Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ không chuyên trách ở cơ sở

"Ða nhưng không tinh", bộ máy cồng kềnh, trong khi hằng năm ngân sách dành cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở là không nhỏ. Nhìn rõ vấn đề này, Hà Nội đã thực hiện việc sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo hướng một người làm nhiều chức danh. Chủ trương này đang phát huy hiệu quả khi vừa tinh gọn bộ máy, vừa tiết kiệm kinh phí, mà vẫn bảo đảm chất lượng hệ thống chính trị cơ sở.

Bí thư Chi bộ Nguyễn Xuân Ðiệp (ngoài cùng bên phải), Tổ trưởng Tổ bầu cử số 4 phường Xuân La (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) cùng các thành viên tổ bầu cử đã góp phần tổ chức thành công Ngày bầu cử trên địa bàn. Ảnh: ÐĂNG ANH
Bí thư Chi bộ Nguyễn Xuân Ðiệp (ngoài cùng bên phải), Tổ trưởng Tổ bầu cử số 4 phường Xuân La (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) cùng các thành viên tổ bầu cử đã góp phần tổ chức thành công Ngày bầu cử trên địa bàn. Ảnh: ÐĂNG ANH

Giảm ngân sách, tăng trách nhiệm

Hà Nội đang trong những ngày căng thẳng chống dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Ðiệp vừa lo cơm nước, trông nom hai cháu nội nghỉ học ở nhà, vừa lo thực hiện công việc của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận tổ 18 phường Gia Thụy (quận Long Biên). Bận rộn hơn trước, nhưng bà Ðiệp vẫn cố gắng hoàn thành tốt các công việc. Từ năm 2017 đến nay, bà luôn phân định rõ được "hai vai", khi nào là Bí thư chi bộ, khi nào làm công tác Mặt trận. Chiếc điện thoại thông minh trở thành trợ lý đắc lực, giúp bà quán xuyến các hoạt động trên các nhóm Zalo của chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể… "Tôi thấy việc làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thuận lợi rất nhiều, bởi có những việc chi ủy đã quyết, mình lại trực tiếp đi tuyên truyền, vận động người dân sẽ phát huy hiệu quả hơn", bà Ðiệp chia sẻ.

Bí thư Ðảng ủy phường Gia Thụy Nguyễn Thị Tùng Chinh đánh giá, việc bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố là rất đúng, rất trúng, không chỉ tinh gọn bộ máy, tiết giảm ngân sách, mà chất lượng công việc cũng được nâng lên. Phường Gia Thụy là phường đi đầu của quận Long Biên trong thực hiện chủ trương này, khi giảm từ 117 người xuống còn 65 người bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố, tiết kiệm cho ngân sách cả trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện phường có ba đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng dân phố; 13 đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm trưởng ban công tác Mặt trận và đều hoạt động rất hiệu quả. Bí thư Ðảng ủy phường Thượng Thanh Phạm Thị Minh Hồng cũng cho biết, mỗi năm giảm được gần 700 triệu đồng sau sắp xếp các chức danh tại cơ sở.

Từ kinh nghiệm của hai phường làm điểm là Gia Thụy và Thượng Thanh, quận Long Biên đã triển khai "đại trà" trên toàn quận. Theo Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Vũ Thị Thân, khi mới thực hiện việc này, có người băn khoăn vì cho rằng ở cơ sở nhiều việc, trong khi cán bộ ở tổ dân phố lại hầu hết là người cao tuổi, nếu kiêm nhiệm hai chức danh sẽ khó cáng đáng được. Tuy nhiên, bằng quyết tâm cao cùng những giải pháp cụ thể như xây dựng nghị quyết chuyên đề, tăng cường tuyên truyền, vận động, chủ động sắp xếp, bố trí nhân sự, nên mọi việc diễn ra rất "êm". Ðến cuối năm 2020, quận đã giảm được 349 cán bộ hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố; đồng thời bố trí kiêm nhiệm hai người ba chức danh (bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng dân phố hoặc bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận), mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách hàng tỷ đồng.

Huyện Gia Lâm cũng là địa phương được chọn để sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cơ sở. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân khẳng định, cùng với công tác tuyên truyền, vấn đề quan trọng nhất khi thực hiện là phải giữ được sự ổn định của bộ máy. Muốn tạo đồng thuận thì phải công khai, minh bạch các nội dung liên quan; lấy ý kiến cán bộ và nhân dân về phương án sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm; khi có ý kiến khác thì phải tiếp thu và sẵn sàng bổ sung, chỉnh sửa phương án. Sau khi sắp xếp, huyện đã giảm được 1.285 người hoạt động không chuyên trách ở xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố, tương đương 48,8%, tiết kiệm được 4,4 tỷ đồng/năm, trong khi phụ cấp của cán bộ tăng lên từ 30 đến 50%.

Tinh gọn, hiệu quả hơn

Hiệu quả từ quận Long Biên và huyện Gia Lâm là cơ sở quan trọng để ngày 16/9/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Ðề án 21-ÐA/TU về "Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội". Theo Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Trần Ðình Cảnh, phương án được thực hiện như sau: Sắp xếp, bố trí tối đa hai người hoạt động không chuyên trách/một thôn, tổ dân phố để đảm nhiệm, kiêm nhiệm ba chức danh. Có thể bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Mục đích của việc sắp xếp lại các chức danh không chỉ hướng tới việc tinh gọn bộ máy, mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở.

Thực tế cũng có không ít vướng mắc bởi số lượng cán bộ giảm đến hàng nghìn người, trong khi địa bàn lại rộng hơn sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố. Tại các quận có nhiều tòa chung cư cao tầng, công việc của bí thư chi bộ và tổ trưởng dân phố lại càng vất vả hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở là người đã nghỉ hưu, tuổi cao, hạn chế về sức khỏe, một số người còn e ngại việc kiêm nhiệm. Trong thời gian mới triển khai, một số nơi chưa thực hiện đúng các bước theo quy trình, vẫn còn hiện tượng nể nang, khả năng đáp ứng công việc kiêm nhiệm của cán bộ còn thấp… dẫn đến sự đồng thuận chưa cao. Thành ủy Hà Nội đã cùng các địa phương vừa triển khai, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ðống Ða Nguyễn Anh Cường cho biết, khi thực hiện đề án, quận yêu cầu các cấp thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong quá trình triển khai thực hiện. Quá trình triển khai thận trọng, chặt chẽ theo kế hoạch nhằm hạn chế sự xáo trộn và không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng quyết liệt thực hiện sắp xếp các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Ðến nay, thành phố giảm từ 7.968 xuống còn 5.369 thôn, tổ dân phố và hiện đã có 5.320 thôn, tổ dân phố đã tổ chức thực hiện xong Ðề án số 21-ÐA/TU (đạt hơn 99%). Sau sắp xếp, tổng số người hoạt động không chuyên trách tại 5.369 thôn, tổ dân phố thuộc thành phố là 14.217 người, giảm 11.269 người, mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng. Quan trọng hơn là sau khi sắp xếp, bộ máy ở cơ sở của thành phố đã tinh gọn, nhưng vẫn phát huy hiệu quả cao, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.