Đi giữa vùng hạn bắc trung bộ

Như đến hẹn lại đến, năm nào miền trung nói chung, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị nói riêng cũng xảy ra hạn hán, song năm nay mức độ khốc liệt hơn bởi cường độ nắng nóng cao và kéo dài. Lượng mưa ít ỏi năm trước không cung cấp đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nên hiện nay, người dân vùng bắc trung bộ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khô hạn và nhiễm mặn.

Đồng ruộng xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cháy khô vì nắng hạn.
Đồng ruộng xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cháy khô vì nắng hạn.

Hồ khô, sông nhiễm mặn, ruộng nứt nẻ
 
 Mới hơn 10 giờ sáng mà nắng nóng như rang trên cánh đồng bạc phếch màu đất của xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Gần hai tháng kể từ khi xuống giống, hơn 80 ha lúa hè - thu không hề có được giọt mưa nào. Nắng hạn làm cho đồng ruộng khô cong, đường nứt nẻ đến mức có thể đút được bàn tay xuống. Lúa chưa kịp lên đã cháy khô giữa cánh đồng. Nông dân Phan Văn Tưởng kéo tôi ra sát lũy tre đầu làng, mé cánh đồng để được che bớt nắng, nói như phân bua: “Tui tuổi 60 rồi nhưng chưa khi mô chộ (thấy) hạn như ri (thế). Đây là vùng đất gieo lúa hè - thu của bà con làm từ lâu rồi, năm mô (nào) hạn thì chỉ thiếu ít nước cuối vụ thôi, chứ không như năm ni (này), gieo xong là không có mưa đến chừ (giờ). Nước dưới sông Gianh nhiễm mặn nên xã không thể bơm lên tưới cho lúa được. Coi như bà con làm mà không có ăn”.  
 
 Gần vuông ruộng nhà ông Tưởng, ông Phan Thanh Hữu cũng gieo mấy sào lúa giống mới nên khấp khởi mừng khi được xã chọn làm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương (OCOP). Giờ thì ông đang bất lực nhìn những thửa ruộng cháy khô do nắng hạn kéo dài.
 
 Xã Châu Hóa dựa lưng vào núi, quay mặt ra sông Gianh. Nơi đây, người dân còn giữ được những vùng rừng tốt tươi với nhiều cây gỗ tự nhiên có tuổi đời cả trăm năm. Nhờ vậy đã cung cấp nguồn nước ngầm mát ngọt để bấy lâu người dân có nước sinh hoạt. Song lúc này, hạn khốc liệt nên khe suối đầu nguồn khô cạn, lượng nước ngầm trong đất xuống thấp, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con. Sông Gianh đoạn chảy qua xã, nước vẫn sâu và trước đây là nguồn cung cấp chính cho sản xuất nhưng giờ bị nhiễm mặn nên cũng chẳng sử dụng được vào việc gì. Chủ tịch UBND xã Châu Hóa Phan Huy Hoàng cho biết, toàn xã gieo 96 ha lúa nhưng 90 ha bị cháy khô do nắng hạn. Ở một vài chân ruộng thấp, xã vận động người dân chuyển sang trồng các loại đậu, đỗ nhưng hạn quá nên cây cũng không lên nổi. “Buồn là xã có hệ thống kênh mương bê-tông và sáu trạm bơm điện để phục vụ sản xuất nhưng giờ phải “treo” vì nước sông Gianh nhiễm mặn. Chúng tôi đứng nhìn cây lúa chết cháy mà không cầm lòng nhưng cũng chẳng có cách nào cứu được”- ông Hoàng chia sẻ.
 
 Xuôi sông Gianh, chúng tôi ghé lại vùng nam thị xã Ba Đồn chứng kiến cảnh hạn hán cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của người dân chín xã nơi đây. Nguồn nước chính cho sản xuất là sông Nan năm nay xuống rất thấp, trong khi vừa cung cấp nước sinh hoạt vừa tưới cho cây trồng nên việc điều tiết gặp khó khăn. Công ty thủy nông tỉnh phải đắp đê quai xanh phía trước rồi lắp bốn máy dã chiến để bơm chuyền nước lên cho trạm bơm chính hoạt động. Theo đại diện lãnh đạo thị xã Ba Đồn, nhiều diện tích đầu và cuối nguồn nước Rào Nan đang khô hạn, nếu chỉ ít ngày nữa không được cung cấp nước, lúa sẽ cháy khô. Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Bình, lượng nước trong 143 hồ chứa do các địa phương quản lý chỉ còn khoảng 20% dung tích thiết kế, thậm chí hàng chục hồ đã cạn khô. Do nước sông Gianh bị nhiễm mặn lấn sâu về phía thượng nguồn nên nhiều xã ven sông của huyện Tuyên Hóa không thể bơm nước tưới cho cây trồng. Diện tích lúa bị hạn toàn tỉnh hơn 1.500 ha.
 
 Tại tỉnh Quảng Trị, từ đầu tháng 5 đến nay, do nắng nóng kéo dài, những cánh đồng nứt nẻ, lúa chết dần, cháy khô đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của nông dân. Ông Ngô Văn Long ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh lấy tay quệt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng, thẫn thờ nói: “Chú coi, cánh đồng rộng lớn như rứa, bà con nhọc công chăm bón nhưng thiếu nước, lúa cháy vàng cả rồi. Tui làm hai mẫu ruộng nhưng chỉ khoảng hơn một sào lúa màu xanh, còn hầu như toàn bộ đều bị cháy vàng và sắp chuyển sang bạc trắng. Nông dân lòng như lửa đốt nhưng cũng không biết làm răng được, mong cơ quan chức năng có cách nào giúp người dân cứu lúa”. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, nắng nóng kéo dài, gió phơn xuất hiện sớm và cường độ mạnh nên đã gây hạn hán, thiếu nước với diện tích lúa bị ảnh hưởng gần 1.500 ha lúa. Trong đó khô hạn nặng nhất là tại huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ.
 
