Ca trù trong tâm thức người Việt

Dấu vết của sự ảnh hưởng đó còn lưu lại trong điêu khắc cổ ở chính sự hiện diện của các bức chạm đàn đáy, cỗ phách, các bức chạm về múa, hát ca trù trên các đình, đền thế kỷ 16, 17 và được phân bố hầu khắp các địa bàn Hà Tĩnh, Hà Tây, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... Cũng cần lưu ý rằng, sự tỏa rộng với một không gian suốt từ Hà Tĩnh đến các tỉnh thuộc Bắc Bộ (nếu chỉ nói từ thế kỷ 19 về trước, sau thế kỷ 19 tình hình đã khác) là một đặc điểm riêng của ca trù (khác với quan họ hay chèo chỉ phát triển ở vùng Bắc Bộ) và sự có mặt văn bia về ca trù, sẽ nói rõ hơn ở phần sau, cũng vào các thời điểm trên, là những thông tin quan trọng cho thấy ca trù đã xuất hiện và phát triển sớm ở các tỉnh đó. Từ sự phổ biến rộng khắp đó mà chúng tôi đã từng nghĩ đến như một lý do để xem xét ca trù có thể vượt tầm làng, tầm văn hóa làng, và đó là điều đưa lại nét khác biệt khá quan trọng của ca trù so với nhiều loại dân nhạc khác như quan họ (làng quan họ), chèo (hội chèo làng) mà chúng ta đã biết.

Chúng ta cũng được biết có hàng loạt văn bia thế kỷ 17, 18, 19 đã lập khế ước về mua bán quyền hát cửa đình dưới các tên bia như Lập khoán xướng bi ký, Ðình môn các lệ bi ký, Ðoạn mãi đình bi, Mại đình môn bi ký,... phân bố trên các địa bàn Phú Thọ, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hà Tây. Chỉ vài thông tin đó đủ thấy ca trù, về mặt thời gian là xuyên suốt nhiều thế kỷ, về không gian là phổ biến hầu khắp địa bàn châu thổ Bắc Bộ. Và với khối lượng văn bia về mua bán quyền hát cửa đình đủ cho thấy, đã thật sự tồn tại một nhu cầu rộng rãi của công chúng thời xưa tạo áp lực phải đưa ra những quy ước tài chính của cộng đồng đối với lối hát này (cần lưu ý rằng hiện chưa thấy, cũng có thể là không có, văn bia về mua bán quyền hát tuồng, chèo, quan họ).

Các bộ luật của triều đình nhà Lê như Lê triều chiếu lệnh thiện chính, Khám tụng điều lệ hay Lê triều hội điển - cũng đã quy định nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của luật pháp nhà nước đối với các tổ chức hát ca trù. Thuế, một trong những yếu mục hàng đầu của luật pháp nhà nước quân chủ Nho giáo, đã có quy định về thuế cửa đình hay thuế đinh liên quan đến giáo phường.

Ðược đưa vào các điều luật của bộ luật nhà nước, thế nhưng ca trù dường như vẫn không bị đưa vào cái quy phạm quan định như thơ, văn, phú lục và đã đứng ngoài xã hội quan phương, nghĩa là nó vẫn được tự do phát triển. Cũng cần lưu ý rằng, sự phi chính thống tạo nhiều khả năng cho phát triển tự do, nhưng mặt khác, ở môi trường xã hội chuyên chế, sự tự do đó cũng bị nhiều hạn chế trên con đường dẫn phát triển đến độ điển phạm.

Một hiện tượng khá thú vị là tại làng Ngọc Trung, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, có những cồn đất được đặt các tên của các nhạc cụ ca trù: Cồn Sênh, Cồn Phách, Cồn Ðáy. Các cồn đất đó nằm quanh miếu thờ tổ ca trù. Thanh Hóa có họ Nguyễn hát ca công được dân làng gọi là họ ca công, họ này có cái giếng được gọi là giếng ca công. Như vậy việc đặt tên những cồn đất, tên  giếng nước, tên họ gắn với một lối hát để lối hát lưu danh và việc những tên đó được tồn tại truyền đời, đã tàng chứa trong nó những thông tin quan trọng về sức hấp dẫn của ca trù đối với nhân dân ở đây hay ca trù, trong quá khứ, một thời gian dài đã trở thành nhu cầu tinh thần của họ. Lịch sử ca trù giai đoạn này vẫn còn mù mờ nhưng dường như đã hé mở một hy vọng, ít nhất đã thấy ở biên độ, và ở chiều sâu của sự ảnh hưởng.

