Dấu mốc đổi thay

Mười sáu năm nắm quyền của liên minh trung hữu đã khép lại, với rất nhiều dấu ấn đáng nhớ. Và chính vì vậy, khi nước Ðức có một chính phủ liên minh thiên tả mới, bên cạnh những kỳ vọng, cũng sẽ hiện hữu không ít thách thức.

Một tin tốt dành cho chính phủ mới: Cuối cùng, nhờ nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc, tình trạng khẩn cấp dịch bệnh - được ban bố lần đầu vào tháng 3/2020, và mới được gia hạn cuối tháng 8 vừa qua - đã có thể tiến tới dỡ bỏ vào cuối tháng 11/2021. Ðây sẽ là một động lực quan trọng, thúc đẩy tiến trình hồi phục đà tăng trưởng kinh tế của không chỉ nước Ðức nói riêng, mà đối với cả nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) nói chung.

Sự phát triển kinh tế là nền tảng của ổn định xã hội. Bởi vậy, việc ba đảng Dân chủ xã hội (SPD), Dân chủ tự do (FDP) cùng đảng Xanh nhất trí thành lập chính phủ liên minh là một sự đồng thuận cần thiết, nhằm nắm bắt những cơ hội và đương đầu những khó khăn trong nhiệm kỳ bốn năm sắp tới.

Sơ bộ, ba đảng đã đồng ý với nhau về chính sách thuế, theo đó sẽ không tăng thuế theo chủ định của FDP, trong khi các hạng mục mà đảng Xanh muốn đầu tư vẫn được bảo đảm sẽ thực hiện. Ðồng thời, những vấn đề cốt lõi khác cũng đạt được điểm chung như: giảm ít nhất 50% thời gian phê duyệt các dự án số hóa; loại bỏ than đá vào năm 2030; nâng mức lương tối thiểu lên 12 euro/giờ theo mong muốn của SPD và đảng Xanh; áp dụng "tiền trợ cấp nhân dân"; cam kết về hoãn nợ; dành 2% diện tích trên đất liền và rộng hơn nữa trên biển cho năng lượng gió. Vấn đề lương hưu cũng như việc cung cấp tài chính cho các hạng mục đầu tư đã ký kết sẽ được bảo đảm…

Nhờ vậy, theo một cuộc khảo sát xã hội mới được hãng ZDF thực hiện, có tới 62% số ý kiến được hỏi đánh giá tốt chính phủ liên minh sắp tới. Tuy nhiên, ngay trong trạng thái đồng thuận, giới quan sát quốc tế cũng đã nhận thấy những nguy cơ chia rẽ, đòi hỏi phải được xử lý thật khéo léo. Cách gọi vui về liên minh ấy - "liên minh đèn giao thông Ðỏ - Vàng - Xanh" có lẽ phần nào cũng phản ánh những nỗi hoài nghi từ xã hội Ðức.

Thí dụ, cho dù phải nhận thất bại nặng nề, Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) vẫn giành được số phiếu cao thứ hai, chỉ sau SPD, trong cuộc bầu cử vừa qua. Chuyện các đồng minh của đương kim Thủ tướng Ðức Angela Merkel tuyên bố không tham gia chính phủ mới nhằm giữ thế đối lập đương nhiên sẽ tạo nên những trở lực.

Không chỉ vậy, khuynh hướng tiếp cận các vấn đề quan trọng của từng đảng riêng rẽ trong liên minh cầm quyền sắp tới cũng có nhiều khác biệt, kể cả về kinh tế lẫn an ninh, người nhập cư, chính sách xã hội… Ðơn cử, vì lý do bảo vệ môi trường, đảng Xanh - đảng lớn thứ hai trong chính phủ sắp tiếp nhiệm - không mặn mà với những dự án công nghiệp lớn. Trong khi đó, đảng FDP lại luôn muốn giảm thuế nhằm giảm sức ép lên các doanh nghiệp, khác với định hướng chung là tăng thuế, đòi hỏi doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Sau cùng, về mặt đối ngoại, cho dù Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel tuyên bố "liên minh cầm quyền mới sẽ ủng hộ châu Âu", thì những nỗi lo lắng vẫn bao trùm châu Âu. Cả SPD lẫn đảng Xanh đều từng đưa ra những quan điểm khác so với quan điểm của chính phủ hiện thời, về hợp tác quốc tế. Do đó, chuyện có những thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước Ðức - "trái tim của châu Âu" - là hoàn toàn có thể xảy ra.

Và hơn thế, khi bà Angela Merkel rời khỏi cương vị, có lẽ cả nước Ðức lẫn EU đều sẽ phải bắt đầu một cuộc tìm kiếm mới, để có được một nhà lãnh đạo giàu sức gắn kết cũng như giỏi điều hòa những xung đột quan điểm như bà. Cả thập niên qua, bằng sự khéo léo, mềm mỏng, bằng các chính sách linh hoạt cũng như uy tín cá nhân, bà Angela Merkel đã không chỉ dẫn dắt nước Ðức thành công, mà còn được xem là một "thủ tướng của EU", cùng nước Pháp làm tròn vai trò lãnh đạo khối, kết nối các quốc gia bằng niềm tin mãnh liệt vào sự gắn bó của liên minh, kể cả khi nước Anh đã rời đi.

Võ Hoàng