Dạy điều tử tế

“Tôi biết học trò của mình không giỏi nên chẳng ép các em phải đậu đại học hay trở thành thiên tài. Tôi chỉ mong các em trở thành người bình thường, có một công việc nuôi sống bản thân, có một gia đình nhỏ để yêu thương, có một ước mơ nhỏ cho tương lai và tự thân làm điều có ích cho cộng đồng”. Đó chính là nguyên nhân khiến ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Chu Văn An (quận 5, TP Hồ Chí Minh) phát động thật nhiều chương trình thiện nguyện đến giáo viên, học sinh suốt mấy năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm GDTX Chu Văn An luôn nhiệt tình tham gia các chương trình thiện nguyện.
Trung tâm GDTX Chu Văn An luôn nhiệt tình tham gia các chương trình thiện nguyện.

Ông giáo lạ kỳ

Năm 2019, khi về nhận vị trí điều hành Trung tâm GDTX Chu Văn An, ông Hoàng đã chuẩn bị sẵn tinh thần để làm quen với môi trường mới. Học sinh vào đây chủ yếu học lực trung bình - yếu, luôn tự ti vì nghĩ rằng, mình thua kém bạn bè trường công. Có em đi học còn không đeo phù hiệu dù biết phải viết bản kiểm điểm, trừ điểm thi đua. Ông Hoàng dò hỏi nguyên nhân thì học sinh nói, giọng lí nhí: “Ra đường con mắc cỡ vì đeo phù hiệu của trung tâm. Con sợ bạn bè chọc ghẹo là con học tệ”. Nghe học trò tâm sự, ông nghĩ phải làm gì đó để thay đổi chất lượng tại trung tâm này. Nhưng khi ông đưa ra các ý tưởng đổi mới, nhiều ý kiến cho rằng, rồi sẽ chẳng tới đâu vì trước nay phong trào là mảng học sinh tại các trung tâm giáo dục thường xuyên như thế này chẳng bao giờ quan tâm.

Người học vừa tự ti vừa ngang bướng, nhất là các em lớp 10, luôn trong trạng thái bất cần. Nhiều lần bị học sinh ngó lơ, không ít giáo viên bức xúc, cho rằng trò vô lễ. Nghe cấp dưới than phiền, việc đầu tiên ông gợi ý giáo viên trong trung tâm cùng làm với mình là chủ động chào khi gặp học sinh. Ban đầu, nhiều người chưa hiểu dụng ý của Giám đốc trung tâm còn bất bình thắc mắc “Tại sao thầy phải chào trò?”. Vậy là suốt mấy tháng liền, giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong trường thấy ông đều đặn đứng ở giữa sân chào hỏi, giao lưu cùng học sinh vào giờ tan trường.

Học sinh tới gần tỏ vẻ ngượng ngùng, toan tránh đi, ông Hoàng liền cười tươi, chào và hỏi thăm trước. Các em từ rụt rè chuyển dần sang thích thú, gặp thầy giám đốc trung tâm ai cũng hớn hở cúi đầu. Giáo viên được truyền cảm hứng, vui vẻ tham gia. Chỉ một thời gian ngắn sau, ông Hoàng đã tạo nên “văn hóa chào nhau” ở trung tâm này. “Về công tác tại một trung tâm GDTX, tôi biết, rất nhiều em sống khép kín, bất cần và tổn thương tâm lý. Ở đây, các em cần chữa lành tâm lý hơn là học văn hóa cho thật giỏi. Học sinh chông chênh, thiếu nụ cười thì thầy cô hãy tặng điều đó cho các em. Đừng đợi chờ, mình cứ mở lòng, làm gương, các em thấy hay, thấy tốt sẽ theo. Và chào hỏi cũng chẳng cần câu nệ kiểu cách, miễn sao thân thiện, vui vẻ mỗi khi gặp nhau là được. Tại trung tâm này, chúng tôi còn có cả “Hành lang của các nụ cười” và nhiều hoạt động khác giúp mỗi người thấy nhẹ nhàng hơn khi bắt đầu ngày mới”, ông Hoàng cho hay.