Trong dân nhạc Việt Nam chỉ có ca trù mới sản sinh ra một thể loại văn học là hát nói, và đó là điều thực sự khác và mới đối với các loại dân nhạc khác như quan họ, chèo, lý,... Và trong văn học Việt Nam, dường như cũng chỉ có thể loại hát nói được sinh thành từ dân nhạc, từ văn nghệ, và cũng được sinh thành khá muộn màng, khi ở đây đã hình thành một nền văn học viết vững vàng, điều này cũng khác với các nước có nền văn học có truyền thống lâu đời, văn học được hình thành từ văn nghệ. Ðó là điều khác và mới đối với hệ thống thể loại trong văn học cổ cận đại. Nhưng những đặc điểm hấp dẫn mang tính khoa học đó cũng chưa phải là điều mấy lâu nay khiến cho nhiều người nghiên cứu ca trù, vì thật sự nó chưa từng được ý thức sâu sắc như là một vấn đề cần suy nghĩ.

Ca trù được nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, nghiên cứu văn học quan tâm, nhưng trong đó điệu hát nói hay thể loại văn học hát nói, được nghiên cứu nhiều nhất so với các điệu khác. Sự hấp dẫn của hát nói một phần có thể lý giải từ tính chất cá nhân, tính đô thị, tính phi quan phương, phi chính thống của nó trong một nền văn học, văn nghệ tải đạo, bị ràng buộc bởi những quy phạm quan định, quá nhiều "niêm luật", ít tính cá nhân. Mặt khác, hát nói là hát thơ trong một đất nước mà thơ có một vị trí vào loại cao nhất trong đời sống văn học nghệ thuật, có phần cái tâm lý yêu thơ đó đã dành sẵn cho nó một thái độ trân trọng.

Ca trù là tên gọi chung của rất nhiều điệu hát (46 điệu) và chính khái niệm ca trù cũng có thể được thay thế bằng các khái niệm khác như hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà trò, hát nhà tơ,... mà cách hiểu về nội dung của nó được chấp nhận và cũng không sợ có sự sai lệch, ít nhất là trong nhận thức của chúng ta mấy lâu nay và ở thời điểm hiện nay. Trên hành trình của ca trù, sự xuất hiện các tên gọi khác nhau đó có những lý do lịch sử, văn hóa của nó. Về mặt thời gian, ca trù, theo các tư liệu đáng tin cậy (cụ thể là dấu vết của nó được lưu giữ trong các bài văn thưởng đào Ðại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Ðức Mao (1462 - 1529) là có từ trước thế kỷ 15. Một loạt vấn đề đã và sẽ tiếp tục đặt ra trước giới nghiên cứu: ca trù xuất hiện từ bao giờ, tổ quê của nó ở đâu, câu chuyện nội sinh hay ngoại nhập và cả cái tâm lý khi chọn điểm nhìn "nội, ngoại" trong giới nghiên cứu; có tất cả bao nhiêu điệu hát, thứ tự hát các điệu trong một đêm hát và lý do nghệ thuật hay lý do từ tâm thức tiếp nhận của công chúng đối với sự sắp xếp các thứ tự đó; cơ cấu và tổ chức giáo phường, lịch sử cũng như vị trí xã hội, văn hóa của nó; các khái niệm như ca trù, ả đào, cửa đình,... thì khái niệm nào có trước, lý do lịch sử, văn hóa cũng như thời điểm đổi thay các khái niệm.

Mỗi lần thay đổi khái niệm có hay không việc kéo theo sự thay đổi ít nhiều trong số lượng, trật tự các điệu hát hay một sự phân công, phân vùng (đình - một trung tâm văn hóa làng, ca quán - một trong những địa điểm hay trung tâm văn hóa mang tính đô thị), sự thay đổi đối tượng công chúng (từ loại công chúng thích cái không khí trang nghiêm, linh thiêng nơi cửa đình, đến loại công chúng thích thanh sắc, thích văn nghệ mang tính giải trí, hưởng lạc nơi ca quán).

Phải chăng có bước chuyển từ hát cửa đình trang nghiêm đến hát ca trù, ca quán tình cảm. Vai trò, vị trí của tín ngưỡng, của hát thờ hay của người đào nương (ả đào) trong từng thời kỳ lịch sử tác động nhiều hay ít, đậm hay nhạt đến sự vận động, chiều hướng vận động của hát ca trù. Nếu có bước chuyển từ hát cửa đình đến ca trù (hay ngược lại) thì có thể đấy là sự phái sinh của một hướng phát triển mới và sau đó cùng tồn tại và phát triển với điệu khúc ban đầu.