Đánh giá tác động của cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đến kinh tế Việt Nam

NDO -

NDĐT – Sáng 6-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 6-6.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 6-6.

Chính phủ thành lập ban chỉ đạo nghiên cứu đánh giá tình hình

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn: “Cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đang vào hồi quyết liệt, xin Phó Thủ tướng cho biết thái độ ứng xử, hành động của chúng ta nên như thế nào cho phù hợp và hiệu quả?”

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời:

Tác động của cạnh tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc hiện nay tác động đến kinh tế thế giới khu vực, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nêu “một trong bốn đám mây bao phủ nền kinh tế thế giới là cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Theo đánh giá của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, nếu cuộc cạnh tranh thương mại này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thương mại toàn cầu, và dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong các năm tới đang từ 3,5% xuống còn 3,2% và tiếp tục kéo dài thì cung cầu thương mại cũng sẽ ảnh hưởng.

Đối với chúng ta, một nền kinh tế có độ mở rất lớn, bất cứ một tác động ảnh hưởng của kinh tế thế giới sẽ tác động đến kinh tế của chúng ta. Ngay khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ hết sức quan tâm đến vấn đề này, đã thành lập ban chỉ đạo nghiên cứu đánh giá tình hình và kiến nghị chính sách, thể hiện rõ chúng ta hết sức quan tâm đến cuộc cạnh tranh này.

Chúng ta đánh giá trong ngắn hạn, có thể cạnh tranh hiện nay thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của chúng ta cũng đồng thời có thể ảnh hưởng đến nguồn cung của các sản phẩm xuất nhập khẩu của chúng ta. Về ngắn hạn có thể tăng lên, nhưng về lâu dài có tác động. Những đánh giá của chúng ta hiện nay cho thấy có thể giảm 0,2-0,3% trong xuất khẩu, trong 5 năm tới GDP giảm khoảng 6.000 tỷ đồng.

“Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện nay đang ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại thế giới và về lâu dài sẽ tác động trực tiếp đến chúng ta”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá.

Xây dựng kịch bản, đề ra giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế

Để giảm thiểu tác động của cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đến nền kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu năm giải pháp như sau:

Thứ nhất, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta xây dựng nhiều kịch bản cũng như đề án đưa ra biện pháp cần thiết để bảo đảm nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Thứ hai, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm linh hoạt tỷ giá bởi vì tác động của cạnh tranh thương mại sẽ tác động đến tỷ giá.

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư.

Thứ tư, tình hình hiện nay cũng đang mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong năm tháng đầu năm nay xu hướng đầu tư này có tăng lên. Đây là lúc chúng ta phải có sự lựa chọn, chọn lọc đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, phát triển chất lượng cũng như bảo đảm thân thiện môi trường và công nghệ.

Thứ năm, chúng ta hết sức cảnh giác với việc có thể các hàng hóa xuất khẩu qua thị trường Việt Nam vào các thị trường đánh thuế cao để tránh thuế. Biện pháp phải phòng vệ, tránh, ngăn ngừa gian lận thương mại.

Hiểu rõ CPTPP để tận dụng cơ hội, lường trước thách thức

Cũng về vấn đề kinh tế, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) chất vấn: “Làm thế nào để phát huy hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP để bảo vệ quyền, lợi ích dân tộc, đất nước?”

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định để thực hiện khi hiệp định có hiệu lực từ đầu năm 2019. Cho đến nay, đã có 21 bộ, ngành và 54 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện hiệp định CPTPP. Chính phủ cũng đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung tám luật liên quan, thực hiện cam kết của chúng ta trong hiệp định và bốn nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều luật của luật cạnh tranh, quản lý ngoại thương, an toàn thực phẩm…

Bước đầu trong bốn tháng thực hiện Hiệp định CPTPP, thương mại của chúng ta với một số nước là thành viên CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái, như với Canada tăng hơn 70%, Mexico hơn 80%, là những nước chúng ta không có hiệp định thương mại tự do. Nhật Bản đã có hiệp định trong khuôn khổ ASEAN nhưng thương mại trong bốn tháng qua với Nhật Bản đã tăng 4%. Hiệp định CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng, quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta tận dụng cơ hội này để thúc đẩy xuất nhập khẩu với các thị trường tham gia CPTPP.

Khẳng định việc các doanh nghiệp Việt Nam phải biết tận dụng được thời cơ này, tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao. Thí dụ như lĩnh vực dệt may mà Việt Nam có thế mạnh thì cần bảo đảm chặt chẽ tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa mới có thể tận dụng được những ưu đãi về thuế. Đối với vấn đề tranh chấp về đầu tư, quy định có điều khoản cho phép doanh nghiệp nước ngoài có thể khởi kiện Chính phủ, chính vì vậy Phó Thủ tướng lưu ý cần giám sát chặt chẽ, không để tình trạng này xảy ra.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh công tác hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý và các văn bản thực thi hiệp định, nâng cao hiệu quả tuyên truyền các cam kết của Việt Nam. Vấn đề hết sức quan trọng và đặc biệt đối với doanh nghiệp là cần phải hiểu rõ những thuận lợi, cơ hội trong các hiệp định thương mại tự do để tăng cường thương mại nhưng cũng thấy được các thách thức.