Sơn La tăng cường thu hút đầu tư phát triển bền vững

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La luôn đồng lòng, chung sức phát huy nội lực, khơi dậy lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương để thu hút các nguồn lực đầu tư, xây dựng Sơn La phát triển nhanh, bền vững. Đồng chí NGUYỄN HỮU ĐÔNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Sơn La có cuộc trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân về nội dung này.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông (bên trái, hàng ngồi) cùng đoàn công tác của tỉnh Sơn La kiểm tra việc trồng cây sâm Ngọc Linh tại bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông (bên trái, hàng ngồi) cùng đoàn công tác của tỉnh Sơn La kiểm tra việc trồng cây sâm Ngọc Linh tại bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật của tỉnh Sơn La sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021-2025?

Đồng chí NGUYỄN HỮU ĐÔNG: Từ giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hút đầu tư và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư chưa cao; thiếu các dự án quy mô lớn có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế của vùng, địa phương; chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Thực hiện một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/1/2021 về định hướng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tổng quát là: "Huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu ngân sách, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định xã hội, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh, bền vững" và các mục tiêu cụ thể cùng sáu nhóm nhiệm vụ, chín nhóm giải pháp trọng tâm. Tỉnh đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng lớn và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, trong đó nêu rõ lộ trình và đầu mối thực hiện; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sau hơn một năm triển khai, kết quả nổi bật được ghi nhận như: Công tác quy hoạch, kế hoạch làm cơ sở triển khai nhiệm vụ thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực, theo địa bàn và theo phân vùng phát triển kinh tế của tỉnh. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết hiện đạt 34,7% trên diện tích quy hoạch chung đô thị được duyệt. Các đơn vị đang tăng cường công tác lập quy hoạch chi tiết đô thị, nâng cao tỷ lệ phủ kín các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng để thu hút và triển khai các dự án khu đô thị tại trung tâm các huyện, thành phố.

Cùng với thực hiện tốt các chính sách ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ theo hướng thu hút đầu tư có trọng tâm, xác định rõ địa bàn, lĩnh vực sản phẩm ưu tiên của tỉnh, như: Phát triển khu, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu vực phát triển du lịch trọng điểm, chế biến sâu các sản phẩm nông sản, phát triển chợ đầu mối và xử lý chất thải, rác thải. Tỉnh thành lập bảy tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng để định hướng, chỉ đạo, nắm bắt tiến độ; tăng cường gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp họ nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hồ sơ đầu tư, thực hiện dự án.

Năm 2021, toàn tỉnh có 463 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc thành lập mới với số vốn 3.931 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh hiện nay là 3.115 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 86.279 tỷ đồng; thành lập mới 118 hợp tác xã, nâng tổng số hiện có là 784 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đóng góp đáng kể vào thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Cũng trong năm qua, tỉnh phê duyệt, cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 30 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu là 4.952 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án lớn như: Tổ hợp Trang trại sinh thái và trang trại bò sữa Công nghệ cao Mộc Châu (Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu); Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La (Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao), Dự án Nhà máy xử lý môi trường huyện Mộc Châu (Công ty cổ phần môi trường đô thị và xây dựng tỉnh Điện Biên), Dự án Nhà máy nước Chiềng Dong (Công ty cổ phần cấp nước Sơn La),... Hiện nay, các đơn vị chức năng chủ động hỗ trợ hoàn thiện thủ tục để triển khai một số dự án lớn, như: Dự án nhà máy chế biến sữa tại Mộc Châu của Công ty cổ phần sữa Mộc Châu; Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến sản phẩm tại Khu công nghiệp Mai Sơn của Tập đoàn Mavil; Dự án nhà máy chế biến sâu quặng Nikel tại cụm công nghiệp Gia Phù, huyện Phù Yên của Công ty Blackstone Minerals Limited,...

Phóng viên: Để đạt mục tiêu huy động khoảng 120.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 và nâng cao chất lượng các dự án, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh, bền vững, tỉnh cần tập trung thực hiện những giải pháp nào, thưa đồng chí?

Đồng chí NGUYỄN HỮU ĐÔNG: Tỉnh tập trung thực hiện tám nhóm nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp. Thứ nhất là, xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất,...) theo hướng đồng bộ, thống nhất, liên kết, bảo đảm phát huy, sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế và nguồn lực của tỉnh, gắn với tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hai là, tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, hình thành cơ cấu đầu tư công hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của các dự án đầu tư công trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân thanh toán, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững; làm tốt công tác thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La; năng lượng điện mặt trời, điện gió; phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển các khu đô thị…

Ba là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và bình đẳng, cải thiện mạnh mẽ các chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính.

Bốn là, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm. Tập trung đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu; hoàn thành tuyến tránh quốc lộ 6, đoạn qua thành phố Sơn La; cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản và cải tạo nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống đường huyện, xã. Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp và Khu công nghiệp Mai Sơn; hình thành và phát triển khu công nghiệp Vân Hồ.

Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư vào Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, phấn đấu đến năm 2025 được công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa gắn với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bản sắc và các giá trị văn hóa tốt đẹp. Định hướng xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia để tạo điểm nhấn, động lực phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.

Sáu là, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hàm lượng khoa học-công nghệ, trí tuệ và giá trị gia tăng của sản phẩm. Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học thân thiện môi trường; công nghiệp chế biến sâu đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản và dược liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp dệt may, da giày ưu tiên phát triển ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Bảy là, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tập trung; khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là ở vùng cao; đối với ngành trồng trọt, tăng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu,… giảm diện tích cây trồng hằng năm kém hiệu quả. Xây dựng và hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Tám là, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tạo thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; củng cố, nâng cao năng lực hoạt động cho các hợp tác xã hiện có, hỗ trợ các hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !