng anh trai mua lại khi thì ở vỉa hè Trần Hưng Đạo, khi thì của những người chuyên lặn tìm cổ vật ở sông Hương mang đến tận nhà.

Đến nay, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan đã sở hữu hơn 7.000 hiện vật gốm cổ được sưu tầm và vớt lên từ các dòng sông ở Huế. Trong hành trình đó, ngoài những hiện vật người anh trai để lại, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan may mắn có cơ duyên sở hữu rất nhiều hiện vật khác từ gia đình nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan để lại. "Khi còn sống, anh trai tôi và bác Phan nổi tiếng với việc sưu tầm đồ gốm dưới đáy sông Hương. Tôi tin chắc, những hiện vật còn lưu giữ đến thời điểm này, sẽ có một câu chuyện thứ hai được tái hiện một cách sinh động. Đó là cách mình đáp trả ân tình với con sông và trao truyền tình yêu văn hóa di sản Huế, văn hóa sông Hương cho thế hệ mai sau...", Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan trải lòng.

Gốm cổ kể chuyện dòng Hương -0
Du khách tham quan Bảo tàng gốm cổ sông Hương.

Truyền tình yêu di sản, văn hóa đến thế hệ trẻ

Cuối năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép Bảo tàng gốm cổ sông Hương của Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan đi vào hoạt động. Hơn ba mươi năm với đam mê cổ vật vớt lên từ sông Hương, nhưng việc bắt tay để xây dựng một bảo tàng đúng nghĩa chỉ mới được bà thực hiện gần ba năm trở lại đây. Bà quyết định đặt bảo tàng ngay tại từ đường của gia tộc ở 120 Nguyễn Phúc Nguyên-nơi có dòng sông Hương thơ mộng chảy qua. "Tôi chọn nơi đây làm bảo tàng tư nhân là có ẩn ý. Khi đến thăm Huế, mọi người sẽ được ngắm sông Hương trước, rồi vào bên trong, xem những hiện vật được vớt lên từ chính lòng sông ấy, họ sẽ hiểu và trân quý văn hóa, lịch sử ngàn xưa để lại", Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan nói. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có chính sách hỗ trợ để phát triển các bảo tàng ngoài công lập. Từ đó, bà đi đến quyết định xây dựng Bảo tàng gốm cổ sông Hương với mong muốn giới thiệu nét văn hóa xưa đến người dân và du khách, nhất là những người trẻ.

Bảo tàng được chia làm ba không gian trưng bày chính gồm: Đi tìm thời gian đã mất; Sông Hương kể chuyện và Gốm cổ trong đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của người xưa, thuộc ba thời: thời tiền Sa Huỳnh-Sa Huỳnh (cách ngày nay 3.000 năm-2.500 năm), thời Chăm Pa (thiên niên kỷ I đầu Công nguyên), thời Lý-Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ 19-20). Với đặc thù là bảo tàng chuyên đề về gốm cổ sông Hương đầu tiên ở Thừa Thiên Huế, nơi nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, lưu giữ và trưng bày, giáo dục, quảng bá, phát huy lâu dài giá trị di sản văn hóa sông Hương, bảo tàng là điểm đến văn hóa độc đáo để công chúng tham quan, học tập, tìm hiểu về lịch sử văn hóa và tương tác, trải nghiệm các hoạt động tái hiện lại cuộc sống của cư dân thời cổ, nghề làm gốm cổ truyền. Đây sẽ là địa chỉ sống động với nhiều hoạt động khác nhau về văn hóa, vừa giữ gìn, vừa nối kết giữa quá khứ và hiện tại. Cũng là cách để những người xây dựng bảo tàng trao truyền tình yêu di sản, văn hóa đến thế hệ trẻ một cách khoa học, để di sản này trở thành cảm hứng, năng lực sáng tạo cho thế hệ trẻ.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng gốm cổ sông Hương là một bảo tàng chuyên đề khá đặc biệt, phản ánh gần như toàn diện quá trình lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Huế thông qua gốm cổ dưới lòng sông Hương, một dòng sông nổi tiếng gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của đô thị Huế. Cổ vật được trưng bày tại Bảo tàng gốm cổ sông Hương là chọn những món đồ nguyên vẹn, có tính thẩm mỹ cao, không chỉ quý giá mà còn rất đẹp, rất ưa nhìn. Đây cũng là một trong những hướng phát triển rất cần thiết cho Huế ngoài các bảo tàng công lập.

Để hình thành được một bảo tàng là chuyện không hề đơn giản. Điều đó càng khó khăn hơn với một Giáo sư, Tiến sĩ Triết học suốt nhiều năm tháng sống, làm việc xa Tổ quốc. Bảo tàng gốm cổ sông Hương với hơn 7.000 hiện vật được vớt từ lòng sông trong suốt 30 năm qua là một bất ngờ cho bất kỳ du khách nào ghé qua đây. Trong đó, việc phân loại và hệ thống hóa khối di sản, hiện vật cần rất nhiều thời gian, phải có sự đánh giá khoa học, tỉ mỉ và chính xác; chọn lọc và trưng bày những hiện vật tiêu biểu trong số đó để người thưởng lãm có thể hình dung theo từng giai đoạn của dòng chảy sông Hương.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư (Khoa Di sản văn hóa, Trường đại học Văn hóa Hà Nội), người đảm nhận việc trưng bày, sắp xếp và số hóa tại bảo tàng này cho hay, ngay từ khi mới thành lập, Bảo tàng gốm cổ sông Hương xác định rõ chiến lược phát triển theo hướng hiện đại và quảng bá các giá trị ra quốc tế. Thông qua công nghệ số, bảo tàng sẽ giới thiệu rộng rãi giá trị hiện vật đến với thế giới. Đồng thời, ứng dụng thuyết minh tự động, sử dụng mã QR, tương tác trải nghiệm thực tế ảo... để du khách tự trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu câu chuyện thông qua các cổ vật. Bảo tàng cũng sẽ kết nối khoa học với các bảo tàng khác tại Việt Nam và Đông Nam Á để nhiều người thấy vốn quý của văn hóa Huế. Đây cũng là cách để những người xây dựng Bảo tàng gốm cổ sông Hương đưa những hiện vật mà mình đang có ra giới thiệu với thế giới, trên nền tảng số.

Trong một lần gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với những người yêu Huế, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Phan Ngọc Thọ cho biết: "Chúng tôi biết rất nhiều người tâm huyết với nghiên cứu cổ vật được vớt lên từ lòng sông Hương, trong đó có Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan. Khi hay tin bà xây dựng Bảo tàng gốm cổ sông Hương, chúng tôi rất ủng hộ và mong sau khi khai trương mở cửa đón du khách đến xem, nghiên cứu, nơi đây sẽ tạo nên một địa chỉ văn hóa, một nơi chốn đi về rất riêng của Huế. Trong quá trình phát triển, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo tàng này trở thành một điểm đến hấp dẫn, một địa chỉ quảng bá Huế đến với công chúng gần xa".

Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan chia sẻ: "Gốm cổ sông Hương tại bảo tàng sẽ giúp người dân và du khách hiểu thêm về nét đẹp văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam. Qua đó, với khách là người Việt Nam sẽ thêm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, với du khách nước ngoài sẽ thấy được tầm vóc văn hóa của người Việt".