Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 336.784 ha đất lâm nghiệp (chiếm khoảng 67% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh), trong đó đất có rừng 150.784 ha (gồm rừng giàu chiếm 14%, rừng trung bình 20%, rừng nghèo 32%, rừng non 34%). Theo đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, chúng tôi đến các khu rừng tự nhiên, rừng trồng và rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham đã chứng kiến rừng và đất rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng trăm ha đất lâm nghiệp sử dụng không đúng quy hoạch.
Kiểm lâm viên chính, Phạm Ngà xác định: Hầu hết các tiểu khu rừng bị tàn phá là rừng loại II. Hiện nay, các huyện miền núi (Quảng Ngãi) đều có tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm sản trái phép đã xâm hại nghiêm trọng đến vốn rừng... Qua kiểm tra cho thấy, từ đầu năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã có 469 vụ phá rừng trái phép, gây thiệt hại gần 380 ha rừng (trong đó chủ yếu làrừng đầu nguồn). Một số tiểu khu rừng già (có trữ lượng gỗ quý hiếm), thuộc xã Ba Vì, Ba Nam, Ba Bích, Ba Lế (Ba Tơ) đã bị lâm tặc khai thác cạn kiệt, chỉ còn thưa thớt những loại cây tạp. Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tôn Dung, đã có 65 hộ dân tham gia chặt phá hơn 20 ha để trồng rừng nguyên liệu giấy.
Trong khi đó, rừng đầu nguồn hồ Tôn Dung rất quan trọng cho việc tích nước, giữ hồ để tưới khoảng 60 ha lúa ở thị trấn Ba Tơ và một số diện tích ở xã Ba Cung. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Ngọc Thương cho biết: Gần đây, trên địa bàn chúng tôi đã xảy ra một số vụ khai thác gỗ trái phép, nhất là những khu rừng già không thể kiểm soát được. Một số tiểu khu rừng ở huyện Minh Long cũng bị lâm tặc lén lút khai thác gỗ quý hiếm. Hạt Kiểm lâm đã phát hiện, xử lý 47 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Ở Sơn Tây tỷ lệ rừng che phủ khá lớn, nhưng gần đây tình trạng khai thác gỗ trái phép đã phổ biến. Cả huyện có gần 14.000 ha đất có rừng (chủ yếu là rừng phòng hộ). Nhưng bọn lâm tặc chỉ tập trung khai thác gỗ ở 3 "điểm nóng" thuộc các tiểu khu rừng 154, 157 của xã Sơn Mùa (giáp xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà) và khu vực rừng thuộc xã Sơn Lập, Sơn Tân. Ðặc điểm rừng ở đây là có nhiều gỗ quý hiếm, lâu nay chưa có sự tác động của con người. Ðịa hình phức tạp, có nhiều sông suối, tiếp giáp với hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam rất thuận lợi trong việc khai thác và vận chuyển gỗ mà khó bị kiểm lâm phát hiện. Bọn chúng thường vận chuyển gỗ theo đường mòn trong rừng, sau đó dùng xe máy chở dần đi tiêu thụ. Nếu đường mòn bị kiểm lâm phát hiện thì chúng vận chuyển gỗ trên sông Rin và sông Xà Lò.
Gần đây, lâm tặc thường khai thác gỗ nhóm 1A tại khu rừng Sơn Tân và Sơn Mùa. Loại gỗ quý hiếm này có thể bán hơn trăm triệu đồng/m3. Từ tháng 4 đến nay, lực lượng Kiểm lâm Sơn Tây đã phát hiện và xử lý 36 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ một khối lượng gỗ khá lớn, trong đó có 3 vụ vận chuyển gỗ nhóm 1A. Ðây chỉ là một phần gỗ thu giữ được rất nhỏ so với lượng gỗ mà bọn lâm tặc đã lén lút khai thác hàng chục ha trên những cánh rừng già đang bị tàn phá.
