Dao hai lưỡi

Theo Reuters, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng dầu, tới hai triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới. Mức giảm này cao gấp đôi so con số dự báo đưa ra trước thềm cuộc họp của OPEC+ diễn ra ngày 5/10 ở Vienna (Áo).
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: DERKAOUI ABDELLAH
Biếm họa: DERKAOUI ABDELLAH

Giá dầu thế giới bắt đầu lao dốc và đã giảm mạnh xuống dưới 90 USD/thùng vào tháng 9 vừa qua do lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và nguồn cung thắt chặt vì xung đột Nga-Ukraine. Vì thế, tại cuộc họp ở Vienna, quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+ nhằm kéo giá dầu tăng trở lại. Lần gần đây nhất OPEC+ thắt chặt nguồn cung là vào tháng 5/2020 khi nhu cầu giảm mạnh trong thời gian đầu bùng phát đại dịch Covid-19.

Ông Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao của hãng PVM Oil Associates có trụ sở ở London (Anh) dự báo, thị trường dầu sôi động hơn trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt trong ngắn hạn hoàn toàn có thể đẩy giá dầu trở lại mức mong muốn của OPEC+ là hơn 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, quyết định cắt giảm mạnh sản lượng dầu nhằm thiết lập giá sàn cao hơn sẽ mang lại rủi ro, cái giá phải trả là bất ổn quan hệ nội bộ cũng như với Mỹ. Trước hết, việc cắt giảm sản xuất lần nữa có thể làm xói mòn thêm thị phần của liên minh, bởi lẽ giá cao hơn sẽ khiến nhu cầu giảm, điều này có thể gây hại hơn cho vị thế của OPEC+. Một khi vai trò bị suy giảm, các thành viên OPEC cũng như các đối tác “không chóng thì chày” sẽ rơi vào tranh cãi về việc có tiếp tục cắt giảm sản lượng hay không?

Ngoài ra, việc OPEC+ giảm mạnh sản lượng dầu được cho là một quyết định có lợi cho Nga - đối tác của OPEC và là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia. Các chuyên gia cho rằng, Nga sẽ được hưởng lợi vì giá dầu tăng cao sau quyết định này, theo đó nếu tính đến giá chiết khấu, dầu của Nga có thể đạt mức giá khoảng 80-100 USD/thùng. Điều này sẽ khiến Mỹ không hài lòng bởi phương Tây đang ra sức trừng phạt nền kinh tế Nga, do đó càng không muốn Moscow hưởng lợi từ bán dầu.

Vậy nên, quyết định của OPEC+ được xem như “dao hai lưỡi”, một mặt có thể giúp giá dầu thế giới tăng trở lại, song mặt khác có thể đẩy OPEC+ vào những bất lợi khó lường.