"Để thế giới tốt đẹp hơn cách tôi tìm thấy nó"

Bi kịch lớn nhất của con người có lẽ là khi các nạn nhân của bạo lực và lòng căm thù đánh mất khả năng tự kiểm soát, họ mặc cho con quái vật bên trong giẫm đạp chính mình và những người chung quanh. Jonny Kim không thế. Anh đủ tỉnh táo để phá vỡ vòng luẩn quẩn ấy. Những trải nghiệm đau đớn trong chiến đấu đã thôi thúc anh từ một lính đặc nhiệm SEAL trở thành một bác sĩ, với mong muốn chữa lành cho tất cả mọi người.

"Để thế giới tốt đẹp hơn cách tôi tìm thấy nó"

Từ vòng xoáy bạo lực

Dù sở hữu bộ hồ sơ cá nhân đặc biệt, những năm tháng tuổi thơ của Jonny Kim lại gắn liền với cửa hàng rượu của gia đình, nơi anh cùng người mẹ thường xuyên chịu đựng sự bạo hành liên tục của cha. Thậm chí, ngay cả khi cha anh đột ngột qua đời vì một tai nạn, Jonny vẫn loay hoay với "dư chấn". "Tôi đích thực là một đứa trẻ thiếu tự tin, luôn cảm thấy sợ hãi khi nói chuyện và kết bạn với mọi người", chàng trai người Mỹ gốc Hàn Quốc chia sẻ.

Năm 16 tuổi, một người bạn đã giới thiệu với Jonny về SEAL - Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt của Hải quân Hoa Kỳ, một trong những lực lượng tinh nhuệ được đào tạo bài bản nhất, chịu trách nhiệm xử lý nhiều nhiệm vụ tuyệt mật khác nhau trên khắp thế giới.

"Tôi đã thi bài kiểm tra xét tuyển đại học (SAT) theo yêu cầu của mẹ, nhưng không nộp đơn vào bất kỳ trường nào", anh kể. Như Jonny thổ lộ, chính khao khát phải bảo vệ bản thân và mẹ trong suốt thời thơ ấu đã thôi thúc anh. SEAL còn cuốn hút hơn thế nữa. Tổ chức này hướng người lính tới đỉnh điểm của sự chuyên nghiệp, không tìm kiếm bất kỳ sự công nhận nào cho nỗ lực phi thường và những hy sinh.

"Con rất thông minh, tại sao con lại muốn làm như vậy?", mẹ của Jonny đã khóc. Bất chấp những gì bà mong ước, chàng trai sinh năm 1984 quyết định chọn SEAL. Đó cũng là lần đầu Jonny quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình.

Chiến tranh không như trong phim

Jonny gia nhập Hải quân sau khi tốt nghiệp trung học năm 2002, rồi trở thành một thành viên của SEAL Team 3. Chàng trai người Mỹ gốc Hàn hai lần được triển khai đến Trung Đông với tư cách là y sĩ chiến đấu, lính bắn tỉa, hoa tiêu và lính trinh sát. Và như nhận định của Jonny, ngay cả "tuần lễ huấn luyện địa ngục", thời điểm từng suýt chút nữa khiến anh phải bỏ cuộc, vẫn còn dễ dàng hơn rất nhiều so thực địa chiến trường.

"Chúng chẳng là gì", Jonny khẳng định. "Lý do việc huấn luyện khó khăn đến vậy là để bạn sẵn sàng trước những tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, thật sự không có cách nào để chuẩn bị trước cho sự tàn khốc và đau khổ của chiến tranh".

Jonny Kim đã hoàn thành hơn 100 nhiệm vụ ở Trung Đông, được trao Huân chương Sao Bạc, Huy chương Sao Đồng, Huân chương Tuyên dương của Hải quân và Thủy quân lục chiến... Dẫu vậy, khi tham chiến ở Ramadi (Iraq) năm 2006, Jonny đã mất người đồng đội thân thiết nhất. "Tôi không thể làm gì nhiều, và đó là một trong những cảm giác bất lực tồi tệ nhất. Anh ấy cần một bác sĩ và cuối cùng tôi đã tìm được, nhưng...". Bất chấp vô vàn những nhiệm vụ đã từng vượt qua, cảm giác bất lực của ngày hôm đó đã để lại vết hằn không thể phai mờ trong ký ức của người lính trẻ.

