Đi hội thảo có gì?

Tuần rồi, Công ty chứng khoán (CTCK) Maybank Investment Bank (MIB) đã tổ chức chuỗi Hội nghị nhà đầu tư (NĐT) thường niên với chủ đề “ASEAN định hình tương lai” khá quy mô khi ngoài hình thức trực tiếp tại Việt Nam thì còn kết nối trực tuyến cùng lúc với sáu quốc gia. 

Một chặng đường

Các doanh nhân, chuyên gia hay NĐT khi đến với hội nghị của MIB đã được lắng nghe các diễn giả trình bày tường tận các vấn đề mới nhất của thị trường chứng khoán (TTCK) như định giá cổ phiếu (CP), thị trường chung, hay nhận định về thị trường trái phiếu… và tất nhiên cũng không thể thiếu khoảng thời gian kết nối mọi người trong giờ nghỉ giải lao. Một nhà báo kỳ cựu đã nhắc lại câu chuyện, chính MIB hồi năm 2008, khi mới xuất hiện trên thị trường với cái tên Kim Eng, đã làm một chuỗi hội thảo, với các chuyên gia phân tích kỹ thuật đưa ra những dự báo rất sốc nhưng cũng khá hợp lý về thị trường cũng như CP.

Và nhìn lại trong khoảng 15 năm vừa qua, cũng sẽ thấy những hội thảo, hội nghị đã được định hình và ngày một chuẩn hóa. So với 10-15 năm trước, hiện nay với sự phát triển của các công cụ trực tuyến nên các hội thảo phổ biến kiến thức chứng khoán, hay tương tác với CTCK hoặc doanh nghiệp (DN) niêm yết là rất dồi dào. Nếu như giai đoạn 2008, một hội thảo phổ biến kiến thức chứng khoán, đi kèm với gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp của MIB thu hút đông đảo NĐT đến mức không còn chỗ ngồi tại sàn giao dịch ở quận 1 tại TP Hồ Chí Minh thì hiện nay hầu như các CTCK có thể tổ chức hằng tuần hoặc hằng tháng.

Phân hóa và nâng cấp

Việc phát triển các ứng dụng truyền phát, họp trực tuyến cũng sẽ góp phần quan trọng để thay đổi các xu hướng tổ chức hội thảo chứng khoán trong thời gian sắp tới. Nhờ công nghệ, tính chất “mở” của hội thảo sẽ phát huy hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn như những hội thảo khi xưa với số lượng khách mời lên ngưỡng 1.000 có thể xem là quy mô lớn thì hiện nay nếu phát trực tuyến số lượng người tham gia có thể tăng thêm nhiều lần, nhưng với một điều kiện là phải đủ hấp dẫn. Nhưng chính tiêu chí quan trọng này cũng sẽ buộc các nhà tổ chức phải tìm ra những nội dung, chủ đề và cách khai thác làm sao để có thể thu hút được số đông NĐT để tạo hiệu ứng.

Đơn cử như trường hợp của MIB với hội thảo tuần rồi khi kết nối đến sáu điểm cầu cũng đồng thời sẽ kéo theo sự chú tâm đặc biệt và cùng lúc của NĐT tại nhiều quốc gia, qua đó sẽ tạo ra cái nhìn hợp lý nhất tại cùng một thời điểm cho tất cả mọi người về TTCK Việt Nam. Có một thực tế là những người đi dự hội thảo, hội nghị ngoài nhu cầu thông tin còn là kết nối, tìm kiếm các mối quan hệ, đối tác. Như vậy, khi nhà tổ chức, các CTCK có thể giải quyết tốt nhu cầu thông tin cho số đông nhờ vào công nghệ hay ý tưởng mới lạ thì cũng sẽ có thêm thời gian để có thể làm động tác kết nối nhằm đem lại nhiều hiệu quả hơn cho khách hàng.