Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Tránh bệnh thành tích và nể nang trong đánh giá cán bộ

Nể nang, chạy theo thành tích trong đánh giá cán bộ dẫn đến bố trí, đào tạo, sử dụng cán bộ sai lệch là nguyên nhân của những biểu hiện suy thoái trong công tác cán bộ mà Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Ðể khắc phục tình trạng này, nhiều cấp ủy, địa phương đang tìm và triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm việc đánh giá cán bộ công khai, dân chủ, chính xác.

Ðổi mới môi trường công tác

Tháng 7-2017, đồng chí Mã Quang Tuyến, Huyện ủy viên, Bí thư Ðảng ủy xã Bắc Hợp, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) được luân chuyển đến công tác tại xã Minh Tâm, giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy xã. Khác với các trường hợp cán bộ luân chuyển thông thường, đồng chí không thuộc diện cán bộ trẻ, cần thử thách, rèn luyện mà mục đích là đổi mới môi trường công tác. Ðồng chí đã có hơn 20 năm công tác tại xã Bắc Hợp, trong đó có một nhiệm kỳ là Chủ tịch UBND xã và hai nhiệm kỳ gần đây là Bí thư Ðảng ủy xã. Trong suốt thời gian công tác, đồng chí luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình Hoàng Thị Thu chia sẻ, trường hợp đồng chí Mã Quang Tuyến là thực hiện chủ trương luân chuyển mới của Huyện ủy: Bên cạnh việc luân chuyển cán bộ trẻ để đào tạo rèn luyện, sẽ luân chuyển những cán bộ lãnh đạo quản lý cấp xã, thị trấn đã giữ cương vị lãnh đạo tại một địa phương quá hai nhiệm kỳ. Mục đích là chống sức ỳ của cán bộ và tạo môi trường mới để cán bộ phát huy năng lực, phục vụ công tác đánh giá cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, chính xác.

Ðến xã Minh Tâm, chúng tôi gặp đồng chí Mã Quang Tuyến đang cùng Ban Thường vụ Ðảng ủy xã họp triển khai kế hoạch vui Xuân đón Tết cho đồng bào. Ðồng chí cho biết, khi mới nhận nhiệm vụ Huyện ủy phân công, cũng có tâm tư, chuyển sang môi trường mới không biết sẽ như thế nào, có đảm đương được không? Nhưng sau hơn nửa năm, đồng chí đã bắt nhịp công việc và thấy có nhiều cái được: việc triển khai thực hiện các quy chế, quy định làm việc của Ðảng ủy, UBND nghiêm túc hơn, do không liên quan đến người nhà, người quen; nhiều kinh nghiệm tích lũy được ở đơn vị cũ, nay phát huy hiệu quả. Thí dụ như, Minh Tâm là xã miền núi, có nhiều dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội về chăn nuôi, trồng trọt, muốn thực hiện tốt thì phải vận động nhân dân tốt. Ðội ngũ cán bộ xã được đào tạo cơ bản, tuổi đời trẻ, nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm trong tuyên truyền vận động. Ðồng chí chỉ đạo triển khai kế hoạch tăng cường cán bộ xuống thôn, bản; tạo mối quan hệ thân thiết, vừa giúp nhân dân phát triển kinh tế, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh.

Gần đây, xóm Phiêng Sa thường xảy ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự. Ðồng chí đã cùng lãnh đạo xã xuống tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong dân. Ðến nay, tình hình tại đây đã ổn định trở lại. Qua công tác kiểm tra, thấy Chi bộ thôn Bản Thải đoàn kết, thống nhất, sinh hoạt có nền nếp, đồng chí đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành chi bộ mẫu và phân công cán bộ, đảng viên đến học tập. Sau một thời gian, chất lượng chi bộ khu vực thôn, xóm ở xã Minh Tâm được nâng cao. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên, công tác phát triển đảng được chú trọng hơn trước. Ðồng chí Tuyến tâm sự, sở dĩ mình năng động hơn, quyết liệt hơn là do sự góp ý chân thành của đội ngũ cán bộ, đảng viên xã Minh Tâm. Mọi người động viên và chỉ cho mình những khiếm khuyết, hạn chế để khắc phục. Ðiều này, ở đơn vị cũ ít có được.

Theo đồng chí Hoàng Thị Thu, qua nửa năm triển khai, hầu hết các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND được luân chuyển ngang đến đơn vị mới đều năng động hơn. Ðáng chú ý, công tác đánh giá cán bộ có chuyển biến. Cán bộ, đảng viên nơi công tác mới luôn nhận xét, phê bình thẳng thắn về hạn chế, khuyết điểm của đội ngũ này, như thiếu quyết liệt trong điều hành, trình độ lý luận chưa đáp ứng, chưa chịu khó học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học... Không hiếm trường hợp nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì nay công việc chưa đạt yêu cầu.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng Hà Ngọc Giáp cho biết, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn của tỉnh hầu hết đều trưởng thành tại chỗ, có nhiều mối quan hệ họ hàng, anh em, dòng tộc. Khi ở vị trí lãnh đạo quá lâu, dễ sinh ra tư tưởng thỏa mãn, hạn chế ý chí phấn đấu, trong công việc cũng thường nể nang. Vì vậy, luân chuyển sẽ là cơ hội để những cán bộ này thoát khỏi sức ỳ, phát huy năng lực công tác và giúp các cấp ủy có cái nhìn chính xác hơn về năng lực, trình độ, để có hướng bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Tuy nhiên, việc triển khai cũng có những khó khăn. Ðây thường là những cán bộ đã cao tuổi, có gia đình ổn định dẫn đến tâm lý ngại di chuyển. Do đặc điểm khu vực nông thôn, nhiều đồng chí đến nhận công tác ở địa phương mới nhưng vẫn phải lo lắng ruộng nương của gia đình, trong khi điều kiện đi lại các xã miền núi còn nhiều trở ngại. Bài học của tỉnh Cao Bằng là phải làm tốt công tác tư tưởng; khi tiến hành luân chuyển, từng trường hợp cụ thể đều cân nhắc hoàn cảnh gia đình, khoảng cách địa lý, cũng như các chính sách hỗ trợ, khuyến khích.

