Để những "đặc biệt" thật sự phát huy tác dụng

Sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2022 là không thể phủ nhận. Theo báo cáo của Chính phủ, ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thế nhưng, trước mắt vẫn còn những thách thức không hề nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Vừa nỗ lực chống lạm phát, vừa phải duy trì lãi suất và tỷ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Ảnh: TTXVN
Vừa nỗ lực chống lạm phát, vừa phải duy trì lãi suất và tỷ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Ảnh: TTXVN

Thành công đáng ghi nhận

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách năm 2022 và kế hoạch năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Điều đáng mừng là trong bối cảnh hết sức khó khăn của năm 2022, khó khăn hơn mức dự báo, đặc biệt là do tác động của dịch Covid-19, đã có những lúc, các tổ chức thế giới đánh giá khả năng hồi phục kinh tế của nước ta đứng ở top cuối của thế giới. Nhưng đến thời điểm này, các nhận định đã đảo chiều. Việt Nam được đánh giá có tốc độ phục hồi nhanh nhất, nhì thế giới.

Quả thật, theo cơ quan thống kê quốc gia, GDP chín tháng năm 2022 tăng 8,83% so cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất của chín tháng trong giai đoạn 2011-2022, trong đó, quý III tăng rất mạnh: 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả ba khu vực của nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%. Nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI chín tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong thành công chung đó, những quyết sách của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng vai trò quan trọng. Quốc hội đã đồng hành, chia sẻ, kịp thời ban hành thể chế; sửa đổi, bổ sung thể chế; Quốc hội giám sát, ban hành những chính sách quan trọng để Chính phủ thực hiện. Lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường để ban hành một luật, sửa chín luật; ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội... một cách nhanh chóng, kịp thời. Quốc hội cũng đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với Luật trong thời gian Quốc hội không họp. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết theo ủy quyền của Quốc hội, xử lý những vấn đề khác luật, những vấn đề chưa được luật quy định. Có thể nói, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã đồng hành "dò đá qua sông"...

Cần tiếp tục có giải pháp căn cơ, chiến lược lâu dài

Khẳng định những kết quả kinh tế-xã hội chín tháng qua là rất ngoạn mục, tạo được sự tin tưởng trong cử tri và nhân dân, một số đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra nhiều điều còn phải tiếp tục quan tâm giải quyết.

Như đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) chỉ rõ, mức tăng trưởng cao của năm 2021 là dựa trên một mức nền thấp của năm 2020, thời điểm mà nền kinh tế có nhiều tháng, nhiều khu vực bị "đóng băng" để phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ có 1/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt mục tiêu đề ra, nhưng đó lại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (ước thực hiện cả năm khoảng 4,7-5,2%, so với mục tiêu là 5,5%), chỉ dấu cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động.

Phân tích kỹ hơn các chỉ số thành phần, còn có thể thấy được nhiều điểm yếu khác: Thu ngân sách nhà nước thiếu bền vững, tăng thu chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất; thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các tổ chức kinh tế thấp; tỷ trọng xuất khẩu đạt cao nhưng phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giá trị gia tăng vẫn thấp; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, không đạt kết quả như kỳ vọng…

Trong bối cảnh năm 2023, dự báo kinh tế thế giới nói riêng và tình hình quốc tế nói chung sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) và nhiều đại biểu khác có chung đề nghị: Chính phủ tiếp tục có những giải pháp căn cơ, chiến lược lâu dài để ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Gia cố lưới an sinh xã hội

Đây là yêu cầu bức thiết được nhiều đại biểu đề cập và được củng cố bằng những số liệu rất toàn diện, chi tiết do Ủy ban Xã hội của Quốc hội cung cấp sau cuộc giám sát khá công phu, độ bao phủ cao.

Một trong những thí dụ rất đáng quan sát là "tấm lưới" an sinh xã hội quan trọng nhất: Bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đang chững lại và giảm đột ngột. Ước tính đến ngày 30/9/2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chỉ đạt 87,42% dân số; thấp hơn 3,59 điểm phần trăm so cuối năm 2021 (91,01%) và còn khoảng cách khá xa so chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là 92%.

Theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nguyên nhân quan trọng nhất của việc tấm lưới này bị doãng rộng ra, trở nên mỏng mảnh hơn, là do có khoảng 3,1 triệu người ở những địa phương đã thoát khỏi diện huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 nên không tiếp tục được ngân sách đóng hoặc hỗ trợ bảo hiểm y tế nữa. Trong số này, có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Tuy một phần do nhận thức của người dân chưa đầy đủ về bảo hiểm y tế, nhưng quan trọng hơn, chi phí tham gia bảo hiểm y tế cho cả gia đình vẫn là một gánh nặng đối với những hộ vừa thoát nghèo. Mà ai cũng biết rất rõ rằng, tình trạng tái nghèo sẽ lập tức quay trở lại khi chỉ một thành viên trong hộ vừa thoát nghèo không may bị lâm bạo bệnh.

Một vấn đề xã hội khác cũng rất đáng lưu tâm, theo Ủy ban Xã hội, là nghịch lý thừa-thiếu trong ngành y tế, có thể tóm tắt ngắn gọn: Thiếu thuốc, thừa vaccine.

Trong khi tình trạng thiếu thuốc nói chung vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, việc thực hiện mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế rất hạn chế, hầu hết các địa phương còn dư vaccine chưa sử dụng; ở một số địa phương, lượng vaccine còn dư sắp hết hạn tương đối lớn. Và thực tế đáng ngạc nhiên là hầu hết các tỉnh không sử dụng hết nguồn ngân sách Nhà nước đã bố trí cho phòng, chống dịch.

Theo phản ánh của địa phương, nguyên nhân sâu xa là tuy Nghị quyết 30 của Quốc hội đã cho phép và các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù tại từng thời điểm phòng, chống dịch Covid-19 cụ thể nhưng sau đó, quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán lại không xem xét các yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà lại chỉ áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý, gây ra tâm lý "sợ sai" của cán bộ, công chức, viên chức. Đây không phải là câu chuyện riêng của ngành y tế.

Có lẽ, một trong những nút thắt quan trọng nhất cần tháo gỡ là khắc phục tâm lý này, để những cơ chế đặc biệt đã đề ra thật sự phát huy được tác dụng, biến thành hiệu quả kinh tế-xã hội cụ thể.