Giám đốc Đỗ Minh Hoàng kể, khi ông yêu cầu cắt bỏ toàn bộ chương trình nâng cao, đưa mọi thứ về khung chuẩn, bổ sung thêm chương trình đào tạo trung cấp miễn phí, nhiều người ngạc nhiên lắm. Họ chưa hiểu ông muốn gì. Thay vì ép học sinh dành quá nhiều thời gian cho việc học, ông tổ chức hàng loạt câu lạc bộ, sân chơi thể thao, văn nghệ, nghiên cứu khoa học cho các em. Ông muốn học trò dành thì giờ ở lại trung tâm càng lâu càng tốt vì tại đây các em có không gian, môi trường để phát huy thật tốt thế mạnh của bản thân. Tài khoản Facebook, Zalo cá nhân, số điện thoại của ông luôn được công khai để học sinh chia sẻ thông tin, nhờ giúp đỡ khi cần. Chiều chiều, học sinh hay thấy thầy giám đốc bắc ghế ra ngắm các em chơi bóng rổ, đàn ca, thi thoảng vỗ tay, nói mấy câu cổ vũ. Ngày nọ có nhóm học sinh trình bày ý tưởng trồng cây thủy sinh, bạn nào cũng háo hức. Ông Hoàng liền nói “Tụi con cứ triển khai thật tốt đi, thầy đầu tư hai triệu đồng. Nhớ làm sản phẩm chất lượng rồi thầy mua tặng trường”. Học sinh tự tin hơn mỗi ngày nhờ những lời động viên như thế.

Vừa quản lý, ông vừa phụ trách giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân cho học sinh các khối lớp. Ở môi trường phần đông học sinh ngang bướng, có giai đoạn áp lực vì ký quá nhiều quyết định kỷ luật các em, ông muốn tìm cách thay đổi tình hình. Học sinh chưa ngoan, vi phạm nội quy, chắc chắn phải bị xử lý theo đúng quy định, bước đầu tiên thường là trừ điểm rèn luyện. Thế nhưng, ông giáo luôn cho các trường hợp cá biệt những “lối mở” để sửa sai, tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Ở trung tâm này, với mỗi hành vi nhân ái tự thực hiện và chứng minh bằng hình ảnh, học sinh được cộng ba điểm rèn luyện. Mỗi học kỳ tổng kết một lần. Như vậy, học sinh có thể làm thật nhiều việc tốt để “khấu trừ” cho những lúc đi trễ, quên đeo phù hiệu hay lỡ làm sai điều gì. Ban đầu là làm vì cộng điểm, dần dà, mọi thứ trở thành thói quen.

Không lâu sau, dự án “Gieo hành vi, gặt tính cách” của ông Hoàng được học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Ông quy định, một bài kiểm tra 15 phút có thể được thay thế bằng bốn đến năm hành vi thiện nguyện của người học. Học sinh thấy hay, tìm cách thực hiện để thi đua cùng bạn bè. Về sau, học sinh nào làm tốt sẽ được cộng thêm một điểm cho bài kiểm tra hệ số hai. Lớp nào phong trào làm thiện nguyện hiệu quả sẽ được khen thưởng, động viên toàn trường. Giáo viên các lớp thấy mô hình hiệu quả liền áp dụng theo. Phong trào làm thiện nguyện của nhà trường bắt đầu từ đó. Đến nay, mọi thứ tiếp tục được duy trì với các hoạt động định kỳ, hoạt động bổ sung. Học sinh xung phong làm tình nguyện viên rất đông dù chẳng còn cộng điểm, khen thưởng như ngày đầu. Cứ có dịp, thầy trò lại rủ nhau tỏa đi các nơi làm thiện nguyện.

Lan tỏa cách cho đi

“Thầy ơi, chừng nào chúng ta làm nữa?”, đọc những dòng tin nhắn học sinh gửi vào nhóm trò chuyện sau một chuyến đi thiện nguyện, thầy giáo Bùi Nguyễn Hoàng Hải xúc động. Anh về trung tâm này đến nay tròn sáu năm, cảm nhận rõ sự chuyển biến trong đời sống tinh thần của học trò nhờ tham gia hoạt động cộng đồng. Ngày nghe giám đốc trung tâm phát động phong trào làm thiện nguyện đến từng lớp, anh Hải sợ học sinh sẽ ngó lơ hoặc làm theo kiểu đối phó cho xong. Nhưng mọi thứ hoàn toàn ngược lại, nghe thầy giáo chia sẻ ý tưởng, các học sinh hăng hái

tham gia.