Ðầu tháng 11 vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại khu rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham đã chứng kiến cảnh đốt phá rừng nghiêm trọng. Ðứng trên điểm Cao-Linh-Giang thả tầm mắt quan sát, tôi thấy xót xa cả một cánh rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham bị đốt phá trơ trụi, chỉ còn lại đồi trọc với những gốc cây đường kính 10 - 20 cm. Tại các tiểu khu 201, 216, 222 thuộc địa bàn xã Sơn Linh (Sơn Hà) đã có hơn 75 ha rừng bị chặt phá trái phép. Nhiều nhất là tiểu khu 216, với 63,5 ha rừng bị đốt phá, trong đó 25,5 ha có kinh phí khoanh nuôi bảo vệ và 38 ha chưa có kinh phí bảo vệ, cho nên dân tự do chặt phá.
Bãi củi đầu mối ở Thạch Nham
vẫn ngang nhiên hoạt động.
Ngoài ra, còn có 318 ha rừng phòng hộ do Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng nông - lâm nghiệp tỉnh quản lý trên địa bàn Sơn Hà đã bị chặt phá trái phép để trồng rừng nguyên liệu và trồng mì. Còn tại lô I, khoảnh 8, tiểu khu 191, thuộc Núi Bam, Nước Nia, lâm tặc đã lén lút khai thác gỗ lim xanh, trên diện tích khoảng 3 ha, với 22 gốc đã chặt hạ có đường kính từ 40 đến 70 cm. Những cánh rừng già ở đây đã bị lâm tặc khai thác trơ trụi.
Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà đều cho chủ trương khai thác gỗ rừng phòng hộ. Ngày 4-10-2004, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Ðinh Văn Dép có Công văn số 333/UB, đồng ý cho UBND thị trấn Di Lăng chặt hạ và tận dụng gỗ ké khi giải phóng mặt bằng thi công đường điện 22kV, tuyến Nước Rạc, Nước Nia, thuộc dự án năng lượng nông thôn. Tiếp đó, ngày 12-10, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðinh Ruy A cũng có Công văn số 361/UB với nội dung tương tự như trên. Có chủ trương của huyện, UBND thị trấn Di Lăng tiến hành khai thác gỗ ngay trên diện tích rừng phòng hộ thuộc Dự án 661 do Ban Quản lý dự án cơ sở Lâm trường Sơn Hà quản lý.
Rõ ràng chủ trương của Chủ tịch và Phó Chủ tịch huyện Sơn Hà là vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Quyết định 08 về việc quản lý ba loại rừng; Chỉ thị 12 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 04 về quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác... của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT). Với cách làm này của huyện Sơn Hà đã tạo sơ hở cho bọn lâm tặc phá rừng lấy gỗ. Cách điểm rừng UBND thị trấn Di Lăng khai thác không xa, thì bọn lâm tặc đã lợi dụng triệt hạ 16 cây ké thuộc khu vực rừng phòng hộ. Khi kiểm lâm phát hiện thì số gỗ đã vận chuyển đi tiêu thụ ước khoảng hơn 40 m3.
Hiện nay, Sơn Hà là địa bàn trọng điểm phá rừng lấy gỗ và xâm hại đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu và trồng mì. Các xã Sơn Nham, Sơn Giang, Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Hải đều có diện tích rừng và đất rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Ðặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham đã bị người dân khai thác củi, gỗ bữa bãi. Hằng ngày, bến củi ở đầu mối Thạch Nham vẫn ngang nhiên hoạt động và có nhiều đống củi, gỗ chất đầy nơi đây để chuyển đi tiêu thụ các nơi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi cho biết: Hiện nay, người dân phá rừng để làm nương rẫy, phá rừng để lấy củi, đốt than, gỗ xây dựng và phá rừng để trồng cây nguyên liệu giấy, trồng mì. Rừng đầu nguồn Thạch Nham bị phá nhiều nhất thuộc khu vực xã Sơn Linh, Sơn Nham, Sơn Giang; đồng thời ở Sơn Kỳ, Sơn Thủy, Nước Nia là tụ điểm khai thác, mua bán, lưu thông gỗ, củi trái phép thường xuyên ở Sơn Hà.
