Số phận những dòng tranh dân gian Việt

Tranh dân gian Việt Nam có giá trị không? Câu trả lời, dĩ nhiên là có. Nó đã được khẳng định nhiều lần bởi các nhà khoa học, giới mỹ thuật. Nhưng có bao nhiêu người Việt hiện đại còn treo tranh dân gian để trang trí nhà cửa? Tưởng như nghịch lý, nhưng câu trả lời, dĩ nhiên là rất hiếm. Nếu không thể tìm ra phương thức để thích ứng với thị trường, với cuộc sống, thì tình trạng trên, chắc chắn, sẽ còn kéo dài.

Có rất nhiều nghịch lý ở câu chuyện tranh Đông Hồ. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH
Có rất nhiều nghịch lý ở câu chuyện tranh Đông Hồ. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

1. Làng Đông Hồ vẫn nằm nghiêng mình bên dòng sông Đuống như thuở nào. Có điều, đã có quá nhiều đổi thay so với cái ngày thi sĩ Hoàng Cầm viết những câu thơ “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Có rất nhiều nghịch lý ở câu chuyện tranh Đông Hồ. Làng Đông Hồ không còn nhiều người làm tranh. Nhưng các hộ gia đình còn giữ nghề đều… “sống khỏe”. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có một xưởng tranh khá quy mô, nơi khách có thể vừa xem các quy trình sản xuất, vừa mua sản phẩm làm quà lưu niệm. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, người nổi tiếng một thời, nay đã về với tiên tổ, nhưng các con trai ông vẫn kế nghiệp, tiếp tục đưa tranh ra thị trường. Thật khó có thể liệt kê hết những bài viết ca ngợi vẻ đẹp của tranh Đông Hồ, từ chủ đề tranh, cho đến nét độc đáo của kỹ thuật... Dẫu vậy, bây giờ, thật khó tìm được gia đình người Việt nào… treo tranh Đông Hồ.

Miền bắc xưa kia có ba dòng tranh dân gian chính, là: Hàng Trống, Kim Hoàng (cùng ở Hà Nội) và Đông Hồ (Bắc Ninh). Trải qua thời gian, mỗi dòng tranh đang có số phận khác nhau. Tranh Hàng Trống hiện chỉ còn một hộ gia đình làm, là nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Tranh Kim Hoàng thất truyền bảy mươi năm, chỉ mới được khôi phục ba, bốn năm nay bởi một nhóm những người đam mê tranh cổ, chuyên gia, nghệ sĩ. Họ lại không phải người Kim Hoàng. Bản thân người làng Kim Hoàng hầu như đã quên nghề. Đông Hồ lại là một câu chuyện khác. Trong những xoay vần của cuộc sống, kể cả những năm khó khăn nhất, khi nhiều làng nghề mai một, tranh Đông Hồ cũng chưa bao giờ bị đứt đoạn hẳn. Ngay cả thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đất nước gặp nhiều khó khăn thì người làng Mái vẫn sản xuất tranh đều đều. Đông Hồ ra nhiều mẫu mới, phù hợp với bối cảnh lịch sử bấy giờ như Tấm áo mẹ vá năm xưa, Đổi công hợp tác, Phụ nữ ba đảm đang hay bức Không cho chúng nó thoát (đề tài về trận Điện Biên Phủ trên không)… Sau này, tranh Đông Hồ còn được làm để xuất khẩu.

Với lịch sử như thế, muốn tìm hiểu về tranh dân gian một cách tổng thể, trong chính không gian “sống” của di sản này, chỉ còn cách về với làng tranh bên sông Đuống. Nơi đây, vẫn còn nhiều nghệ nhân làm tranh nhất. Ngoài tìm hiểu quy trình làm tranh, xem tranh, người ta còn được ngắm nhìn khung cảnh làng cổ, giếng nước, mái đình, triền đê xanh ngợp... Bởi thế, những hộ gia đình còn làm tranh ở Đông Hồ luôn được đón tiếp những đoàn khách du lịch. Đến thăm làng nghề truyền thống thì mua sản phẩm của làng nghề làm kỷ niệm. Tất nhiên, sản phẩm đó chủ yếu là tranh.

Đề tài thường mang ý nghĩa chúc phúc, chúc thành đạt, đông con, nhiều cháu... Những bức tranh cũng khắc họa cuộc sống của làng quê Việt Nam. Nhưng mua về làm kỷ niệm với mua về để treo tranh là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Không ít người bỏ vài trăm nghìn đồng mua cả bộ chục bức tranh làng Hồ về rồi cảm thấy... khó xử. Về kỹ thuật, tranh Đông Hồ chủ yếu khổ nhỏ, dùng bản khắc gỗ in hàng loạt. Người thạo nghề chỉ một buổi là in được... cả đống tranh. Điều đó giúp tranh Đông Hồ giá rẻ, phục vụ cho nhu cầu của phần lớn hộ nông dân xưa. Theo truyền thống, người chơi tranh Tết xưa mua tranh, về dán thẳng lên vách, hay lên cửa. Một thời gian sau thì bóc bỏ đi. Cuộc sống ngày nay đã đổi thay. Không gian sống cũng khác. Kinh tế đã khá giả hơn rất nhiều. Không dễ để thuyết phục khách hàng treo những bức tranh in hàng loạt, với giá vài trăm nghìn đồng mua được cả chục, với khổ tranh không thích hợp để trang trí cho không gian sống của mình, cho dù nó có ý nghĩa sâu xa và mang “màu dân tộc”.

