Bao giờ ngừng xâm phạm di sản?

Những ngày qua, sự việc giếng cổ thuộc Di tích quốc gia Làng cổ Ðường Lâm (xã Ðường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), bị đoàn làm phim "Chuyện làng Bồm" tự ý tô vẽ để làm bối cảnh đã gây bức xúc dư luận nói chung và nhân dân địa phương nói riêng. Ðáng nói, đây không phải lần đầu các đoàn phim có hành vi xâm phạm di tích lịch sử...

Giếng cổ tại Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) khi bị đoàn làm phim tô vẽ, làm mới. Ảnh: TTXVN
Giếng cổ tại Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) khi bị đoàn làm phim tô vẽ, làm mới. Ảnh: TTXVN

Sau khi phát hiện, xác minh giếng cổ bị tô vẽ, không còn hiện trạng như trước, UBND xã Ðường Lâm đã có quyết định xử phạt hành chính đối với họa sĩ đoàn phim và đại diện đoàn phim cũng nhận lỗi, hứa sẽ rút kinh nghiệm. Các chuyên gia văn hóa nhận định, đây là hành vi xâm phạm di tích lịch sử, nhưng mức độ nghiêm trọng lại ở việc chính những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đã có nhận thức, hành động đi ngược văn hóa. Ðối với những bối cảnh đặc biệt như di tích lịch sử quốc gia, các đoàn phim cần có ý thức bảo vệ, quảng bá giá trị nguyên bản, thay vì tô vẽ kệch cỡm để rồi ngay cả khi khắc phục hậu quả thì di tích cũng không còn nguyên vẹn.

Trước đó, năm 2010, đoàn làm phim "Thái sư Trần Thủ Ðộ" từng làm dậy sóng dư luận khi tự ý di dời, sắp xếp bối cảnh tại chánh điện lăng Minh Mạng nằm trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Long vị, án thờ, sập thờ… bị di dời. Sùng Ân Ðiện (nơi thờ Vua Minh Mạng và Hoàng hậu Hồ Thị Hoa) có quy định cấm quay phim, chụp ảnh… cũng bị đoàn phim thực hiện nhiều cảnh quay. Không chỉ nhân dân Huế, hậu duệ hoàng tộc triều Nguyễn mà không ít khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thăm di tích đều thấy phản cảm trước cảnh tượng lộn xộn, bừa bộn ở chánh điện; bị cản trở việc tham quan, thực hiện các nghi lễ tôn nghiêm.

Can thiệp bối cảnh, xâm phạm di tích lịch sử vừa là hành vi phản cảm, vừa vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, không thể phủ định phần trách nhiệm thuộc về phía chính quyền địa phương, ban quản lý di tích khi chưa giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời. Có lẽ họ đã quá chủ quan, không ngờ những người thuộc ngành văn hóa lại phá di sản văn hóa. Thực tế, bên cạnh những việc đáng trách nêu trên, cũng có những đoàn làm phim luôn thể hiện sự chuyên nghiệp, phối hợp chặt chẽ với địa phương, trình bày toàn bộ phương án nhằm bảo đảm nguyên hiện trạng bối cảnh, ký cam kết và nghiêm túc thực hiện.

Ở góc độ tích cực, việc các đoàn làm phim lấy bối cảnh di tích lịch sử đã góp phần tôn vinh, quảng bá giá trị văn hóa lịch sử tới công chúng và đó là điều cần khuyến khích, tạo điều kiện phù hợp. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng xâm phạm bối cảnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị sản xuất phim với chính quyền địa phương; khâu hướng dẫn, giám sát, cam kết cần được thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm.