Thanh Hóa nỗ lực bảo vệ sức khỏe nhân dân, tích cực phát triển kinh tế-xã hội

Là tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, thường xuyên giao lưu kinh tế-xã hội với nhiều địa phương khác, nguy cơ dịch Covid-19 lây nhiễm, xâm nhập cao nhưng do có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tỉnh Thanh Hóa đã kiểm soát tốt tình hình, hạn chế tối đa các ca lây nhiễm, bảo đảm sức khỏe nhân dân đồng thời giữ vững ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa về nội dung này.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (thứ 3 từ phải sang) cùng Mặt trận Tổ quốc tỉnh trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (thứ 3 từ phải sang) cùng Mặt trận Tổ quốc tỉnh trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát.

Phóng viên: Thưa đồng chí, tình hình dịch Covid-19 phức tạp thời gian qua đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo triển khai những giải pháp trọng tâm nào để có thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh?

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng: Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, tỉnh Thanh Hóa đã dự báo, đánh giá sát đúng tình hình; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt, tổng thể, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các phương án, giải pháp, biện pháp phù hợp với từng thời điểm, địa bàn, lĩnh vực cụ thể; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương duy trì trạng thái cảnh báo dịch ở mức độ cao nhất; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý mọi tình huống liên quan đến dịch bệnh, với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Thanh Hóa nỗ lực bảo vệ sức khỏe nhân dân, tích cực phát triển kinh tế-xã hội -0
Tầm soát định kỳ, hướng dẫn người lao động ứng dụng công nghệ để cập nhật thông tin, phát hiện giám sát người có yếu tố dịch tễ liên quan.

Tỉnh thực hiện chiến lược “5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác” và phương châm “hai chống, ba xây”. Trong đó “hai chống” là “Chống tư tưởng chủ quan, lơ là, thỏa mãn, mất cảnh giác và chống xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vào cộng đồng”; “Ba xây” là “Xây dựng kế hoạch cho tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn để không bị động; xây dựng kế hoạch để không khủng hoảng về an sinh xã hội và xây dựng kế hoạch để tuyên truyền, vận động nhân dân thích ứng với những biến đổi của tình hình dịch bệnh trong tình hình mới”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ của người dân trước nguy cơ dịch bệnh; phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực của các lực lượng tại cơ sở, nhất là công an cấp xã, các tổ Covid cộng đồng, cán bộ thôn, xã… Thường xuyên thực hiện tầm soát, xét nghiệm, nhất là các khu vực đông dân cư, trường học, bệnh viện, nhà máy,… kịp thời phát hiện, kiểm soát ngăn chặn triệt để nguồn lây. Tỉnh triển khai phương án thu dung điều trị người bệnh ở tất cả các tuyến theo mô hình tháp ba tầng, tuyến tỉnh điều trị bệnh nhân nặng, tuyến huyện, tuyến xã điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, áp dụng theo dõi điều trị người bệnh F0 không triệu chứng tại nhà trong một số trường hợp đủ điều kiện.

Thực hiện đa dạng, linh hoạt các hoạt động cách ly bao gồm các khu cách ly tập trung tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến cơ sở, cách ly tại nhà, cách ly tại nơi làm việc theo quy định. Thiết lập hệ thống 18 cơ sở và 26 hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập với năng lực 11 nghìn mẫu đơn/ngày và có thể tăng lên gấp đôi khi cần thiết. Tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 với năng lực tiêm tối thiểu 75.450 mũi tiêm/ngày và có thể nâng lên khi nguồn cấp vaccine tăng.

Đến nay, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi đạt 98,53%, tỷ lệ người tiêm đủ mũi đạt 77,5%; tỷ lệ trẻ 15-17 tuổi được tiêm mũi 1 đạt 97,2%; đã triển khai tiêm 20.557 mũi 1 cho trẻ 12-14 tuổi, đạt tỷ lệ 12,4%. Tỉnh phấn đấu đến ngày 31/12/2021, hoàn thành tiêm vaccine đủ mũi cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên thuộc diện phải tiêm.

Thanh Hóa nỗ lực bảo vệ sức khỏe nhân dân, tích cực phát triển kinh tế-xã hội -0
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh ở Thanh Hóa.

