Vai trò của cấp ủy trong xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tốt vai trò của cấp ủy các cấp trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhất là khi người đứng đầu cấp ủy có sự đổi mới về phong cách lãnh đạo, sáng tạo và linh hoạt trong quá trình điều hành nhằm giữ vững các tiêu chí NTM, hướng tới xây dựng tỉnh NTM kiểu mẫu.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống được bảo lưu, duy trì tại nhiều địa phương ở Thanh Hóa.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống được bảo lưu, duy trì tại nhiều địa phương ở Thanh Hóa.

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với 163 xã, 1.336 thôn, bản, trong đó có 76 xã đặc biệt khó khăn thuộc sáu huyện nghèo. Khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bình quân mỗi xã mới đạt 3,3 tiêu chí, chưa có xã nào đạt tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.

Sáng tạo, tiên phong

Cuối năm 2013, huyện miền núi Bá Thước xây dựng mô hình thôn NTM ở xã Ban Công, từ đó nhân thêm nhiều thôn NTM, góp phần sớm tiệm cận các mục tiêu xã NTM. Cựu chiến binh Hà Văn Loan cùng 27 đảng viên trong chi bộ thôn Tôm tích cực vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang khu dân cư, nơi ở, xây dựng ba công trình vệ sinh hợp vệ sinh, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả; đồng thời động viên các hộ gia đình giúp nhau trong sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Các đảng viên miệng nói, tay làm, quần chúng noi theo cho nên thôn Tôm đạt chuẩn thôn NTM năm 2014; đời sống vật chất, tinh thần của 168 hộ với 815 nhân khẩu đồng bào dân tộc Thái không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Đồng chí Hà Ngọc Vinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm cho biết, cùng với việc phổ biến, trao đổi về nghị quyết xây dựng thôn NTM, chi bộ thành lập ban phát triển thôn và phân công đảng viên phụ trách thực hiện từng tiêu chí. Chi bộ còn tập trung lãnh đạo, vận động 91 hộ thay đổi phương thức canh tác nhằm tăng năng suất cây trồng, mở rộng diện tích trồng ngô vụ đông, phát triển hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi vịt Cổ Lũng, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ thực phẩm đặc sản. Hội phụ nữ tổ chức nghề dệt các sản phẩm thổ cẩm hàng hóa, tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Nhờ chú trọng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho nên thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 36,5 triệu đồng/năm. Nhân dân đã đóng góp tới gần 1,8 tỷ đồng trong tổng đầu tư hơn 3,8 tỷ đồng xây dựng thôn NTM. 

Về xã Điền Lư, diện mạo nông thôn hôm nay có nhiều đổi mới nhờ phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM. Ngoài việc phổ biến trồng cây gai xanh cung ứng cho nhà máy chế biến, chuyển 2,5 ha ruộng trũng sang nuôi thả thủy sản, cấp ủy, chính quyền thôn Điền Lý còn hỗ trợ thành lập hợp tác xã, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông hộ xây dựng vườn mẫu, tổ chức liên kết 60 hộ sản xuất theo hướng VietGAP, đồng thời cung ứng vật tư, bao tiêu nông sản. Nhờ đó, ở thôn NTM kiểu mẫu Điền Lý, thu nhập của người dân đạt 54 triệu đồng/năm, thôn không còn hộ nghèo; hơn 95% số dân có bảo hiểm y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em dưới 8%. Các tuyến đường làng, ngõ xóm lắp điện chiếu sáng; bên lối rẽ vào nhà có sơ đồ vườn mẫu. 100% các gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, sử dụng điện lưới quốc gia, các công trình phụ bảo đảm vệ sinh, chất thải được thu gom, xử lý.

Huyện Bá Thước hiện có 71 thôn đạt chuẩn NTM, hai thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm gần 40% tổng số thôn trong huyện. Bí thư Huyện ủy Bùi Văn Lưỡng nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, thúc đẩy các hoạt động du lịch là chương trình trọng tâm của Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23. Huyện tập trung lãnh đạo xây dựng thôn NTM và thôn NTM kiểu mẫu gắn với bảo lưu bản sắc văn hóa của đồng bào Thái, Mường, giữ gìn các di sản vật thể, phi vật thể, khai thác hiệu quả tài nguyên nhân văn và những lợi thế của hệ sinh thái đa dạng để phát triển du lịch. Huyện phấn đấu có thêm chín xã đạt chuẩn NTM. Dự án xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường, ở xã Thành Sơn đang được triển khai, thúc đẩy xây dựng thôn NTM, tạo thêm sinh kế cho nhân dân vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Linh hoạt trong điều hành

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét, công nhận công dân kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, thôn, bản, tổ dân phố kiểu mẫu, xã, phường, thị trấn, cơ quan kiểu mẫu; tích hợp các nội dung với bộ tiêu chí xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, xã, huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu của Trung ương, đồng thời lượng hóa trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh để phấn đấu thực hiện. 

Huyện Hoằng Hóa mới ban hành bảy tiêu chí đặc thù, bao gồm cả nội dung xây dựng tổ dân phố kiểu mẫu, phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030. Do có chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, phát triển kinh tế hợp tác xã, xây dựng các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cho nên toàn huyện có 61 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, có chín sản phẩm OCOP cấp tỉnh và các sản phẩm nước mắm, mắm tôm Lê Gia đạt sản phẩm OCOP quốc gia. Đảng bộ huyện Quảng Xương ban hành các nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về dồn điền, đổi thửa, thực hiện nếp sống mới trong cưới, tang, lễ hội. Khối dân vận, đoàn thể đăng ký xây dựng các mô hình; cụ thể như mô hình trồng hoa thay cỏ dại bên đường của hội phụ nữ được nhiều địa phương học tập, nhân rộng. Thành viên Ban Chỉ đạo từ huyện đến cơ sở sâu sát các hoạt động, đôn đốc thực hiện tiêu chí NTM cho nên Quảng Xương là huyện thứ hai trong tỉnh đạt chuẩn NTM. Huyện tiếp tục rà soát, đề nghị điều chỉnh quy hoạch vùng huyện; ban hành chính sách hỗ trợ hơn 200 triệu đồng cho mỗi xã xây dựng quy hoạch chung; đề ra các chỉ tiêu, lộ trình cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện NTM nâng cao. 

Toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 858 thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có 685 thôn, bản ở miền núi; có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; hai xã, 85 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, Phạm Thị Thanh Thủy thông tin thêm: Tích cực động viên nguồn lực trong nhân dân đi đôi với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hành “dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân thụ hưởng”, hơn 10 năm qua, Thanh Hóa đã huy động được hơn 64 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM. Hệ thống MTTQ cũng tăng cường giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến đánh giá của nhân dân về xây dựng NTM; qua đó tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng NTM, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.