Ngoài điểm nóng ở Sơn Hà, một số tiểu khu rừng ở huyện Trà Bồng cũng bị lâm tặc khai thác trái phép. Hạt kiểm lâm đã phát hiện và thu giữ hàng chục m3 gỗ quý. Các xã Trà Hiệp, Trà Thanh đã có hàng chục ha rừng và đất rừng bị tàn phá. Ðiểm đáng lưu ý ở Trà Bồng hiện nay là UBND huyện đã ban hành ba quyết định giao đất lâm nghiệp cho các doanh nghiệp tư nhân để trồng rừng và phát triển trang trại, gây ra sự bất bình trong nhân dân. Trong khi đó, diện tích này đã cấp sổ đỏ cho đồng bào sản xuất lâu dài.
Cụ thể, ngày 27-1-2003, UBND huyện ký Quyết định số 91/XD-UB, giao cho Xí nghiệp xây lắp Hoàng Nhân 400 ha đất lâm nghiệp của 93 hộ đã được cấp 93 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDÐ), tại thôn Cưa và thôn Nguyên, xã Trà Hiệp, thời gian sử dụng là 35 năm. Ngày 24-2-2003, UBND huyện ký Quyết định số 114/2003/QÐ-UB, giao cho Công ty TNHH Sơn Mỹ 223,7 ha của 42 gia đình đã được cấp 42 giấy CNQSDÐ ở thôn Cưa, xã Tịnh Hiệp, thời gian sử dụng 35 năm (2003-2038). Ngày 24-2-2003, UBND huyện ký Quyết định số 115/2003/QÐ-UB, giao cho Công ty TNHH Sơn Mỹ 715,66 ha của 98 gia đình đã được cấp 98 giấy CNQSDÐ ở thôn Môn và thôn Vuông, xã Trà Thanh...
Khi nắm được quyết định thuê đất trong tay, giám đốc các doanh nghiệp lập thủ tục tiến hành vay vốn tại Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Quảng Ngãi và triển khai trồng rừng nguyên liệu, xây dựng trang trại chăn nuôi. Thực tế cho thấy, đồng bào ở các xã nói trên tuy đã được cấp giấy CNQSDÐ lâu dài, nhưng hiện nay vẫn thiếu đất sản xuất. Bởi lẽ, đất lâm nghiệp được cấp giấy CNQSDÐ cho đồng bào là do các doanh nghiệp thuê đất nắm giữ để đi vay vốn. Dù là đất cấp cho đồng bào sản xuất, nhưng lại do doanh nghiệp quản lý. Ðồng bào chỉ trực tiếp lao động, mỗi ngày được chủ trang trại, trả tiền công với giá rẻ mạt. Vì lẽ đó, hiện nay đồng bào đang đòi các doanh nghiệp thuê đất trả lại diện tích cho họ để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Trong công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Trà Bồng, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi ký ngày 15-9-2004 đã khẳng định: Trong quá trình giao đất, cho thuê đất trồng rừng đối với Xí nghiệp xây lắp Hoàng Nhân và Công ty TNHH Sơn Mỹ tại hai xã Trà Hiệp và Trà Thanh đã có những sai phạm nghiêm trọng. Ðó là, không đúng về trình tự thủ tục, vừa không đúng thẩm quyền cho thuê đất. Vì diện tích cho doanh nghiệp thuê đã được UBND huyện cấp giấy CNQSDÐ cho các hộ sản xuất lâu dài. Và theo quy định của Luật Ðất đai thì thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức là thẩm quyền của UBND tỉnh.
UBND huyện không thường xuyên kiểm tra quá trình thực hiện của doanh nghiệp, khi phát hiện sai trong hợp đồng thuê đất giữa UBND xã và doanh nghiệp thì chưa có biện pháp xử lý, bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân, để kéo dài tình trạng xâm phạm đất lâm nghiệp, gây ra bất bình trong nhân dân.
MINH TRÍ
Phóng viên báo Nhân Dân
thường trú tại Quảng Ngãi