Thái Nguyên tạo động lực phát triển bền vững

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chú trọng phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Nhờ đó đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Một góc thành phố Thái Nguyên. (Ảnh VIỆT HƯƠNG)
Một góc thành phố Thái Nguyên. (Ảnh VIỆT HƯƠNG)

Triển khai thực hiện Nghị quyết  số 33-NQ/TW (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành  chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Đây cũng là mục tiêu, quyết tâm của tỉnh khắc phục tình trạng một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người đối với sự phát triển. 

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Duy Hoàng cho biết, tỉnh tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương an toàn khu cách mạng thông qua tuyên truyền và nhiều hình thức phù hợp từng đối tượng nhằm khơi dậy niềm tự hào và phát huy truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Gắn liền giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. 

Mặt khác, tỉnh coi trọng, chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác kịp thời những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình và một số văn nghệ sĩ của tỉnh trở thành lực lượng nòng cốt định hướng cho văn học, nghệ thuật phát triển lành mạnh, đúng hướng. 

Thực tế ghi nhận, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Thái Nguyên được tổ chức thực hiện với nhiều mô hình, cách làm mới, nội dung phong phú, từ đó nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng, gắn liền  các phong trào thi đua yêu nước. Nổi bật như phong trào xây dựng thôn bản, khu phố văn hóa được quan tâm hướng dẫn gắn kết với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Chương trình xây dựng nông thôn mới làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

Vấn đề nêu trên được tỉnh Thái Nguyên xác định là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xuất phát từ tình hình thực tế ở tỉnh, phát triển văn hóa, con người chưa theo kịp với tăng trưởng, phát triển kinh tế; từ sự xuống cấp về đạo đức, lối sống trong một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên… 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều giải pháp chỉ đạo, trong đó yêu cầu các cấp ủy đưa nội dung xây dựng cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm. Các địa phương, đơn vị cụ thể hóa thông qua nội quy, quy chế, các quy định chuẩn mực về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần giảm thủ tục rườm rà, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. 

Các địa phương, đơn vị coi trọng rèn luyện đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng, nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện trên cơ sở tôn trọng pháp luật, xây dựng thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, kinh doanh có hiệu quả. 

Tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại, tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nâng cao vị thế của tỉnh trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Các địa phương chú trọng tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Việc sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống, làng văn hóa dân tộc được gắn với phát triển du lịch… 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phạm Thái Hanh cho biết, năm 2021, toàn tỉnh Thái Nguyên có 108 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 96,7% số hộ gia đình đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”; có 99,8% số xóm, tổ dân phố đăng ký danh hiệu “Làng, tổ dân phố văn hóa”; 99,6% số đơn vị đăng ký danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”… 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, việc phát huy giá trị văn hóa, con người cho tăng trưởng, phát triển với vị trí, vai trò là trung tâm vùng còn nhiều hạn chế so với tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đầu tư cho phát triển văn hóa, con người chưa tương xứng với đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực xã hội vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong đó có nguyên nhân trình độ tham mưu, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Từ thực tế đó, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành những chủ trương, giải pháp nhằm tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa; tăng nguồn lực của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng, phát triển văn hóa, con người, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phát triển toàn diện và bền vững.