"Ở tuổi 18 ngây thơ, tôi đã có những ước mơ lớn lao là được chiến đấu và cống hiến như những gì diễn ra trong các bộ phim Hollywood. Nhưng chiến tranh không giống bất cứ điều gì tôi tưởng tượng. Nó thật xấu xí".

"Để thế giới tốt đẹp hơn cách tôi tìm thấy nó" ảnh 1

Những ngã rẽ nối tiếp

Jonny luôn cảm thấy rất tức giận sau chiến tranh, khi trở về với đời sống thực tại, ngắm nhìn đứa con trai chào đời cũng vào thời điểm đó.

"Bên cạnh nỗ lực đương đầu những tổn thương và mất mát trong quá khứ, gian khổ nhất với tôi chính là việc phải học cách cởi mở với cuộc đời. Tôi đã chứng kiến rất nhiều hành động nhân ái về tình yêu thương dành cho đồng loại. Chiến tranh thật tồi tệ, nhưng giữa khoảnh khắc đen tối nhất, vẫn có những hy vọng rằng chúng ta có thể làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Và việc trở thành bác sĩ sẽ giúp tôi hoàn thành lời hứa với bạn mình, rằng tôi sẽ sống phần đời còn lại phục vụ và đóng góp tích cực cho xã hội", anh chia sẻ.

Nhưng cần phải có bằng đại học để làm được điều này. Jonny mất ba năm để trở thành cử nhân khoa toán Trường đại học San Diego. Sau đó, anh đã tốt nghiệp Trường Y Harvard vào năm 2016 để chinh phục mục tiêu tiếp theo của mình. Sau một năm làm bác sĩ nội trú về y học cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, thêm một điều tuyệt vời nữa xuất hiện.

Khi anh cùng người vợ đang mua đồ trong cửa hàng tạp hóa, chiếc điện thoại liên tục rung chuông. "Tôi nghĩ tim mình đập 100 nhịp mỗi giây, dù đã cố gắng không để mất bình tĩnh khi ở giữa những kệ hàng. Nhưng khi nhận được tin này và cúp máy, tôi đã chạy đến chỗ vợ, nhảy cẫng lên và nói với cô ấy rằng tôi đã được NASA chấp nhận", Jonny vẫn nhớ rõ khoảnh khắc ấy.

Thời điểm tốt nghiệp trường y, chàng trai trẻ đồng thời cũng ứng tuyển vào lớp phi hành gia của NASA. Không chỉ vượt qua hơn 18 nghìn ứng viên trong cả nước, Jonny còn tự hào khi là SEAL thứ ba được NASA lựa chọn để đào tạo. Năm 2020, anh tốt nghiệp và chính thức trở thành phi hành gia người Mỹ gốc Hàn đầu tiên. Đầu năm 2021, chàng trai sinh năm 1984 được chọn đảm nhiệm vai trò Trưởng nhóm Tăng cường của Trạm Vũ trụ quốc tế cho Chuyến thám hiểm 65, và đang chờ đón sứ mệnh bay lên Mặt trăng dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2024.

Ðích đến ngỡ ngàng

"Quá khứ là một lính SEAL đã dạy tôi rằng mỗi người đều mạnh mẽ và có khả năng hơn rất nhiều so những gì bản thân mình thật sự biết. Không ai hoàn thành những mục tiêu lớn của cuộc đời trong một bước, và mỗi sai lầm đều là cơ hội để học hỏi và cải thiện nhiều hơn. Điều quan trọng là bạn phải hạnh phúc khi làm những gì mình mong muốn. Người kiên cường nhất luôn tồn tại sau mỗi lần gục ngã, để đứng dậy và nỗ lực bước tiếp", Jonny đúc kết.

Tất nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng đưa cho mỗi cá nhân các câu trả lời rõ ràng, nhưng chắc chắn các trải nghiệm sẽ giúp chúng ta tìm được công cụ để giải quyết những trở ngại. Hành trình đáng kinh ngạc của Jonny đã đạt được bằng cách tập trung vào từng mục tiêu cụ thể ở mỗi chặng đường. Và hiện tại, đó là những nỗ lực đóng góp vào việc khám phá vũ trụ để các lứa kế cận có thể tiến vào vũ trụ trong nay mai.

Đối với Jonny, xuất phát từ hy vọng: "Để thế giới tốt đẹp hơn cách tôi tìm thấy nó", anh đã thành công với những đích đến.