Đầu tư cho nghệ thuật hàn lâm

Liên hoan nghệ thuật “Giai điệu mùa thu” trở lại với khán giả Thành phố Hồ Chí Minh sau khi lỡ dịp vào năm 2021 vì đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00

Đây là tin vui đối với những khán giả đã gắn bó với chương trình qua 12 lần tổ chức.

Trong buổi giới thiệu về Liên hoan nghệ thuật “Giai điệu mùa thu” năm 2022 vào ngày 8/9 vừa qua (chương trình diễn ra từ ngày 10 đến 17/9), đại diện ban tổ chức cho biết, điểm đặc biệt trong chương trình lần này chính là liên hoan phục vụ khán giả miễn phí. Và hệ thống đặt vé xem chương trình vừa mới khởi động thì đã rơi vào tình trạng quá tải khi có quá nhiều khán giả đăng ký nhận vé. Điều này cho thấy, dòng âm nhạc hàn lâm vốn được xem là kén khán giả vẫn thu hút đông đảo người quan tâm, yêu thích.

Minh chứng cho điều này chính là việc Liên hoan nghệ thuật “Giai điệu mùa thu” đã đi qua 12 chương trình (hai năm tổ chức một lần) nhưng luôn được khán giả đón nhận. Chính vì sự yêu mến đó, lần trở lại sau đại dịch, ban tổ chức đã quyết tâm thực hiện một kỳ liên hoan âm nhạc đỉnh cao với nhiều tiết mục đặc sắc để phục vụ công chúng yêu thích thể loại âm nhạc giao hưởng, nhạc-vũ kịch.

Ban tổ chức đã nỗ lực mời các nghệ sĩ tài năng người Nga tham gia chương trình, cùng với những nghệ sĩ tên tuổi trong nước như Bùi Công Duy, Nguyễn Trinh Hương đến từ Hà Nội. Các nghệ sĩ sẽ trình bày những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như giới thiệu đến công chúng những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đã in đậm trong tâm trí của bao thế hệ người Việt. Đặc biệt, “Giai điệu mùa thu” năm nay, ban tổ chức sẽ cho biển diễn trở lại vở ballet Kiều, một tác phẩm được Nhà hát Giao hưởng, Nhạc-Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng cách đây hai năm và đã gặt hái nhiều thành công tại Liên hoan Ca múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2022.

Có thể nói “Giai điệu mùa thu” đã trở thành món “đặc sản” của âm nhạc thành phố. Loại hình nghệ thuật hàn lâm này dù không dễ tiếp nhận so với các loại hình âm nhạc khác nhưng nó vẫn tồn tại, và phát triển một cách bền bỉ và có đối tượng khán giả của riêng mình. Có lẽ vì mỗi tác phẩm của loại hình nghệ thuật này khi gửi đến công chúng đều mang đến giá trị nghệ thuật cao, với sự nỗ lực, cống hiến hết mình của các nghệ sĩ được đào tạo kỹ càng về chuyên môn. Chính giá trị nghệ thuật đích thực ấy cho nên dù không phải là âm nhạc dành cho số đông, nhưng loại hình nghệ thuật hàn lâm ở

Thành phố Hồ Chí Minh như Liên hoan “Giai điệu mùa thu” vẫn đầy sức sống.

Điều cần làm bây giờ chính là việc đầu tư cho loại hình nghệ thuật hàn lâm phải được chú ý, quan tâm nhiều hơn, quảng bá đến công chúng rộng rãi hơn. Liên hoan lần này với việc phục vụ miễn phí là bước đi để loại hình nghệ thuật hàn lâm trở thành hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của thành phố, tiếp cận gần hơn với công chúng. Không chỉ thế, thông qua liên hoan, ban tổ chức sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đến bạn bè quốc tế và tăng cường giao lưu văn hóa, phát triển du lịch khi ngành công nghiệp không khói này đã mở cửa hoàn toàn và đang nhanh chóng phục hồi ■