Việc gì khó có thanh niên

Chỉ vài ngày sau khi T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kêu gọi triển khai “Đội hình năm nghìn tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía nam”, số lượng đơn đăng ký tham gia đã vượt hơn gấp hai lần chỉ tiêu đặt ra.

Thanh niên giúp người dân phòng, chống dịch Covid-19.
Thanh niên giúp người dân phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, có những giảng viên trẻ, sinh viên ngành y, dược vừa hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện, trở về từ các vùng tâm dịch trên khắp cả nước.

“Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách, kể cả trường hợp bị lây nhiễm trong khi làm nhiệm vụ” là lời bộc bạch của anh Trần Văn Trung người con cả trong một gia đình thuần nông. Trung luôn khiến bố mẹ tự hào vì sự cần cù, chịu khó và thành tích học tập của mình. Tốt nghiệp Trường đại học Điều dưỡng Nam Định, với kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở y tế, Trung luôn xung kích tham gia tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Mới đây, khi T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch triển khai “Đội hình năm nghìn tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía nam”, chàng trai trẻ quê Nam Định tiếp tục xin được lên đường chống dịch. Anh cho rằng, đó đơn giản là trách nhiệm của mỗi người trẻ đối với đất nước. “Nhiệm vụ của ngành y tế là bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm Tổ quốc cần chúng tôi nhất. Thử thách chỉ có thể khiến con người trưởng thành hơn mà thôi. Tôi không hề chủ quan, tự mãn và càng không bi quan. Trái lại, tôi đã tìm hiểu, xác định những khó khăn đang chờ đợi để có thể chủ động, tích cực hơn trong thực hiện nhiệm vụ”, Trung nói. 

Cuối tháng 8 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, T.Ư Đoàn đã thành lập “Đội hình năm nghìn tình nguyện viên” trên tinh thần chuẩn bị một lực lượng dự nguồn, sẵn sàng ứng trực, tham gia dập dịch mọi lúc, mọi nơi. Các thành viên của đội hình gồm giáo viên, giảng viên trẻ, sinh viên, học sinh hệ trung cấp các chuyên ngành y, dược từ 44 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Từ ngày 28/8, T.Ư Đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo đội hình cấp Trung ương với nhiệm vụ bảo đảm công tác tập huấn, di chuyển hai chiều giữa các địa điểm tập kết và nơi thực hiện nhiệm vụ của các tình nguyện viên; phối hợp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế trong điều động, triển khai tình nguyện viên… Ngày 3/9 vừa qua, T.Ư Đoàn cũng đã gửi văn bản đề nghị chính quyền 44 tỉnh, thành phố nêu trên ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lực lượng tình nguyện viên được tuyển chọn. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, cho biết: Các thành viên của đội hình được đặt trong trạng thái sẵn sàng nhận lệnh điều động cấp Trung ương, nhưng hoàn toàn có thể tham gia phòng, chống dịch tại các địa phương theo phương châm linh hoạt thay vì bó cứng. Việc điều động ở cấp Trung ương phụ thuộc nhu cầu, điều kiện thực tế, khoảng cách địa lý… của từng tỉnh, thành phố. T.Ư Đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra những chính sách phù hợp theo chương trình học của mỗi trường cho các tình nguyện viên làm nhiệm vụ. Đồng thời, kết nối các đơn vị liên quan triển khai 5.000 suất bảo hiểm tặng toàn bộ các tình nguyện viên của đội hình. Tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch cấp nào thì sẽ được xem xét đánh giá, xếp loại “Sinh viên 5 tốt” ở cấp đó. Khi đội hình được điều động, T.Ư Đoàn sẽ cùng các cơ sở đoàn, hội cấp tỉnh, thành phố và chính quyền các địa phương bảo đảm nơi ăn, chốn ở và các vấn đề liên quan cho tình nguyện viên. 

Thống kê của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cho thấy, việc thành lập “Đội hình năm nghìn tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía nam” đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, sôi nổi từ lực lượng giảng viên trẻ, sinh viên, học sinh trung cấp khối ngành y, dược trên khắp cả nước. Ngay sau khi phát lời kêu gọi, T.Ư Đoàn đã nhận được hơn 10.000 đơn đăng ký trở thành tình nguyện viên đội hình. Trong đó, có không ít bạn trẻ từ vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn sẵn sàng lên đường ngay lập tức. Tuy nhiên, theo tính toán tổng thể của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số lượng tình nguyện viên hiện tại của đội hình sẽ tạm thời được giới hạn ở mức 5.000. 

Và trong khi chờ đợi lệnh điều động, đã có nhiều tình nguyện viên của đội hình xung phong tham gia các chương trình hỗ trợ phòng, chống dịch cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện… Bên cạnh đó, các tỉnh, thành đoàn trên cả nước cũng đã phát huy tốt nguồn lực trẻ quý báu này bằng nhiều mô hình, chương trình sát với nhu cầu thực tế ở địa phương. Chỉ tính riêng tại Thủ đô Hà Nội, đã có hơn 4.500 giảng viên trẻ, sinh viên, cựu sinh viên y, dược đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch, trong đó khoảng 1.400 trường hợp xung phong lên đường chi viện tuyến đầu ở các tỉnh, thành phố miền nam.

Nắm bắt tâm tư, tình cảm của các tình nguyện viên, thiết thực hỗ trợ công tác tiêm chủng diện rộng, sớm đưa Thủ đô về trạng thái bình thường mới, ngày 10/9 vừa qua, Thành đoàn Hà Nội đã nhanh chóng kêu gọi, triển khai 18 nghìn đoàn viên, thanh niên tham gia chống dịch tại chỗ trong khuôn khổ chiến dịch “Tuổi trẻ Thủ đô - 7 ngày cao điểm cùng thành phố: Hỗ trợ tiêm chủng - Truy tìm F0”.

Nhờ sự thông suốt trong hệ thống Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và nòng cốt chiến dịch là hàng nghìn sinh viên y khoa từng trực tiếp hỗ trợ dập dịch trên tuyến đầu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương…, công tác triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu của chiến dịch tại Hà Nội đã diễn ra nhanh chóng, bảo đảm an toàn và hiệu quả đồng bộ. Đơn cử như tại quận Hoàng Mai, một trong những điểm nóng về dịch bệnh của Hà Nội, Đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp UBND, trung tâm y tế 14 phường trên địa bàn quận bố trí địa điểm ăn nghỉ bảo đảm phương châm “ba tại chỗ” cho 150 tình nguyện viên, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể, khoa học, phù hợp tình hình thực tế để phát huy tối đa sức trẻ chống dịch.

Tình nguyện viên Đỗ Thị Kiều Oanh, sinh viên năm cuối Trường đại học Y Hà Nội, chia sẻ: “Chiến dịch là chuỗi hoạt động thể hiện rõ nét tinh thần xung kích, tình nguyện của sinh viên Thủ đô trong chung tay cùng các lực lượng chức năng bảo vệ sức khỏe người dân, cũng là cơ hội để sinh viên ngành y, dược mang những kiến thức tích lũy trên giảng đường phục vụ đời sống. Với nhiệt huyết tuổi trẻ và kinh nghiệm nhiều lần tình nguyện tham gia chống dịch, chúng tôi tin tưởng sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng, TP Hà Nội nói chung”. 

Nghĩa cử cao đẹp ấy không chỉ nêu cao lời thề Hippocrates của những “chiến sĩ mặc áo blouse”, mà còn qua đó thể hiện truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần xung kích thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.