 Cơ động và linh hoạt trong chống hạn
 
 Quá trưa nhưng trạm bơm dã chiến chạy bằng dầu diesel đặt ngay bên tuyến kênh máng Quảng Lộc vẫn nổ rền vang. Thấy chúng tôi đến, anh Đinh Xuân Long, phụ trách trạm ngồi tránh nắng dưới gốc cây trứng cá gần đó bước đến trò chuyện: “Hói (còn gọi là lạch) Trường nối xã Quảng Hòa với Quảng Lộc, sâu khoảng 1,5 m, phủ đầy bèo, nguồn nước chủ yếu là nhờ thẩm thấu từ đồng ruộng. Bây giờ khô hạn nên chúng tôi đặt trạm bơm dã chiến ở đây để tận dụng tối đa nguồn nước hồi quy này tưới cho cây lúa sắp làm đòng. Máy bơm công suất 600 m3/giờ, đưa nước vào kênh máng rồi tỏa đi các kênh nhỏ, cung cấp nước cho khoảng 200 ha”. Do nắng nóng mà trạm bơm không có lán, anh phải ngồi trực dưới bóng cây, mặc hai áo dày để chống nóng. Long bới thêm chai nước nhưng phải đi gửi nhờ vào tủ lạnh một gia đình gần đó, khi cần đến lấy uống. Trưa, anh tranh thủ phóng xe máy đến trụ sở chi nhánh thủy nông gần đó ăn cơm cùng anh em rồi quay lại trực. Công việc vất vả bởi thời tiết khắc nghiệt là vậy nhưng anh Long vẫn thấy vui: “Bọn anh làm nghề thủy nông mưa nắng quen rồi, chỉ mong còn có nước để bơm phục vụ cho bà con kẻo mất mùa thì nông dân còn cực hơn”.
 
 Chỉ cách trạm bơm dã chiến kênh máng vài cây số, trạm bơm chính của hệ thống thủy lợi Rào Nan ở xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn phải dừng hoạt động vì nước đầu vào cạn. Chi nhánh thủy nông Rào Nan huy động nhân viên đắp một đê quai xanh rồi kéo điện lắp bốn máy bơm dã chiến, mỗi máy công suất 1.000 m3/giờ bơm nước từ điểm sâu nhất giữa sông Nan vào phía bên trong để tạo nguồn cho trạm bơm chính hoạt động, cung cấp nước tưới cho gần 1.800 ha lúa của chín xã vùng nam sông Gianh.
 
 Cũng như Quảng Bình, hai tháng nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không có mưa, lượng nước tại các hồ chứa chỉ còn khoảng 20% dung tích thiết kế. Trong khi đó, từ nay đến cuối vụ lúa hè - thu còn hai đợt tưới nữa. Để tránh thất thoát lượng nước ít ỏi còn lại do bay hơi, đơn vị thủy nông ở Quảng Trị có sáng kiến là bơm nước chống hạn, cứu lúa vào ban đêm. Từ đầu tháng 6 đến nay, chị Hoàng Thị Thúy, công nhân thủy nông, Cụm thủy nông La Ngà đêm nào cũng đi kiểm tra, điều tiết nước trên mặt ruộng. Chị cho biết, bản thân có con nhỏ nhưng vẫn cố gắng sắp xếp việc gia đình để trực chống hạn từ 7 giờ cho tới 12 giờ đêm. Không kể chủ nhật hay thứ bảy, có phiên là phải trực trên mặt ruộng. Những ngày nắng hạn này, gần 300 cán bộ thủy nông luôn ứng trực để điều tiết hơn 1.000 cửa van, cống dẫn nước, giúp người dân cứu lúa, nhất là vào thời điểm ban đêm. Phó Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Xá Hạ, huyện Vĩnh Linh Trần Hữu Chính cho biết, trong thời điểm hạn hán cao điểm, công nhân cụm thủy nông La Ngà đã giúp đỡ nông dân đủ nước tưới bằng nhiều hình thức, nhất là việc tưới nước vào ban đêm vừa tiết kiệm nước vừa giúp cây lúa kéo dài thời gian thẩm thấu nước để sinh trưởng tốt, bảo đảm năng suất.
 
 Nắng nóng dự kiến vẫn còn kéo dài ở miền trung, UBND các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các ngành, địa phương triển khai kịp thời các giải pháp chống hạn. Trong đó, tập trung phối hợp điều tiết, sử dụng nguồn nước tiết kiệm có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng. Công ty thủy nông và các địa phương sử dụng phương pháp tưới linh hoạt như sử dụng máy bơm điện, máy bơm dầu dã chiến để tận dụng nước từ các ao, hồ tự nhiên, nước hồi quy và từ nguồn nước tận dụng còn lại ở hồ chứa tưới cho khu vực bị hạn. 
 

 Tỉnh Quảng Bình có hơn 50 công trình cấp nước ở vùng sâu, vùng xa được đầu tư đã khá lâu, phương thức cấp nước chủ yếu là nước tự chảy. Đến cuối tháng 7 này, do nắng nóng cao điểm hầu như tất cả công trình nước tự chảy đều thiếu nước đầu vào nên dừng hoạt động. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số phải đi gùi nước ở các khe, suối xa về sử dụng, tuy rất vất vả mà nước không bảo đảm chất lượng.