Dấu ấn Xanh cho một khởi đầu Xanh

"Grenoble đã giành được danh hiệu Thủ đô sinh thái của châu Âu, nhờ cam kết kiên định trở thành một thành phố lành mạnh hơn, vì người dân cũng như với sự hợp tác của người dân"-Cao ủy Môi trường liên minh châu Âu Virginijus Sinkevicius nhấn mạnh, trong buổi lễ đón danh hiệu mà thành phố nhỏ của nước Pháp ấy tổ chức.

GRENOBLE là thành phố thứ hai của nước Pháp (sau Nantes năm 2013) và cũng là thành phố thứ 13 của châu Âu được trao danh hiệu "Thủ đô Xanh". Đây là danh hiệu mà Ủy ban châu Âu (European Commission-EC) trao tặng, nhằm ghi nhận những nỗ lực của các thành phố, trong tiến trình bảo vệ môi trường và kiến tạo phát triển bền vững.

Không phải là điều gì quá trọng đại, nhưng sự kiện này vẫn mang những khía cạnh đặc biệt, nhất là khi đặt chuyện Grenoble nhận vinh dự ấy cạnh việc nước Pháp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council), với một chương trình hành động gồm nhiều ưu tiên cho lĩnh vực môi trường, trong đó có việc thực hiện Thỏa thuận Xanh châu Âu và hành động ủng hộ không ô nhiễm, dung hòa với khí hậu, tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn.

Grenoble, vì vậy, trở thành một dấu ấn mở đầu lý tưởng.

Trong suốt năm 2022 trước mắt, dự kiến sẽ có hơn 200 sự kiện xã hội, văn hóa và khoa học được thành phố Grenoble tổ chức, nhằm tôn vinh "danh hiệu Xanh" của mình.

Nằm dưới chân rặng Alpes, là thủ phủ tỉnh Isere thuộc vùng hành chính Auvergne-Rhône-Alpes ở đông nam nước Pháp, Grenoble có chiều dài lịch sử đến 2.000 năm. Trong dòng chảy đó, từng có thời, Grenoble là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng của nước Pháp, từ khai khoáng, công nghiệp nặng đến vị trí hàng đầu về sản xuất găng tay.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, theo lời của chính Thị trưởng Grenoble-ông Eric Piolle-khí hậu ở dãy Alpes biến đổi nhiều hơn hai lần so những nơi khác. Theo đó, nhiệt độ ở khu vực này đã tăng lên 2 độ C so trước kia. Đây chính là nguyên nhân khiến chính quyền thành phố và người dân tự nhận thức được rằng họ phải hành động quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường.

Họ thật sự muốn, và vì vậy, họ đã làm được. Từ năm 2005-năm mà Grenoble trở thành chính quyền địa phương đầu tiên ở Pháp thông qua một kế hoạch lớn về chống biến đổi khí hậu-đến năm 2018, Grenoble đã giảm 23% lượng phát thải khí nhà kính, và đặt mục tiêu giảm 50% đến năm 2030. Thành phố này cũng hướng đến việc 100% số hộ gia đình sẽ sử dụng năng lượng tái tạo ngay trong năm 2022 này, đồng thời lên kế hoạch thay thế tất cả các xe buýt động cơ diesel bằng các xe buýt năng lượng sạch.

Dĩ nhiên, việc chỉ có quy mô dân số dưới 200.000 người là một lợi thế lớn cho Grenoble, trong việc hoạch định và tiến hành những dự án bảo vệ môi trường. Tuy vậy, nhìn lại chiều dài phát triển của thành phố ấy, không ai có thể phủ nhận rằng họ đã làm được những điều kỳ diệu, vượt qua những thử thách cũng như lựa chọn không hề dễ dàng. Trong đó, rõ ràng, khó khăn nhất là sự hấp dẫn của phát triển kinh tế, cũng như rào cản từ những khoản chi ngân sách lớn.

Có thể có đôi chút khoa trương trong niềm tự hào của thị trưởng Eric Piolle: "Từ than đá thế kỷ 19 đến năng lượng tái tạo của thế kỷ 21, Grenoble luôn bước trước thách thức của thời đại". Song, dù sao, thành phố công nghiệp cũ giờ đã chuyển thành điểm du lịch ấy cũng vẫn là một hình mẫu tham khảo đáng giá, cho rất nhiều đô thị cùng quy mô trên thế giới.

Và nếu phóng chiếu lên những tầm mức khác, Grenoble cùng 12 "Thủ đô Xanh" tiền nhiệm cũng vẫn sẽ là những hình mẫu quan trọng, cho các quốc gia cũng như cho cả nhân loại, trong việc cứu "mái nhà chung"-hành trình đầy gian nan.