Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả cao và thực chất hơn

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội trong những năm gần đây ngày càng hiệu quả, thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị vững mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần được nghiên cứu, khắc phục kịp thời để công tác giám sát phát huy hiệu quả cao hơn nữa, thực chất hơn nữa.

Bài 1: Tập trung giám sát những vấn đề người dân quan tâm

Ngay sau khi Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được ban hành (12-12-2013), nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai hoạt động giám sát. Những ngày đầu thực hiện, còn không ít bỡ ngỡ, băn khoăn và lúng túng, song những năm gần đây, các hoạt động giám sát ngày càng thu được nhiều kết quả quan trọng và phát huy được vai trò của chủ thể giám sát.

Giám sát những vấn đề nóng

Từ năm 2014 đến nay, tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống MTTQ các cấp đã tăng cường công tác giám sát ở những lĩnh vực mà người dân quan tâm hoặc còn bức xúc, như: Giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; việc giải quyết các trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; Giám sát công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; Giám sát hoạt động của đại biểu dân cử, nhất là việc thực hiện chương trình hành động đã trình bày trước cử tri khi ứng cử... Kết quả là thành phố đã tổ chức giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản 821 vụ, việc; giám sát thông qua thành lập đoàn giám sát 3.578 vụ, việc và tham gia giám sát 1.065 vụ, việc. Ngoài hoạt động giám sát nêu trên, MTTQ ở cơ sở còn phát huy vai trò giám sát của ban thanh tra nhân dân (TTND), ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) trong việc giám sát các công trình và lĩnh vực tại địa phương. Qua giám sát, đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bất cập gây bức xúc cho người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh Vũ Thanh Lưu cho biết: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố còn tổ chức giám sát đối với một số sở, ngành và UBND quận, huyện trong việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Theo đó, trong năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Kết quả, đã tiến hành lấy ý kiến đánh giá về sự hài lòng của người dân và tổ chức tại Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các quận 1, 12 và huyện Hóc Môn với 1.200 phiếu.

Một điểm nổi bật, nét riêng trong hoạt động giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức giám sát thông qua các phản ánh của cơ quan báo chí có liên quan đời sống của người dân. Đáng chú ý là các vụ việc: Báo Tuổi trẻ với vấn đề “Bảo vệ dân phố thu tiền hoa chi” tại quận Bình Tân, hay vấn đề dân phòng... “làm luật” tại huyện Bình Chánh; Báo Phụ nữ phát hiện vấn đề “Bụi vải đầu độc người dân chung cư” tại quận Bình Tân... Qua đó, tùy theo từng nội dung phản ánh, MTTQ thành phố có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ quận, huyện phối hợp tổ chức khảo sát, giám sát và kiến nghị đến các cơ quan có liên quan hoặc Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố có văn bản kiến nghị trực tiếp đối với các đơn vị có nội dung phản ánh.

Tại Hà Nội những năm qua, Ủy ban MTTQ thành phố tổ chức 48 cuộc giám sát chuyên đề tại các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp huyện và cấp xã phối hợp và tham gia với các cơ quan nhà nước giải quyết được 148 cuộc. MTTQ thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện thực hiện 1.167 cuộc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, tham gia với các cơ quan nhà nước giám sát được 3.130 cuộc. Các xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát được 7.440 cuộc, phối hợp giám sát được 19.581 cuộc. Nói về phương thức tổ chức giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Dương Cao Thanh cho biết: MTTQ thành phố tập trung phát huy vai trò của ban công tác mặt trận (CTMT) khu dân cư trong hoạt động giám sát bởi đây là nơi gần dân, hiểu rõ những vấn đề của nhân dân. Ngay sau khi có Hướng dẫn tạm thời số 31 (nay là Hướng dẫn số 60) của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố, MTTQ các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai một cách đồng bộ tới 100% các ban CTMT trong việc giám sát, nhận xét đối với đảng viên nơi cư trú. Tại cơ sở, hoạt động giám sát được dựa vào vai trò tự quản của nhân dân thông qua tổ chức và hoạt động của 584 ban TTND và 678 ban GSĐTCCĐ. Nhờ vậy, các ban TTND cấp xã trên địa bàn toàn TP Hà Nội đã tham gia giám sát hơn 32.402 cuộc; các ban GSĐTCCĐ đã tổ chức giám sát 24.993 cuộc đối với các công trình, dự án triển khai trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, từ các hoạt động giám sát, các ban đã đề nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 15,151 tỷ đồng và 252.054 m2 đất.

Ngoài những kết quả nêu trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã ký kết nhiều chương trình phối hợp với HĐND, UBND thành phố và các cơ quan, tổ chức liên quan về tiếp công dân, giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; kiểm tra, giám sát công tác thi hành pháp luật trong công tác tạm giam, tạm giữ, thi hành án; giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020; giám sát việc triển khai và thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XI) về phát triển khoa học - công nghệ; vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020...

