Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 290/CĐ-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ cấp bách triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó thúc đẩy đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, dù đã hết quý I nhưng chỉ mới có 4 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 20% và còn tới 13/51 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 với số vốn bằng khoảng 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vậy, giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu không chỉ là cao hơn năm trước, mà còn phải hướng tới hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra?

Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA tiến triển chậm. Ảnh: BẮC SƠN
Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA tiến triển chậm. Ảnh: BẮC SƠN

Giải ngân chậm, không đồng đều

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đến hết tháng 3 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so cùng kỳ năm 2021 (13,17%). Điều đáng nói, đến hết tháng 3 mới có 4 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 20%, trong đó có một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tỉnh Thái Bình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, tỉnh Lai Châu...

Trong khi đó, có 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước. Đặc biệt, có tới 29 bộ, cơ quan trung ương còn chưa thực hiện kế hoạch giải ngân vốn.

Đánh giá về nguyên nhân, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân thấp là do tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch vốn cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, ngày 21/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg về việc giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, ngành, địa phương (đợt 2). Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Mặt khác, ba tháng đầu năm, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán. Các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Đặc biệt, nguồn vốn ODA hầu như chưa được giải ngân. Hết ba tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này mới đạt chưa đến 1%. Nguyên nhân là do các dự án đang đàm phán với đối tác và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đối tác nước ngoài…

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công -0
 Khẩn trương hoàn thành công trình vành đai 3 trên cao.

Cần gỡ bỏ những điểm hạn chế

Trước thực tế đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện 126/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và Công văn số 1684/VPCP-KTTH ngày 17/3/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Về việc phân bổ vốn, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công đối với những trường hợp chưa hoàn thành phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2022 theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp các bộ, ngành, địa phương không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Tài chính đề nghị Bộ này tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 để điều chỉnh, bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao.

Để đạt được kết quả giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng; tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công; kịp thời chỉ đạo ban hành đơn giá xây dựng phù hợp với tình hình, điều chỉnh dự toán, vốn đầu tư của các nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định.

Khẳng định ở thời điểm này, nền kinh tế đang rất cần nguồn lực để phục hồi và tăng trưởng trở lại, Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh nhận định, để làm được điều đó thì cần khơi thông những hạn chế của đầu tư công thời gian qua.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, mục tiêu năm nay không chỉ là cao hơn năm trước, mà còn phải hướng tới hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra, do vậy, giải pháp cũng cần quyết liệt hơn. “Chúng ta có ba điểm cản trở giải ngân vốn đầu tư công khiến cho câu chuyện chậm phân bổ diễn ra hết năm này đến năm khác”, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế.

Vấn đề thứ nhất, ở quốc tế, các nước đầu tư công và giải ngân từ ngân sách địa phương thủ tục chặt chẽ, Việt Nam cũng vậy, nhưng chồng chéo luật này luật kia. Hơn nữa, quy định nhiều khi không rõ ràng mốc thời gian nên người thi hành có khi hiểu khác nhau hoặc có lý do trì hoãn.

Do đó, theo TS Nghĩa, quy định luật phải nói rõ ràng việc để thực hiện điều đó thì thời hạn thực hiện trong vòng bao lâu, và phải có sự giám sát chặt chẽ việc thực hiện này từ quy trình nhận hồ sơ, xử lý, trả lời. Thực tế, ở Việt Nam việc này đang tùy tiện “người ta muốn xử lý là xử lý, người ta “ngâm” đó cũng được”, đặc biệt, chúng ta không có biện pháp cứng rắn đốc thúc.

Cho rằng việc đền bù giải phỏng mặt bằng là vấn đề nhức nhối nhất trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, theo TS Nghĩa, nó là bài toán vô cùng phức tạp. Lấy dẫn chứng như ở Trung Quốc, đất nông nghiệp không phải là đất của dân mà là của hợp tác xã, nên khi đền bù chỉ có chính quyền và hợp tác xã thỏa thuận là xong. Hay các nước tư bản, thường áp dụng giá cả theo cơ chế thị trường để giải quyết với nhau sòng phẳng và khi đầu tư công trình công cộng thì không được phép trì hoãn giao đất. Vì thế, việc đầu tư ở các nước đó rất thuận lợi.

Còn ở Việt Nam, đã giao quyền sử dụng đất cho dân. Dù có lợi ở một số góc độ nhưng việc thu hồi đất rất phức tạp khi giá thu hồi không được thỏa thuận mà phải theo mức định giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Bởi vậy, ngoài việc có thể không nhận được đồng tình từ người dân, mà còn xảy ra việc chính quyền địa phương thường lấy lý do này vin vào để giải thích cho việc “chậm giải ngân vốn”.

Vấn đề cần tháo gỡ tiếp theo đó là cơ chế đấu thầu. Theo TS Nghĩa, hiện nay đang tồn tại thực trạng, từ khâu chuẩn bị đến khâu tiến hành, đến khi thực thi rất “dài dòng”, không có quy định nào về thời gian thể hiện quy trình này thực hiện trong vòng bao lâu. Không có khung thời gian bắt buộc. Bao lâu tổ chức, tổ chức xong rồi công bố thế nào.

Do đó, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, phải cụ thể hóa một mốc thời gian trong tất cả các quy trình thủ tục và hướng giải quyết tất cả các tình huống xảy ra. “Nếu là vấn đề thường xuyên xảy ra thì càng cần có giải pháp cụ thể. Không thể để trở thành lối mòn và vin trách nhiệm cho những thực trạng chưa giải quyết được”, ông Nghĩa bày tỏ và cho rằng, tất cả những vấn đề trên còn dẫn đến việc “sợ trách nhiệm”, làm giảm hiệu quả của giải ngân đầu tư công. Vì lẽ đó, chuyên gia này góp ý, việc đầu tiên cần làm là phải cải cách thể chế vì khâu giải phóng mặt bằng khó khăn là vì từ thể chế mà ra. Thực tế, có trường hợp chỉ mỗi việc đền bù giải phóng mặt bằng để làm cổng của ga tàu điện ngầm nhưng 5 năm chưa đâu vào đâu.

Vấn đề thứ hai là xem xét các Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, nhà ở có chồng chéo gì, thì cần phải chỉnh sửa bổ sung bởi hiện vẫn còn nhiều vấn đề, chưa có tầm nhìn xa. Thí dụ, quy định tham gia thầu xây dựng một bệnh viện, đơn vị tham gia phải “đã từng xây dựng bệnh viện”. Việc này có thể loại đi loạt nhà thầu mới có thể có trình độ cao nhưng “chưa từng xây dựng bệnh viện”, nhưng tham gia nhiều công trình lớn khác… Điều này không hợp lý, cứng nhắc!

Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, việc chậm phân bổ không mới, hằng năm vẫn chậm do hầu hết các bộ, ngành, địa phương không xây dựng kho dự án nên khâu chuẩn bị kéo dài và chưa bảo đảm chất lượng. Bởi vậy, ông cho rằng, phải tách biệt việc chuẩn bị dự án đầu tư ra khỏi quy trình thực hiện đầu tư để các địa phương và các bộ, ngành có đủ chi phí riêng thực hiện dự án, đủ thời gian để lựa chọn dự án đầu tư hiệu quả.