Đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm

Những ngày cuối tháng 5 này, Diễn đàn Đất đai khu vực sông Mê Công lần thứ ba (MRLF 2021) được tổ chức trực tuyến với chủ đề “Quyền sử dụng đất trong cảnh quan rừng khu vực sông Mê Công: Thúc đẩy việc công nhận các quyền theo phong tục và thực hành đầu tư có trách nhiệm”. Quy tụ hơn 700 đại biểu từ các cơ quan Chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, cơ quan phát triển, viện nghiên cứu… đến từ Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái-lan và Việt Nam và một số quốc gia khác, diễn đàn tập trung những thách thức cấp bách nhất đặt ra đối với việc bảo đảm quyền sử dụng đất, rừng và tác động của đầu tư kinh doanh nông nghiệp.

Ngược trở lại thời điểm năm 2018, dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mê Công (MRLG) đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển Liên minh thúc đẩy công nhận quyền sử dụng theo phong tục và Liên minh đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm với các đối tác chiến lược là Tổng cục Quản lý Đất đai và Tổng cục Lâm nghiệp. Theo đó, dựa trên Luật Lâm nghiệp mới (2017), Liên minh thúc đẩy công nhận quyền sử dụng theo phong tục đang và sẽ hỗ trợ việc giao rừng cho cộng đồng địa phương thông qua đồng quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng và kết hợp các mô hình lâm nghiệp cộng đồng, chú trọng tới đối tượng yếu thế là phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Kể từ đó đến nay, một số dự án thí điểm đã được thực hiện như mô hình đồng quản lý bảo tồn voọc tại Quảng Bình, phát triển thương hiệu chè San Tuyết của cộng đồng người Dao tại Hòa Bình, phát triển thương hiệu măng khô của cộng đồng người Chứt tại Tuyên Hóa, Quảng Bình… Còn Liên minh Đầu tư nông nghiệp có những đóng góp cho việc sửa đổi Luật Đất đai (2013) để bảo đảm và thúc đẩy các quyền về đất đai của nông dân sản xuất nhỏ trong khuôn khổ pháp lý và bối cảnh kinh tế thị trường. 

Theo ông Lê Đình Thơm, Phó Tổng cục trưởng Kiểm lâm, để thúc đẩy thực hiện các quy định trong Luật Lâm nghiệp về giao và quản lý rừng dựa vào cộng đồng địa phương thông qua hoàn thiện chính sách và hướng dẫn kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn giao và quản lý rừng cộng đồng đang được xây dựng dựa trên cơ sở tập hợp và cụ thể hóa các quy định pháp quy liên quan quản lý rừng cộng đồng cũng như tổng kết kinh nghiệm các mô hình quản lý rừng cộng đồng. Việc chia sẻ rộng rãi cuốn sổ tới các cộng đồng, chính quyền địa phương và kiểm lâm trên cả nước được trông đợi giúp các địa phương quản lý rừng hiệu quả hơn đi đôi với cải thiện thu nhập cho người dân. 

Những gián đoạn trong đời sống kinh tế - xã hội gần đây do đại dịch Covid-19 cho thấy rõ hơn sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên đất và rừng của các cộng đồng sinh sống tại khu vực sông Mê Công, trong đó có Việt Nam. Muốn giải quyết được những tồn tại trong việc thúc đẩy công nhận quyền sử dụng theo phong tục và giải quyết các thách thức cũng như cơ hội trong đầu tư sản xuất nông nghiệp, chúng ta sẽ cần quản trị đất đai trong cảnh quan rừng khu vực sông Mê Công tuân thủ các nguyên tắc như: Đồng thuận tự nguyện, được thông báo trước với đầy đủ thông tin (FPIC), và Hướng dẫn đầu tư có trách nhiệm vào lương thực, lâm nghiệp và nông nghiệp (ASEAN-RAI).

Thêm vào đó, kết quả ban đầu về những thay đổi chính sách và thực tiễn tại Việt Nam đang khẳng định một thực tế: Đầu tư có trách nhiệm hơn cho nông nghiệp theo hướng bảo đảm quyền sử dụng đất và rừng cho các hộ nông dân nhỏ lẻ một cách hiệu quả và bền vững là lựa chọn đúng đắn và cần được nhân rộng.