Để ngành da giày Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội TPP

NDO -

NDĐT- TPP và các FTA sẽ tạo tác động tích cực đến triển vọng xuất khẩu của ngành da giày; so với các quốc gia khác thì Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh nên có khả năng mở rộng thị trường. Do vậy để có thể khai thác những cơ hội mới thì chúng ta cần thay đổi tư duy và cách làm.

Để ngành da giày Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội TPP

Tự tin trên sân chơi lớn

Ngành công nghiệp da giày Việt Nam hiện chiếm 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hằng năm cả nước; là mặt hàng XK chủ lực thứ ba sau dệt may, điện thoại các loại và linh kiện. Kim ngạch XK da giày năm 2012 đạt 8,764 tỷ USD, năm 2013 đạt 8,4 tỷ USD và năm 2014 đạt 10,3 tỷ USD. Năm 2015, khả năng cán mốc mục tiêu kim ngạch XK toàn ngành ước đạt khoảng 13,5-14 tỷ USD và đạt 65-70% tỷ lệ nội địa hóa là rất cao, bởi hàng loạt các doanh nghiệp XK da giày đã có được hợp đồng XK đến hết quý III, thậm chí cả quý IV-2015, trong đó giá XK vào phần lớn các thị trường như Mỹ, Nhật, Australia và Nam Mỹ đều ở mức ổn định, thậm chí tăng nhẹ do tăng lương tối thiểu tại Việt Nam.

Việt Nam hiện nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới và là nước XK lớn thứ 3 (chỉ sau Trung Quốc và Italia) trên thế giới về trị giá, chiếm khoảng 10% thị phần trên thế giới; đứng ở vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về thị phần tại cả ba thị trường XK lớn nhất hiện nay gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Sản phẩm của ngành da giày Việt Nam đã có mặt ở 45 nước, chủ yếu là Hoa Kỳ (đạt kim ngạch XK 3,3 tỷ USD năm 2014, tăng 26,9% so với năm trước), EU (đạt 3,6 tỷ USD, tăng 24,1%), Nhật Bản (533 triệu USD), Trung Quốc, Hàn Quốc... Hoa Kỳ nhập khẩu 98% giày thể thao từ các nước trên thế giới, chủ yếu là Trung Quốc, Việt Nam.

Theo FDRA, từ năm 2001 đến nay, XK giày dép của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 20-21%/năm. Hiện tại, Việt Nam chiếm 10% (đứng thứ 2) nhập khẩu giày dép của Hoa Kỳ, so với Trung Quốc chiếm 80%, Indonesia 4%, Italia 0,8%, Ấn Độ 0,7%,.. Dự báo thị phần giày dép của Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên 12% vào năm 2018.

Theo Hiệp hội bán lẻ giày Hoa Kỳ, tiềm năng cạnh tranh XK của ngành da giày Việt Nam rất khả quan, nhờ sự ổn định kinh tế, tiền tệ, chính trị và xã hội; nguồn nhân công đông đảo, giá rẻ và tay nghề cao, đang trong thời kỳ dân số vàng, với 42,1% lao động dưới 25 tuổi, thời gian làm việc 48 giờ/tuần (trong khi Trung Quốc là 40 giờ/tuần) và trở thành điểm đón nhận làn sóng tái cơ cấu ngành da giày trên phạm vi khu vực. Việt Nam đang được Nhật Bản chọn làm nơi đặt cơ sở sản xuất, với tỷ lệ tăng từ 27% (năm 2010) lên 30% (năm 2013) tổng sản lượng da giày hằng năm. Hãng sản xuất giày thể thao lớn nhất của Mỹ là Nike cũng có sản lượng giày sản xuất tại Việt Nam năm 2013 chiếm tới 42% tổng sản lượng của hãng, so với tại Trung Quốc chỉ 30% và 25% tại Indonesia.

Theo đánh giá, nếu FTA với EU được ký kết, thuế XK da giày từ Việt Nam vào EU sẽ giảm từ mức 12,4% hiện nay về 0%. Khi TPP được ký thì mức giảm thuế còn ấn tượng hơn, từ 14,3% về 0% cho phần lớn giày dép của Việt Nam XK vào Hoa Kỳ, chỉ có từ 17-19 chủng loại giày nhạy cảm có thời gian giảm thuế dài hơn và quản lý chặt hơn về xuất xứ, như giày da bảo hộ, giày bốt. Trong khối ASEAN, bốn nước: Thái-lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là những nước có ngành công nghiệp da giày phát triển nhất và có sự tương đồng. Dù vậy, so với các quốc gia khác Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động tay nghề cao, giá nhân công… nên khả năng mở rộng thị trường khá tốt.

Tham gia TPP, Việt Nam còn có thêm cơ hội đổi mới máy móc thiết bị và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thuộc da và tạo nền tảng hạ tầng cho ngành da giày mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất giày cao cấp lâu đời; đẩy mạnh liên kết giữa các DN theo dạng chuỗi cung ứng, giúp DN thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu với lợi thế về nguồn nhân lực "vàng", môi trường đầu tư “sạch”, giảm thiểu thuế quan, các điều kiện hạn chế đối với đầu tư, dịch vụ và không có hiện tượng gian lận thương mại, bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu lớn.