Bám sát sự quan tâm, lo lắng của nhân dân

Giám sát những vấn đề phát sinh từ cuộc sống làm ảnh hưởng tiêu cực đời sống nhân dân hoặc được nhân dân quan tâm, lo lắng là một trong những nội dung trọng tâm của hoạt động giám sát tại nhiều địa phương. Tại tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ tỉnh tập trung thực hiện giám sát một số nội dung theo các chương trình giám sát của T.Ư và một số nội dung giám sát theo yêu cầu thực tế của địa phương. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã thành lập 413 đoàn, tổ chức giám sát 875 cuộc, với 413 nội dung, tập trung vào những vấn đề “nóng” gây bức xúc trong nhân dân, như: việc giải quyết khiếu nại của công dân; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới; công tác chuyển giao, ứng dụng và thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Quy Nhơn... Ngoài ra, ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã cử đại diện tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền 1.772 lượt; ban TTND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức giám sát hơn 2.600 vụ việc, kiến nghị gần 1.800 vụ việc và được giải quyết hơn 1.400 vụ việc; các ban GSĐTCCĐ đã giám sát hơn 3.550 công trình được xây dựng ở địa phương.

Các chương trình giám sát được thực hiện theo đúng hướng dẫn về quy trình giám sát, có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện giữa UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn và ủy ban MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Công tác giám sát được thực hiện nền nếp, bài bản, có kế hoạch và yêu cầu về nội dung giám sát cụ thể; chủ động nêu ra những thuận lợi, khó khăn và kết quả trong hoạt động, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể về cơ chế, chính sách. Đáng chú ý, kết thúc giám sát, các đoàn giám sát đều có báo cáo tổng hợp, thông báo kết quả và đề xuất những nội dung kiến nghị cụ thể gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định hoặc chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thực hiện các kiến nghị của ủy ban MTTQ.

Nói về hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: UBND tỉnh luôn đánh giá cao kết quả giám sát của ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các kiến nghị, kết luận sát hợp với tình hình thực tiễn; qua đó đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ tỉnh và các thành viên của Mặt trận trong việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Các tổ chức thành viên của MTTQ tỉnh, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy được vai trò chủ động, tiên phong trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thành viên, hội viên của tổ chức mình trong hoạt động giám sát.

Lấy lo lắng, bức xúc của nhân dân làm cơ sở để triển khai các hoạt động giám sát, MTTQ tỉnh Bắc Cạn phối hợp các đoàn thể tỉnh giám sát được 18 cuộc về các nội dung chủ yếu liên quan đến những vấn đề nhân dân quan tâm, như: giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi); việc thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số theo quy định tại Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27-4-2015 của Chính phủ... MTTQ các huyện, thành phố đã chủ trì tổ chức được 25 cuộc giám sát; giám sát qua việc nghiên cứu, xem xét qua văn bản với tổng số 248 văn bản với các nội dung, như: giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tại UBND các xã, thị trấn và bộ phận tiếp công dân huyện; chất lượng giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; việc lập danh sách, cấp phát, cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo; tình hình thực hiện tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Ủy ban MTTQ cấp xã chủ trì giám sát năm cuộc với các nội dung chủ yếu: xây dựng tuyến đường giao thông tổ dân phố; các khoản thu, chi các loại quỹ của nhân dân đóng góp; giám sát các khoản đóng góp của nhân dân xây dựng đường giao thông nông thôn, làm nhà họp thôn tại địa phương... Sau các đợt giám sát, ủy ban MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh đều có báo cáo kết quả giám sát, đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất đối với các cấp, ngành có liên quan và các đơn vị, địa phương được giám sát để xem xét, tiếp thu và giải quyết các kiến nghị.

Tại cơ sở, phát huy vai trò tự quản của nhân dân thông qua tổ chức và hoạt động của 122 ban TTND và 122 ban GSĐTCCĐ, từ năm 2014 đến nay, các ban TTND cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh đã tham gia giám sát được 1.848 cuộc, với hơn 1.600 vụ việc, kiến nghị gần 100 vụ việc. Nội dung tập trung giám sát hoạt động của HĐND, UBND cùng cấp; việc thực hiện bình xét hộ nghèo, chế độ chính sách đối với hộ nghèo theo quy định; việc rà soát, cấp phát thẻ khám bệnh miễn phí cho hộ nghèo; giám sát việc xây dựng, quản lý các loại quỹ do nhân dân đóng góp, xây dựng đường liên thôn ở các xã... Các ban GSĐTCCĐ xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 2.369 cuộc giám sát về chất lượng các công trình đang thi công tại địa phương; việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư; chất lượng vật tư công trình bê-tông hóa đường vào thôn. Sau giám sát đã gửi các kiến nghị đến các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý các dự án đề nghị kiểm tra, xử lý, khắc phục những sai phạm, thiếu sót, góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn.

(Còn nữa)