Diều sáo phiêu du

Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng với thương hiệu làng của những đô vật nổi tiếng, mà còn được biết đến với thú chơi diều độc đáo đã trở thành nét văn hóa. Điều thú vị, cũng bắt đầu từ cánh diều ấy mà nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Hữu Kiêm (bên phải) đã góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Diều sáo phiêu du

Tự hào thú chơi nghìn tuổi

Chiều buông, diều sáo gác lên nền trời mây, du dương tiếng sáo vọng xuống. Phía dưới làng mạc ven đê sông Hồng trù phú. Con đê cong cong lãng mạn. Ngôi nhà của NNƯT Nguyễn Hữu Kiêm rợp bóng cây xanh, lâu nay đã trở thành điểm hẹn của những người bạn, các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) diều sáo Bá Dương Nội và nhiều vị khách phương xa nghe tiếng tìm về.

Theo ông Kiêm, Bá Dương Nội xưa có tên nôm là Bá Giang, dẫu cái nghèo còn đè nặng vai, nhưng chưa khi nào người dân nơi đây để mất “nghề chơi công phu” bao đời. Cũng từ một thú chơi mà ngày nay xuất hiện không ít “đại gia” làm diều như Nguyễn Hữu Ngọ, Nguyễn Hữu Kiêm, Nguyễn Gia Đỗ, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Quyết,…Dựa vào thế đất ven đê, có gió lộng, những cánh đồng rộng bát ngát, ngay từ khi thơ bé, lớp trẻ ở làng thường đã biết cách khéo léo thả cho những cánh diều nhỏ cưỡi gió, cưỡi mây. Theo thời gian, lớp trẻ lớn dần, tiếp nối ước mơ và thú chơi diều của cha ông.

Cụ thân sinh nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm là nghệ nhân Nguyễn Hữu Ngọ, một trong những người chơi diều nổi tiếng nhất ở Bá Dương Nội. Thế nên từ nhỏ ông Kiêm đã thừa hưởng tình yêu diều từ bố và thường đi tìm tre gọt sáo. Lớn lên, ông công tác trong ngành điện lực, có điều kiện đi nhiều địa phương và mỗi nơi ông đều để ý đến thú chơi diều ở các địa phương ấy. Ông từng trở đi trở lại nhiều ngôi làng nổi tiếng ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Thừa Thiên Huế… Nhờ đó, ông có cả kho tàng câu chuyện về diều, sáo diều. Cũng chẳng ít lần ông mang diều của mình đi giao lưu, ở cuộc nào tiếng sáo diều của ông cũng khác biệt. Ông Kiêm được mọi người trong làng bầu là Chủ nhiệm CLB diều sáo Bá Dương Nội.

Theo sử sách và lời kể của bậc cao niên trong làng, thú chơi gắn liền với công lao của tướng Nguyễn Cả, vị tướng thời vua Đinh Tiên Hoàng. Sau khi giúp vua dẹp loạn 12 sứ quân, tướng quân Nguyễn Cả từ quan về làng, dạy dân làm ruộng, mở hội... Những năm tháng vui thú điền viên, ông bày cho đám trẻ trong làng nhiều trò chơi thú vị, trong đó có trò thả diều. Không biết tự khi nào, mà người lớn cũng bị cuốn hút vào thú chơi ấy. 

Người Bá Dương Nội lúc nào cũng nhớ một câu chuyện dân gian gắn liền với nguồn gốc của những cánh diều. Thuở xa xưa, khi trời đất giao hòa với nhau, mỗi lần dưới đất có lễ hội thì các nàng tiên thường xuống tham dự. Một ngày nọ, bầu trời bỗng cao lên, cao lên mãi, khiến các nàng tiên cất cánh bay đi, không trở lại. Dân gian muốn gửi gắm sự nhớ nhung lên trời bằng cách thả diều, nhưng lại e là quá tẻ nhạt, nên nghĩ ra cách tạo thêm âm thanh bằng những thanh sáo nhỏ. Là những lời gọi mời các nàng tiên xuống trần gian.

Nét tinh tế 

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm mang những con diều hình lá muỗm ra sân, giới thiệu chi tiết từ cách làm xương của diều cho đến cách làm từng bộ sáo. Trong các làng quê Việt Nam, thú chơi diều không phải là chuyện hiếm. Mỗi loại diều thường “kèm theo” sáo tre và có nhiều cách làm diều sáo, như sáo đôi, sáo ba, sáo bảy, sáo chín, sáo mười. Ở các tỉnh, thành phố dọc sông Hồng thường chơi diều không đuôi, sáo ngắn, mỗi diều chỉ kèm một sáo hoặc sáo đôi. Ông bảo, nhiều chuyên gia nước ngoài đã tìm đến để nghiên cứu diều sáo Việt Nam. Họ ghi nhận trên thế giới, chỉ có Việt Nam là có diều kèm theo sáo.

Diều sáo phiêu du -0
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm (người thứ hai, từ phải sang) mang cánh diều Việt Nam giới thiệu tại Pháp. 

Sáo đôi thường sinh ra tiếng du dương, lúc trầm lúc bổng mà các nghệ nhân làng Bá Dương Nội gọi là “mẹ gọi con thưa”, hai tiếng hòa vào nhau, êm ái, đổ hồi. Theo ông Kiêm, vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhiều làng chơi diều sáo, nhưng không ở đâu mà âm thanh tiếng sáo diều hay như ở Bá Dương Nội.Tạo ra hợp âm của hai sáo không phải ai cũng làm được. Tai người làm sáo phải chuẩn, tinh tế thì mới tạo ra tiếng khớp nhau. Bởi vậy có người cả đời chỉ làm được một bộ sáo hay. Ông Kiêm nhấn mạnh: “Chúng tôi đi tham khảo, tìm hiểu ở nhiều làng thì biết được rằng, những người làm được sáo hay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày nay nhiều thanh niên chơi diều cố tạo nên cả dàn sáo, có khi đến 12 chiếc. Nhưng thả lên trời nghe như tiếng cưa xẻ chứ không còn là sáo diều nữa. Nó cứ dồn nhau, tiếng khê lắm”.