Các hộ làm tranh Đông Hồ “sống khỏe”, theo một cách mà hẳn không phải ai cũng mong muốn.

2. Tranh Hàng Trống bây giờ không ở phố Hàng Trống. Gia đình làm tranh cuối cùng, nghệ nhân Lê Đình Nghiên giờ chuyển đến sống ở phố Cửa Đông. Nhưng khác với thời kỳ hiu hắt trước kia, nghệ nhân Lê Đình Nghiên lúc nào cũng tất bật. Cùng phụ giúp ông là con trai - nghệ nhân trẻ Lê Hoàn. Vậy mà vẫn không kịp nhu cầu của khách. Vẽ xong bức nào, có người đến lấy ngay bức đó. Thậm chí có lúc đến nhà nghệ nhân mà người ta... không được ngắm tranh.

Khác với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống bây giờ không hề rẻ. Bức có giá thấp nhất cũng tính bằng tiền triệu. Vậy mà thị trường vẫn “hấp thụ”, tốt đến mức đã có không ít người mày mò tự nghiên cứu và vẽ tranh Hàng Trống để bán. Sở dĩ có câu chuyện ấy là vì tranh Hàng Trống có khổ lớn. Theo Phó Giáo sư Phan Ngọc Khuê, người có nhiều công trình nghiên cứu về tranh Hàng Trống, tranh Hàng Trống chủ yếu phục vụ cho nhu cầu người dân phố thị – nơi mà không gian sống có “nhà cao cửa rộng” hơn, nên người ta làm tranh khổ lớn. Chính điều này khiến nó rất dễ phù hợp với không gian của những phòng khách sang trọng hiện thời. Tranh Hàng Trống có tính độc bản cao, không phải tranh in loạt. Các mẫu tranh chỉ in những nét chính, còn lại, nghệ nhân phải mất rất nhiều công sức để vẽ, tô mầu. Điều đó khiến người mua tranh Hàng Trống không chỉ để chơi, mà còn để sưu tầm. Tranh Hàng Trống để lâu năm, càng có giá. Nếu vẽ bằng các mầu làm từ sa khoáng, cùng với thời gian, mầu tranh có độ sâu hơn.

Nỗi lo tranh Hàng Trống thất truyền, có lẽ, đã bắt đầu thành lỗi thời. Ngay cả khi nghệ nhân Lê Đình Nghiên không truyền dạy, thì vẫn có người nghiên cứu để vẽ đúng theo phong cách Hàng Trống. Hoa văn, họa tiết, cách phối mầu của tranh Hàng Trống rất độc đáo, giàu tính hiện đại nên đang được khai thác ứng dụng trong nhiều sản phẩm mỹ nghệ, hoặc bao bì sản phẩm cho cuộc sống đương đại.

3. Tranh Kim Hoàng mới chính thức khôi phục đầu năm 2016, với những mẫu tranh đầu tiên. Từ đó đến nay, cùng với khôi phục những mẫu cổ truyền, “làm mới” một số mẫu tranh cổ, năm nào, Dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng do Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa làm chủ nhiệm cũng cho ra vài mẫu mới. Năm Tuất, Dự án có mẫu tranh nghê Việt. Đi vào chi tiết hơn, đó là loại khuyển nghê, linh vật được hình tượng hóa từ con chó, vốn gần gũi, thân thuộc với người Việt. Đón Xuân Canh Tý, nhóm làm tranh Kim Hoàng cho ra mẫu tranh chuột - với chủ đề “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”. Hình ảnh con chuột được lấy từ cảm hứng tranh dân gian truyền thống. Và chủ đề “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” thể hiện khát vọng đỗ đạt của người xưa. Chủ đề này cũng gần giống với tích “Vinh quy bái tổ” vốn phổ biến trong tranh dân gian. Đến giờ, Dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng đã cho ra đời được 12 mẫu. Tất cả đều được sáng tạo dựa trên phong cách tranh Kim Hoàng và từ vốn mỹ thuật dân gian. Các mẫu đều được thị trường đón nhận, dù giá không hề rẻ.

Chủ nhiệm Dự án Khôi phục tranh Kim Hoàng Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, thị trường tranh dân gian là thị trường hẹp. Muốn nghệ nhân sống được, phải hướng tới tranh cao cấp. Bởi thế, trên nền của truyền thống, nhóm thực hiện Dự án đã cho ra đời những mẫu tranh cao cấp, đáp ứng nhu cầu trang trí trong đời sống đương đại.

***

Đã có dự án và nguồn tài chính không nhỏ đổ vào việc khôi phục lại nghề làm tranh Đông Hồ. Song, tranh Đông Hồ đang trên hành trình làm hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Rõ ràng, loại hình di sản nghề truyền thống, trong đó có nghề tranh dân gian, phải có được thị trường nếu muốn tồn tại. Nghề tranh, chỉ bền vững khi sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường - khi chính người Việt chơi tranh. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tính một cách rạch ròi, trước hết, là gìn giữ những giá trị cũ, song song với đem lại cho chúng sức sống mới để thích ứng. Mỗi dòng tranh, một đặc điểm. Và “đặc điểm” ấy đem đến những số phận khác nhau. Những số phận ấy, cho ta những gợi ý, để tìm ra phương thức giúp cho những “màu dân tộc” ấy bảo tồn được sức sống trong đời sống đương đại.