Hiện cứ ba đôi giày tiêu thụ nội địa là có một đôi do Việt Nam sản xuất và với quy mô 130 triệu đôi giày tiêu thụ trong năm 2013. Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025, ngành da giày là ngành công nghiệp XK mũi nhọn, với sản phẩm chiến lược là giày dép, ưu tiên giày thể thao và giày vải, giày dép da thời trang, cặp, túi vì chất lượng cao, sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ, da thuộc, vải giả da chất lượng; nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới. Triển vọng thị trường sản phẩm da giày Việt Nam là tích cực, đặc biệt, khi mức thuế XK sang EU và các nước TPP sẽ chỉ còn 0% và Việt Nam bảo đảm xuất xứ địa lý sản phẩm theo quy định.

Cần thêm những cú hích mới

Tuy nhiên, “sân chơi” TPP và các FTA khác cũng đặt ra những yêu cầu mới cho hàng XK nói chung, ngành da giày Việt Nam nói riêng, nhất là yêu cầu về chất lượng hàng hóa, những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, khả năng giải quyết tranh chấp thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường thế giới và phát triển thị trường trong nước.

Những yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra cho doanh nghiệp (DN) ngành da giày những sức ép không nhỏ về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, hiện đại hóa máy móc, thiết bị, đào tạo đội ngũ quản lý kỹ thuật; tuân thủ những cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, DN vừa và nhỏ, lao động có kỹ năng, vốn, tài chính; giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, vượt qua các hàng rào kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu khách hàng.

Hiện ngành giày da Việt Nam có 812 DN và hơn 624.000 lao động (75% là lao động nữ); 70% các DN XK lớn là công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. 90 % sản phẩm của giày da Việt Nam là hàng gia công, phụ thuộc nhiều vào thiết bị kỹ thuật, công nghệ, thiết kế sản phẩm, nguồn cung cấp nguyên liệu thô, phụ liệu và thị trường nước ngoài.

Trên thực tế, Việt Nam đã chủ động được nguyên liệu giày vải (100%) và một số dòng sản phẩm khác (30-40%), nhưng vẫn có đến 70% DN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Hằng năm, Việt Nam chi tới khoảng 300 triệu USD để nhập da giả và da thuộc. Nhà máy thuộc da chưa đáp ứng được 10% nhu cầu và hiện chỉ hoạt động được 25% công suất do thiếu nguyên liệu. Nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn (68-75%) trong cơ cấu giá thành các sản phẩm giày dép. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của DN trong ngành hiện chỉ đạt 40-45% và phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu quan trọng, như da thuộc, da nhân tạo, vải mũ giày, nhựa PVC, sơn PU, vải, keo và phụ thuộc vào chủ hàng từ nguồn nguyên phụ liệu cho đến mẫu mã, khả năng marketing, khó xây dựng được thương hiệu riêng. Chưa đến 20 DN 100% vốn Việt Nam đủ sức làm hàng dạng FOB.

“Phận gia công” khiến ngành da giày có giá trị gia tăng thấp, khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu. Sự phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm giảm giá trị gia tăng của các mặt hàng XK.

Trong giai đoạn 2009-2013, mặc dù năng lực sản xuất trong nước đạt 350 triệu sqft/năm, tăng gần gấp 3 lần so với 2006, trong đó 60% phục vụ cho sản xuất hàng XK, nhưng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu da thuộc cho sản xuất hàng XK; với mức tăng trưởng hiện nay, nhu cầu về da thuộc sử dụng cho sản xuất giày dép đến năm 2015 dự kiến cần 700-750 triệu sqft và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Nếu không được đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất da thuộc thì năng lực sản xuất da thuộc trong nước đáp ứng nhu cầu XK sẽ tiếp tục giảm xuống. Áp lực và nhu cầu về các quy hoạch khu công nghiệp dành riêng cho ngành sản xuất da giày, với hệ thống đồng bộ cơ sở hạ tầng về xử lý ô nhiễm môi trường nước thải trong sản xuất; xây dựng các vùng nguyên phụ liệu (da nguyên liệu, xơ bông, xơ nhân tạo, hóa chất) đặt ra ngày càng cấp thiết và được chờ đợi như một cú hích lớn tạo động lực phát triển mới cho ngành da giày.

Để các DN chủ động triển khai các kế hoạch đón trước cơ hội mới, thoát phận gia công, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cải thiện nhận thức về các cơ hội, thuận lợi, thách thức từ TPP, FTA giữa Việt Nam với EU và với các đối tác khác.

Đặc biệt, cần sớm có những quy hoạch vùng công nghiệp da giày, kể cả cho ngành thuộc da, quy mô lớn vài trăm ha, thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung, phát triển công nghiệp phụ trợ, với các cơ chế, chính sách trên thực tế thích hợp. Đồng thời, đầu tư có bài bản và hiệu quả cho công tác tiếp thị, thiết kế mẫu mã, phát triển thị trường sản phẩm; tăng trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất xanh-sạch hơn và phát triển bền vững.

Với kinh nghiệm và thành công qua 20 năm hình thành và phát triển, ngành da giày đang chờ đợi một nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, với những khuyến khích cần thiết về thuế (thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng), hạ tầng cơ sở, tín dụng nhằm thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó đặc biệt hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ phát triển, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sẽ sản xuất khoảng 1,69 tỷ đôi giày dép, 311 triệu balô, túi xách, 63 triệu tấn da cứng… đưa tổng doanh thu XK của toàn ngành sẽ đạt 24,5 tỷ USD.