Tại mỗi lớp, các nhóm học sinh được “trao quyền” để tự lên kế hoạch, triển khai các hoạt động, chuẩn bị quà và chia nhau hoàn thành từng hạng mục công việc. Làm xong từng công đoạn, mỗi nhóm chủ động báo cáo với giáo viên chủ nhiệm. Khi gặp sự cố hay cần giúp đỡ, lập tức thông tin được gửi lên nhóm điều hành chung. Anh Hải tham gia cùng học trò và khá bất ngờ trước sự chuẩn bị chu đáo của từng nhóm. Không chỉ trích quỹ lớp mua quà, nhiều bạn còn góp thêm quần áo cũ, vật dụng dành tặng người kém may mắn hơn mình.

Mỗi năm, ngoài chương trình của trường, anh Hải luôn tạo điều kiện để các học sinh trong lớp được làm thiện nguyện cùng nhau. Điều khiến thầy giáo trẻ này cảm thấy ấm lòng là kết thúc mỗi chuyến đi, học sinh trong lớp trở nên gắn kết hơn. Các bạn còn rủ nhau tổ chức thêm hoạt động thiện nguyện hoặc vận động gia đình cùng chung tay. “Sau mỗi chuyến đi, các bạn trưởng thành hơn và biết trân quý những gì mình đang có. Các bạn thấy rõ giá trị của bản thân cùng những điều mình có thể mang lại cho người khác. Ban đầu có thể là đi vì tò mò, vì cộng điểm rèn luyện nhưng chỉ cần sang lần thứ hai, chẳng còn ai quan tâm đến điểm số, tất cả xung phong đi để cùng nhau lan tỏa việc tốt trong cộng đồng”, anh Hải cho biết thêm.

Là học sinh lớp 11 nhưng Đào Thị Yến Nhi đã tham gia gần 10 chương trình thiện nguyện tại lớp và trung tâm. Ở lớp, Nhi cùng các bạn “nuôi” một con heo đất theo tuần, đóng góp tùy khả năng. Khi heo đầy, số tiền đó được bổ sung cùng một phần quỹ lớp, quy đổi thành những suất ăn, phần nước dành tặng người vô gia cư hay trẻ mồ côi. Mỗi phần quà Nhi và các bạn trong lớp trao tặng trong mỗi chuyến đi thiện nguyện không đầy đặn về vật chất nhưng lại ấm áp thương yêu.

Với Nhi, mỗi chuyến đi là một bài học về tình người mà nếu không tham gia hoạt động thiện nguyện em khó lòng cảm nhận được. Nhi nhớ mãi nụ cười hạnh phúc, cái cúi đầu cùng lời cảm ơn của những cụ ông, cụ bà tóc bạc, lưng còng khi cầm trên tay bữa tối giản đơn do các bạn học sinh trao tặng. Hay tiếng nói ríu rít, giọng cười giòn tan cùng điệu nhảy chân sáo của mấy đứa trẻ mồ côi khi Nhi trò chuyện, trao quà. Lúc đó Nhi nhận ra, mình và các bạn thật sự may mắn khi biết cách san sẻ với mọi người. Nhi kể lại: “Ngày trước em khá rụt rè, làm gì cũng sợ. Tham gia các chương trình thiện nguyện ở trung tâm, em thấy bản thân cởi mở và tự tin hơn. Em chưa va chạm nhiều nhưng qua mỗi chuyến đi đều cảm nhận rõ sự khó khăn của mọi người và biết cần trao đi nhiều hơn. Bắt tay vào làm, em hiểu rõ ý nghĩa của hành vi nhân ái. Đôi khi chẳng cần điều gì to lớn, những cử chỉ quan tâm nhỏ bé cũng đủ khiến người khác hạnh phúc”.