Ông Kiêm nói thêm, vì là thú chơi văn hóa nên khi chọn tre làm diều, người dân cũng phải chọn tre mới, được trồng ở vị trí sạch đẹp, muốn cho khô phải phơi ở trên cao. Khi vót xương diều không để phụ nữ hay trẻ em bước qua. “Đó là lý do vì sao trước đây bố tôi và các cụ trong làng thường làm diều vào ban đêm, lúc ấy con cháu đã đi ngủ hết, một mình ngồi làm để giữ cho diều được thanh cao. Sau mỗi ngày thả diều hay mỗi dịp thi, diều cũng phải được gác lên nóc nhà. Việc chọn tre làm sáo của làng tôi cũng hết sức công phu. Chúng tôi chọn cây tre già, loại già đến độ chết đứng trong bụi cây. Việc gọt lỗ sáo hết sức công phu (lỗ để gió thổi tạo ra âm thanh). Khâu gọt để tạo âm thanh mới quyết định tài năng”, ông Kiêm chia sẻ.

Diều sáo Việt ra thế giới

Hiện nay trong kho tư liệu của gia đình, NNƯT Nguyễn Hữu Kiêm còn giữ được hai công trình của các nhà nghiên cứu người Pháp, về diều quốc tế và Việt Nam, đồng thời có một cuốn tạp chí in tấm ảnh cụ thân sinh ra ông - nghệ nhân Nguyễn Hữu Ngọ nhận bằng khen vì có nhiều thành tích gìn giữ văn hóa diều truyền thống (tạp chí in năm 1999). Ông Kiêm bảo: “Hóa ra cách đây hàng chục năm, người nước ngoài đã tìm hiểu về diều truyền thống của Việt Nam. Nhưng diều của nước ta vẫn chưa… ra thế giới. Năm 2008, tôi về hưu và có hai ước muốn, thứ nhất là tôn tạo miếu Diều (thờ thần Châu Thổ) và năm 2010 đã làm được. Thứ hai là đưa diều Việt Nam ra thế giới và chúng tôi cũng đã làm được”.

Ông Kiêm cho hay, từ năm 2007, CLB diều sáo Bá Dương Nội tham dự Festival Diều quốc tế Vũng Tàu. Sau 5 năm liên tiếp, diều Bá Dương Nội đã được Hiệp hội diều Đông - Nam Á biết đến, các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tìm đến làng ngày một nhiều hơn. Từ đó, diều sáo Việt Nam có cơ hội ngân nga ở bầu trời quốc tế. Việc ông Kiêm được mời tham dự các festival tại Thái-lan, Ma-lai-xi-a, rồi Trung Quốc, Pháp, Cam-pu-chia chứng tỏ sự lan tỏa của danh tiếng diều Bá Dương Nội. Sau đó nhiều lần, các thành viên trong CLB diều sáo Bá Dương Nội được mời đi Ấn Độ, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Bru-nây… để biểu diễn diều sáo. Có một cái khó là, nếu diều để “cả chiếc” thì việc mang ra nước ngoài vô cùng khó khăn. Nhưng người Bá Dương Nội nghĩ ra cách làm con diều có thể tháo rời các chi tiết và cho vào hộp, khoác như đàn ghi-ta, đến nơi cần đến thì ghép lại.

Năm 2012 ông Kiêm mang diều đi trình diễn ở Liên hoan Diều quốc tế tại Pháp, có sự tham gia của đại diện 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Năm ấy tôi mang theo hai diều. Ở bên đó gió rất tốt, diều lên cao, sáo kêu hay không thể tưởng tượng được. Trong 50 đoàn tham dự, chỉ diều của Việt Nam có âm thanh du dương tiếng sáo, lạ tai hay đến vậy. Nhiều người ở cách cuộc biểu diễn mấy cây số cũng tìm đến xem vì nghe tiếng sáo lạ. Đó là những ngày thật tự hào và hoành tráng. Một kỷ lục gia người Ai-len qua hai lần thả diều đã phải thốt lên: Diều của Việt Nam hay tuyệt vời, từ nay trong các Liên hoan Diều quốc tế, không thể thiếu Việt Nam!”, ông Kiêm bồi hồi nhớ lại.

Tiếp nối truyền thống, các con, cháu trong gia đình ông đều đam mê diều. Ông Kiêm quan niệm, chơi diều là chơi cho mình, đó là thú chơi không chỉ để thư giãn mà còn hội tụ giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, cùng với đó còn là ước vọng về hòa bình, mưa thuận gió hòa cho mùa màng tốt tươi.

Tiếng sáo diều Việt Nam chắc chắn sẽ còn ngân xa hơn nữa.

Hằng năm, cứ đến ngày 15-3 âm lịch, người dân Bá Dương Nội lại tấp nập tổ chức hội thi diều tại sân đền thờ thần Châu Thổ, thu hút du khách thập phương. Diều được chọn thi có kích thước 2,2 m trở lên, đèo ba sáo, sáo bé nhất phải có đường kính ống 2,5 cm. Nhiều năm trong cuộc thi, mây sà xuống, diều lẫn vào mây, diều lên cao, nên các “diều thủ” phải chuẩn bị cuộn dây dài 2.000 m. Diều nào lên cao nhất, đứng, không chao đảo là ăn giải nhất.