Tại... anh

NDO - Lần này là bà phó phòng gợi chuyện:

- Mọi người có nghe chuyện thành phố Ðà Nẵng không chấp nhận bằng đại học tại chức không?

Tôi nhảy luôn vào câu chuyện:

- Chuyện động trời ai mà chẳng biết. Nhưng, không thể nói Ðà Nẵng không chấp nhận bằng tại chức một cách chung chung, rộng như thế. Họ chỉ không chấp nhận bằng tại chức khi tiếp nhận vào cơ quan Nhà nước thôi. Và, khi anh đã ở trong cơ quan Nhà nước rồi, học thêm văn bằng hai, văn bằng ba thì vẫn được chứ sao?

Bà phó phòng nói hơi gắt:

- Ai chả biết thế. Nhưng...

Ông trưởng phòng hiếm khi tham gia vào mọi câu chuyện ngay từ đầu, nhưng hôm nay thì khác:

- Nên nhớ rằng, cả nước chỉ có một mình Ðà Nẵng thực hiện thôi đấy nhé.

Cô nhân viên vi tính đứng ngay về phía tôi:

- Ðà Nẵng làm như thế cũng có lý của họ đấy. Ai đời, học sinh chính khóa toàn những đứa học khá, học giỏi thi mửa mật mới được vào trường, học tập trung bốn, năm năm bạc cả mặt mới có tấm bằng đại học, xong lại đứng đường. Ðằng này con ông cháu cha học kém không thi vào đại học được, bỏ một đống tiền kiếm cái bằng tại chức thế là nghiễm nhiên có một xuất trong cơ quan Nhà nước. Thử hỏi, công bằng ở đâu? Thế nào là ưu tiên người tài?

Tôi phẩy cái tay hướng về phía cô nhân viên vi tính:

- Em nói thế cũng chưa đúng hẳn. Chả nhẽ hàng mấy triệu sinh viên học đại học tại chức chả nhẽ đều là con ông cháu cha, đều là học dốt?

Cô nhân viên vi tinh cố chống chế:

- Ðúng là không phải ai học tại chức cũng là con ông cháu cha. Cũng không phải tất cả sinh viên tại chức đều là học dốt. Cũng có người học giỏi nhưng rơi vào cảnh học tài thi phận. Cũng có người học giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình này nọ... Nhưng, nhìn chung là có nhiều con ông cháu cha, nhiều học dốt.

Tôi đắc ý:

- Cái đấy là có nhưng chưa phải là quyết định. Cái chính là chất lượng học tại chức phải xem lại. Ai người ta cũng nói, học tại chức chỉ cần ghi danh và có tiền là có bằng tốt nghiệp.

Bà phó phòng giọng vẫn nhẹ nhàng:

- Quả là học sinh, thầy giáo ở các lớp tại chức học không ra học, dạy chẳng ra dạy thật.

Tôi nói như reo:

- Thế mà các lớp tại chức vẫn cho tốt nghiệp trăm phần trăm mới tài thật.

Cô nhân viên vi tính dài giọng:

- Em có ông chú họ dạy đại học, em biết. Chính nhờ các lớp tại chức, cao học, nâng cao, bồi dưỡng... mà thầy cô giáo các trường đại học mới có thu nhập cao, làm giàu bằng nghề dạy học được. Mọi người có biết các ông thầy, bà giáo dạy các lớp tại chức liên kết ở địa phương là gì không? - Chẳng đợi ai trả lời cô ta nói phắt - Ðó là lớp học tình thương.

Tôi cười cười:

- Nói chung là tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Người dạy như thế, người học như thế cho nên Ðà Nẵng họ nói không với mấy anh tốt nghiệp đại học tại chức cũng có cái lý của họ.

Ông trưởng phòng hơi to giọng:

- Không phải tại anh tại ả. Chỉ tại anh hết. Nếu như siết chặt chất lượng đầu ra của tại chức thì chất lượng tại chức kém gì chính khóa? Mà ngay cả chất lượng chính khóa ai dám bảo đảm là tốt? Học sinh chính khóa chả ra trường gần như trăm phần trăm là gì? Mở lớp đại học tại chức là việc làm đúng đắn không cần phải bàn cãi. Cái chính là những người quản lý. Ðừng đổ tại học sinh.

Tôi giật mình khi chợt nhớ ra rằng, ông trưởng phòng cũng chỉ có bằng đại học tại chức. Và, thằng con thứ của ông trưởng phòng cũng đang học tại chức đại học kinh tế.

Không nói thêm một câu, tôi lẳng lặng rút khỏi cuộc tranh luận.