Tạo thế "sâu rễ, bền gốc" ở Quảng Ngãi

Sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở ở Quảng Ngãi tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cán bộ, công chức phường Chánh Lộ (TP Quảng Ngãi) thực hiện nghi thức chào cờ.
Cán bộ, công chức phường Chánh Lộ (TP Quảng Ngãi) thực hiện nghi thức chào cờ.

Hơn bốn năm qua, nghi thức chào cờ đầu tháng luôn được Ðảng bộ, chính quyền phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi duy trì đều đặn, trở thành buổi sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, tạo động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Ðảng bộ phường Chánh Lộ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy phục vụ nhân dân; mạnh dạn quy hoạch, sử dụng cán bộ trẻ.

Trường hợp đồng chí Vương Quang Khánh là minh chứng rõ nét. Từ cán bộ văn hóa thông tin, văn phòng ủy ban, đến khi được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND phường, đồng chí Vương Quang Khánh luôn thể hiện năng lực xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức thực hiện. Ðến tháng 2/2021, đồng chí được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND phường. "Là phường trọng điểm với hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng giao thông, khu dân cư nên dễ phát sinh điểm nóng trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Song, nhờ nắm vững chuyên môn, chính sách pháp luật, kỹ năng vận động, bằng nhiều biện pháp khác nhau, đội ngũ cán bộ cơ sở đã tuyên truyền, đối thoại, cho nên nhiều vụ việc nổi cộm được giải quyết ngay tại cơ sở tạo niềm tin của người dân đối với Ðảng", đồng chí Vương Quang Khánh chia sẻ.

Theo Trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ Thành ủy Quảng Ngãi Võ Thành Vĩnh, sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, được đào tạo, bồi dưỡng và thử thách trong thực tiễn, tâm huyết với công việc là thành tố quan trọng góp phần đưa phường Chánh Lộ, cửa ngõ phía nam của TP Quảng Ngãi, phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, tầm vóc và diện mạo theo hướng đô thị hiện đại, đời sống người dân được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.300 USD/người/năm.

Xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh ngày càng khởi sắc. Ðời sống người dân không ngừng cải thiện, nâng cao về mọi mặt. Có được kết quả đó là nhờ sự chung lòng, chung sức của cán bộ, đảng viên và người dân, trong đó có vai trò của cán bộ trẻ. Tháng 11/2018, đồng chí Bùi Tấn Vĩ, Phó trưởng Ban quản lý dự án Ðầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện, được luân chuyển về xã Tịnh Bình giữ chức Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, đồng chí cùng với tập thể xây dựng mối đoàn kết trong cơ quan và Ðảng bộ, lắng nghe ý kiến nhân dân, quan tâm giải quyết những vấn đề tồn đọng, nổi cộm, xây dựng tác phong làm việc của cán bộ, công chức theo phương châm lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc.

Trong giải quyết đơn thư khiếu kiện, ngoài việc cử cán bộ vững chuyên môn nghiệp vụ, nắm rõ pháp luật bám sát thực tế, lắng nghe từ nhiều phía để hòa giải từ cơ sở, tại cuộc họp hằng tuần, đồng chí Bùi Tấn Vĩ đề nghị các bộ phận chuyên môn lên kế hoạch tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc chậm nhất trong vòng hai tuần. Nhờ đó, số lượng đơn thư ngày càng giảm, số vụ giải quyết tăng lên. Xã chú trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có kỹ năng làm công tác nông thôn mới, chỉ đạo tốt công tác dồn điền đổi thửa, rà soát quản lý quỹ đất công ích đất nông nghiệp.

Kết quả, toàn xã đã huy động gần 61 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp hơn 3,2 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, góp phần quan trọng đưa xã Tịnh Bình về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2020; sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ rất cao 99,95%. Liên tục hai năm (2019 và 2020), chỉ số cải cách hành chính của xã đạt thứ nhì toàn huyện. Năm 2020, Ðảng bộ xã Tịnh Bình được Huyện ủy Sơn Tịnh đánh giá, xếp loại là tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua.

Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh Trương Thị Mỹ Trang cho biết, việc điều động, luân chuyển cán bộ ngày càng tăng về số lượng, đã góp phần đổi mới nhiều mặt cho địa phương, từng bước khắc phục tư tưởng khép kín cục bộ trong mỗi địa phương, đơn vị. Ðưa cán bộ trẻ về cơ sở rèn luyện, lợi ích được nhân đôi. Thứ nhất, bản thân cán bộ luân chuyển phát huy tốt năng lực chuyên môn, được rèn luyện, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong quản lý, xử lý tình huống phát sinh từ thực tiễn, tạo nguồn phát triển cán bộ lãnh đạo kế cận. Thứ hai, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ trẻ là cú huých quan trọng giúp đỡ cơ sở chấn chỉnh tổ chức, xây dựng phong trào, đồng thời bồi dưỡng cán bộ cơ sở trưởng thành.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lữ Ngọc Bình, công tác quy hoạch, luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt luôn được Ban Thường vụ các cấp ủy quan tâm và triển khai đồng bộ gắn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ. Nhờ đó, chất lượng cán bộ, tỷ lệ cán bộ trẻ, dân tộc, độ tuổi bình quân của quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 tốt hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước. Ðến nay, toàn tỉnh có 11 trong số 13 bí thư cấp ủy cấp huyện và 116 trong số 173 xã, phường, thị trấn chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND không là người địa phương ■

Bài và ảnh: Hiển Cừ