Lại ước

NDO - Thấy cô nhân viên vi tính xúc cơm cho vào miệng mà mắt chẳng nhìn hộp cơm, vẫn dán vào tờ báo, bà phó phòng khó chịu ra mặt:

- Thôi ăn cơm đi em, để báo đấy ăn xong rồi đọc, chữ trên mặt báo cũng chẳng biến mất đâu mà sợ. Cứ cái kiểu vừa ăn vừa đọc báo, đọc sách như thế không đau dạ dày dạ mỏng mới lạ.

Cô nhân viên vi tính mắt vẫn không rời tờ báo:

- Ðọc nốt cái tin này mới được. Tin hay lắm, một nhà hàng bên A-rập Xê-út phạt những thực khách nào ăn mà bỏ mứa thức ăn.

Tôi nhanh nhảu:

- Chả cứ A-rập Xê-út, nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện biện pháp ấy từ lâu. Ngay như bên Trung Quốc, anh bạn tôi mới đi du lịch về kể, trước khi vào nhà ăn bao giờ mấy cô, mấy cậu hướng dẫn viên cũng dặn ăn đến đâu xúc đến đó, để thừa họ phạt nặng lắm. Mà họ phạt thật, đoàn ông bạn tôi đi có người bị phạt méo cả mặt. Bị phạt không phải vì ăn không hết mà vì xúc nhầm phải món không ăn được.

Cô nhân viên vi tính mắt thôi nhìn tờ báo, nói nhanh như máy:

- Ðấy là nhà hàng búp phê, trả tiền theo đầu người muốn ăn bao nhiêu tùy thích, không tính. Nhà hàng ở A-rập Xê-út không phải là ăn búp phê, đây là kiểu ăn gọi món. Nhưng dù anh gọi, anh trả tiền mà bỏ mứa vẫn phạt mới nghiêm, mới lạ.

Biết bị hớ, tôi chưa biết chống chế thế nào thì bà phó phòng đã cất giọng:

- A-rập Xê-út là nước giàu có lắm đấy. Họ giàu có mà còn thế chẳng bù ở ta, mọi người cứ thử vào cái hàng phở đối diện công ty ta mà xem. Mười người vào ăn, chín người để thừa ít thì phần ba, nhiều thì nửa bát. Biết mình ăn ít thì gọi bát nhỏ hoặc bảo người ta bớt bánh, bớt nước dùng, đằng này cứ mặc kệ. Ðã thế nhiều người, nhất là mấy cô tre trẻ lại đòi thêm trứng, thêm quẩy, càng thừa.

Cô nhân viên vi tính đế:

- Hàng phở, hàng bún không tính, hàng cơm bình dân bỏ phí không đáng kể. Mọi người để ý mà xem, càng ở những cửa hàng đặc sản tình trạng thừa mứa thức ăn càng nhiều, nhìn mà xót cả ruột.

Tôi chộp ngay được câu nói trong đầu thành lời:

- Chuyện đó nghe cũng có vẻ xưa. Bây giờ khối người ăn xong thấy thừa thức ăn chẳng có gì xấu hổ khi kêu nhà hàng xin cái túi ni-lông sạch hay cái hộp xốp, mang về.

Cô nhân viên vi tính liếc xéo tôi, giọng đanh đá:

- Ðấy là những thực khách nữ và cũng có tuổi chứ bàn nào toàn đàn ông hay các cô chân dài, váy ngắn thì ai cũng sĩ làm gì có chuyện xin túi ni-lông, hộp xốp. Ðấy là chưa kể bàn mấy ông uống rượu say thì có tiếc cũng chẳng đem về được bởi cơm trộn rượu, thức ăn món nọ nháo nhào vào món kia. Mang đồ hổ lốn ấy về cũng có mà cho... lợn.

Giọng bà phó phòng buông nhẹ bỗng:

- Ước gì nước mình cũng làm được như họ nhỉ?

Ông trưởng phòng từ nãy cứ lặng im nghe chuyện và nhẩn nha ăn bây giờ mới khẽ buông một câu:

- Lại ước.