Không chỉ làm tốt công tác phòng, chống dịch tại địa bàn; tỉnh đã tăng cường 285 cán bộ, nhân viên y tế thuộc các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn tỉnh cho các tỉnh, thành phố phía nam; đồng thời, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tham gia ủng hộ 17 tỷ đồng và 2.300 tấn hàng hóa, tiếp thêm sức mạnh, hỗ trợ nhân dân các tỉnh, thành phố có dịch vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh, sớm ổn định cuộc sống.

Phóng viên: Cùng với phòng, chống dịch hiệu quả, tỉnh đạt nhiều mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh đặt ra trong năm 2021, đề nghị đồng chí cho biết kết quả và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn địa phương?

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng: Năm 2021, tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là: Có 21/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85%, nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều tăng khá và tăng cao so với cùng kỳ, trong đó thu ngân sách nhà nước đạt trên 32.420 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 5.339 triệu USD.

Thanh Hóa nỗ lực bảo vệ sức khỏe nhân dân, tích cực phát triển kinh tế-xã hội -1
 Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng các thành viên đoàn công tác tham quan mô hình dệt thổ cẩm ở bản Na Hào, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất từ trước đến nay, đến ngày 25/11/2021, giá trị khối lượng thực hiện đạt 7.961 tỷ đồng, bằng 77,8% kế hoạch, giá trị giải ngân đạt 8.211,7 tỷ đồng, bằng 89,1% kế hoạch, đứng thứ hai cả nước. Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa- xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực; Tỉnh đã tổ chức thành công rất tốt đẹp Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; hoàn thành việc quán triệt, triển khai, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; đồng thời, đã chủ động tích cực phối hợp các bộ, ngành chức năng xây dựng, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, mở ra thời cơ, động lực mới cho kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 ở địa phương, chúng tôi rút ra năm bài học kinh nghiệm đó là:

Một là, phải đặc biệt coi trọng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, từ nhận thức đến hành động trong toàn Đảng bộ, trong toàn dân, toàn quân để quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã định.

Hai là, làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá chính xác tình hình, luôn bám sát thực tiễn, trên cơ sở đó chủ động xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản, giải pháp để kịp thời phòng, chống, chủ động ứng phó với những vấn đề phức tạp phát sinh, không để bị động, bất ngờ.

Ba là, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Bốn là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và phân công trách nhiệm cụ thể; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện các mục tiêu đề ra để điều chỉnh, bổ sung giải pháp cho phù hợp. Lấy hiệu quả công việc làm tiêu chí quan trọng để đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ; lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu vươn lên.

Năm là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân người đứng đầu; kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ.

Phóng viên: Dự báo thời gian tới tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Thanh Hóa sẽ có những giải pháp gì để bảo vệ thành quả đạt được và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra?

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng: Có thể khẳng định rằng, những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua là rất quan trọng, tạo đà rất lớn cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tới, với mục tiêu “đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng ở phía bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”, như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã xác định.

Thanh Hóa nỗ lực bảo vệ sức khỏe nhân dân, tích cực phát triển kinh tế-xã hội -0
 Lực lượng chức năng Thanh Hóa kiểm tra, quét mã QR người điều khiển xe cơ giới từ vùng có yếu tố dịch tễ liên quan về huyện Quảng Xương.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Thanh Hóa xác định phải tiếp tục kiên trì, kiên định, kiên quyết thực hiện thành công chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2022 đạt 11,5% trở lên, trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ trên 4 lĩnh vực: Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; cơ cấu lại và sử dụng hiệu quả nguồn lao động.

Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 6 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá, nhanh chóng phát huy hiệu quả, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV. Thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội; giải quyết việc làm cho số lao động trở về từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương.

Tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, đoàn thể và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm; kiên quyết điều chuyển, bố trí lại người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để địa phương, đơn vị trì trệ, mất đoàn kết nội bộ, có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục.

Bước sang năm mới 2022 và chào đón Xuân Nhâm Dần, trong khí thế phấn khởi về những thành tựu đạt được của quê hương, đất nước năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 19 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, tiếp bước truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, cùng nhau xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!