Tam Dương tạo đà phát triển từ lòng dân

24 năm kể từ khi tách lập huyện (năm 1998) tới nay, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) đã có bước tiến ngoạn mục; từ huyện thuần nông nghèo khó thành huyện công nghiệp trên đà phát triển. Cơ cấu giá trị sản xuất kinh tế của huyện năm 2021 thể hiện rõ: Công nghiệp-xây dựng chiếm 52,43%; nông-lâm-thủy sản chiếm 27,04%; thương mại-dịch vụ 20,54%.

Mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc của anh Nguyễn Văn Tùng (xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) cho thu lãi mỗi năm hơn 300 triệu đồng. (Ảnh KHÁNH LINH)
Mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc của anh Nguyễn Văn Tùng (xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) cho thu lãi mỗi năm hơn 300 triệu đồng. (Ảnh KHÁNH LINH)

Phương cách lãnh đạo tạo nên ý chí nhân dân

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Quang cho hay: Tam Dương thuộc địa hình trung du cằn cỗi, nằm lọt vào vùng trung tâm của tỉnh. Tổng diện tích tự nhiên 107,13km2; dân số xấp xỉ 115.000 người; với 13 đơn vị hành chính cấp xã và thị trấn. Huyện có hệ thống các quốc lộ, tỉnh lộ, cao tốc, đường sắt chạy qua rất thuận cho giao lưu kinh tế; đồng thời là địa bàn giáp ranh với tỉnh lỵ, liền kề nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng... Lợi thế này giúp huyện sớm hình thành các vùng kinh tế trọng điểm về nông nghiệp, công nghiệp để sớm trở thành huyện công nghiệp. 

Ngoài việc duy trì, phát triển các ngành công nghiệp sẵn có như sản xuất gạch, may mặc, giày dép... với các cụm công nghiệp đang hoạt động như Vân Hội, Kim Long, huyện đã đề xuất và được tỉnh cho phép điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển định hướng tới năm 2030 đối với các cụm công nghiệp Duy Phiên, Hướng Đạo, Hoàng Đan, nhằm khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương. Nhiều cụm công nghiệp mới được hình thành như: Cụm công nghiệp Hoàng Lâu đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng. Cụm công nghiệp Hợp Thịnh đã đạt 80% các bước thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường... Trong khi đó, các xã vùng đồi gò tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả có hiệu quả khá cao...

Nói về hướng phát triển của địa phương, Bí thư Nguyễn Thanh Quang sôi nổi chia sẻ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; về các giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu xây dựng huyện phát triển toàn diện, bền vững để trở thành huyện công nghiệp vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (1930-2030)... 

Giọng chậm chắc, ông nói: Chủ trương đúng, nhưng thực hiện là cả một quá trình. Mạnh dạn thay đổi tư duy, thay đổi phong cách lãnh đạo để sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng và phát triển công nghiệp rồi đầu tư trở lại cho nông nghiệp ngay trên địa bàn và giúp mọi người nhìn nhận ra phương hướng phát triển, bắt tay vào làm là cả một trời gian khó. Bởi vậy, chúng tôi rất coi trọng công tác chỉnh huấn cán bộ, chỉnh đốn chi bộ, chỉnh đốn tư tưởng và chỉnh đốn tổ chức, như Bác Hồ từng dạy. 

Để thực hiện các việc khó như giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các cụm công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn mới... mà không xảy ra sự vụ nào ầm ĩ, cái chính là đảng viên từ trên xuống dưới biết dân vận khéo, biết nhân lên những cái tốt, cái hay và luôn gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo. 

Cùng đó, chúng tôi rất coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đảng viên; giao các tổ công tác dự sinh hoạt với cấp ủy, dự sinh hoạt định kỳ với các chi bộ trực thuộc; quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên thông qua sinh hoạt chuyên đề và hệ thống báo cáo viên cấp huyện. Nhờ đó, cán bộ, đảng viên có hiểu biết, cập nhật thông tin mới và tích cực tuyên truyền, phổ biến, giúp ổn định tình hình nên nhân dân luôn tin yêu Đảng, tin tưởng chính quyền. 

Cán bộ, đảng viên luôn là tấm gương sáng

Tam Dương đang tiến hành tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo phương cách mô hình, điển hình; giao một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cho các cơ quan, đơn vị, các đảng ủy trực thuộc. Năm 2021, huyện ký cam kết xây dựng 13 mô hình và một điển hình cá nhân, nhằm nâng cao trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... Kết quả đạt được rất thiết thực. 

Ví như mô hình “Xây dựng chính quyền thân thiện, công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” của Đảng ủy xã Duy Phiên với các nội dung: Xây dựng các bảng khẩu hiệu, các mẫu thư và phiếu khảo sát; thực hiện tốt “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn) và “3 thể hiện”: Tôn trọng (trong khi giao tiếp); văn minh (trong giải quyết công việc); gần gũi (không quan cách, trịch thượng). Mô hình “Dân vận khéo trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng” của Ban dân vận Huyện ủy. Mô hình “Giữ gìn nét đẹp văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở thôn 2, xã Hoàng Hoa” của Chi bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện. 

Mô hình “Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” ở Công ty TNHH Trung Kiên của Đảng bộ thị trấn Hợp Hòa... Và điển hình “Nữ Chủ nhiệm HTX làm kinh tế giỏi do học tập và làm theo gương Bác Hồ” (bà Nguyễn Thị Bổng ở thôn 7, xã Hướng Đạo) của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện... Qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu thể hiện rõ. 

Về xã Vân Hội, chúng tôi say mê với cảnh quan, môi trường trong lành, xanh, sạch, đẹp. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã, giãi bày: Đó là kết quả nêu gương của gần 250 đảng viên thuộc Đảng bộ xã cộng với công sức và ý thức của nhân dân quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. 

Đảng ủy xã cũng đã chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ban quản lý và các tiểu ban; xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai rà soát tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tuyên truyền vận động nhân dân thường xuyên chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, vệ sinh đường làng, ngõ xóm mỗi tuần một lần; đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các hạng mục công trình về hạ tầng kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, điện chiếu sáng. Mới đây, 158 hộ gia đình đảng viên, quần chúng đã hiến hơn 3.100m2 đất để làm đường giao thông nội đồng, từng bước hoàn thiện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...

Tới thăm xã Hoàng Lâu, bà Phạm Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã sôi nổi nói với chúng tôi về tiềm năng, lợi thế của địa phương, về vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh về kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Để xây dựng cảnh quan, môi trường, xã Hoàng Lâu đã, đang thực hiện mỗi thôn hai tuyến đường “Sáng-xanh-sạch-đẹp-văn minh”. 

Quá trình thực hiện các nghị quyết của Đảng, xã Hoàng Lâu luôn tìm mọi cách để vận dụng sát thực tế địa phương; khi xây dựng kế hoạch, giao việc cho tổ chức, cá nhân, luôn xác định rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ hiệu quả. Đây cũng là tiêu chí để kiểm tra, giám sát trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, là căn cứ để đánh giá, xếp loại... Qua đó, tính gương mẫu của đảng viên được đề cao, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng được xác lập rõ.