Nhân dân tham gia đánh giá cán bộ

Tháng 12-2017, khi đánh giá, phân loại 19 công chức xã, Ðảng ủy, UBND xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã thống nhất biểu quyết: Hai đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 15 đồng chí hoàn thành tốt, hai đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Với đội ngũ những người không chuyên trách, 9 trong số 11 người hoàn thành tốt nhiệm vụ, hai người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn có hạn chế cần khắc phục. Theo đồng chí Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn, đây là kết quả đánh giá xác đáng năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức xã. Trước kia, vì chạy theo thành tích, chỉ căn cứ theo số lượng, tỷ lệ cấp trên quy định mà bỏ qua chất lượng cho nên một năm luôn có ba đến bốn công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Bá Hà cho biết: Năm 2017, trong đánh giá xếp loại đội ngũ công chức xã, Huyện ủy ra quy định mới. Ðó là lấy phiếu tín nhiệm của đại diện MTTQ và các tổ chức đoàn thể trước khi cấp ủy, chính quyền xếp loại cán bộ và đảng viên. Ðây là chủ trương phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong đánh giá cán bộ. Thêm một bước thôi, nhưng kết quả đánh giá khách quan và chính xác hơn. Các buổi họp lấy phiếu tín nhiệm công chức xã được tổ chức nghiêm túc. Chủ trì là đồng chí Trưởng ban MTTQ xã và Chủ tịch UBND xã. Thành phần tham gia là tất cả các bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng, phó các thôn, đại diện MTTQ và các đoàn thể. Có xã số lượng người tham gia bỏ phiếu đánh giá gần 100 người. Ðây là các đại biểu đại diện cho nhân dân, hằng ngày tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các công chức xã cho nên những nhận xét, đánh giá công tâm, chính xác. Kết quả đánh giá của các đoàn thể nhân dân sẽ được Ðảng ủy, UBND xã coi là một kênh tham khảo quan trọng khi đánh giá, xếp loại công chức. Việc làm này nhận được sự đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên trong huyện. Một số địa phương không chỉ lấy ý kiến của đại diện nhân dân đối với công chức xã mà cả với những người hoạt động không chuyên trách. Vì vậy, kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên năm 2017 không còn tình trạng cào bằng.

Ðể nhân dân tham gia giám sát, đánh giá cán bộ là giải pháp quan trọng được nhiều cấp ủy, địa phương triển khai. Ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) dù chưa có quy định lấy phiếu tín nhiệm của đại diện nhân dân đối với cán bộ, công chức nhưng thông qua việc tăng cường đối thoại với nhân dân cũng đã đưa ra những quyết định mới trong đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên.

Tháng 9-2017, Huyện ủy Tuyên Hóa tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân trên địa bàn thị trấn Ðồng Lê về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và công tác cán bộ. Hàng chục ý kiến của nhân dân thẳng thắn nêu những hạn chế của thị trấn trong giải quyết các vấn đề quản lý đất đai, xử lý những cán bộ vi phạm kỷ luật và có biểu hiện vi phạm đạo đức, lối sống. Sau hội nghị, Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ những ý kiến phản ánh của nhân dân, giải quyết dứt điểm những khiếu nại và chấn chỉnh lề lối, tác phong của đội ngũ cán bộ.

Theo Bí thư Huyện ủy Hoàng Minh Ðề, đây là cơ hội để Huyện ủy nghe những nhận xét của dân về đội ngũ cán bộ, từ đó có cái nhìn đa chiều, giúp công tác đánh giá cán bộ chính xác, khách quan hơn. Cụ thể như, đối với người đứng đầu thị trấn Ðồng Lê, đồng chí Bí thư Ðảng ủy thị trấn mọi năm vẫn được xét mức hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng qua ý kiến nhân dân và hiệu quả công tác, Huyện ủy Tuyên Hóa kiên quyết đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời đề nghị tự kiểm điểm. Sau kiểm điểm, đồng chí này đã có đơn tự nguyện xin rút khỏi chức danh Bí thư Ðảng ủy thị trấn do tự nhận thấy năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Qua tăng cường đối thoại với nhân dân cùng triển khai nhiều quy định mới, công tác đánh giá cán bộ của Huyện ủy Tuyên Hóa có bước thay đổi về chất. Hai đồng chí lãnh đạo chủ chốt thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ; bốn đồng chí xếp loại từ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống hoàn thành nhiệm vụ và hai đồng chí từ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ðánh giá, nhận xét cán bộ chính xác đã giúp Huyện ủy Tuyên Hóa củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Cùng với các tỉnh Cao Bằng, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhiều cấp ủy, địa phương đang tích cực đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ. Tỉnh ủy Quảng Trị xây dựng bộ quy chế đánh giá cán bộ thuộc Ban Thường vụ quản lý; Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xây dựng bộ tiêu chuẩn cán bộ các cấp làm cơ sở để nhận xét, đánh giá... Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bổ sung nhiều điểm mới trong quy trình đánh giá cán bộ. Qua đó, đã có những chuyển biến tích cực trong đánh giá cũng như bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần khắc phục hạn chế khuyết điểm, đẩy lùi tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.