Phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Kết nạp những người dân tộc thiểu số ưu tú vào Đảng không chỉ là nhiệm vụ chính trị nhằm phát huy vai trò nòng cốt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các đảng bộ, tổ chức cơ sở Đảng ở các tỉnh Tây Nguyên mà còn qua đó xây dựng nên những cán bộ-đảng viên trở thành “hạt nhân” chính trị góp phần đưa các nghị quyết, đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước đến với người dân.

Các đại biểu là đảng viên người dân tộc thiểu số dự Đại hội Đảng bộ huyện Mang Yang (Gia Lai) nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh ĐỨC THỤY)
Các đại biểu là đảng viên người dân tộc thiểu số dự Đại hội Đảng bộ huyện Mang Yang (Gia Lai) nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh ĐỨC THỤY)

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên, trong nhiệm kỳ 2015-2020 số lượng đảng viên là người dân tộc thiểu số luôn tăng theo từng năm: Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, tính đến cuối năm 2021 đã kết nạp 14.218 đảng viên người dân tộc thiểu số; Đảng bộ tỉnh Gia Lai kết nạp gần 15.927 đảng viên (chiếm 25,5%); Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, tính đến tháng 4/2021, có hơn 11.000 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm gần 11%); Kon Tum có 9.252 đảng viên (chiếm 31,11%); Đắk Nông có 4.195 đảng viên (chiếm 35%). Nhờ làm tốt công tác phát triển đảng viên nói chung, đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng, đến nay tất cả thôn, buôn, tổ dân phố ở các tỉnh Tây Nguyên đều có chi bộ và có đảng viên là người tại chỗ, đạt tỷ lệ 99,91%.

Sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền

Qua trao đổi với lãnh đạo các địa phương ở Tây Nguyên, có thể rút ra một số vấn đề: Cấp ủy các địa phương đều xác định tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, các đảng bộ, chi bộ đều xây dựng và đưa vào nghị quyết nhiệm vụ phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số; đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức cơ sở đảng, đưa việc phát triển đảng viên là một trong những tiêu chí thi đua và xét duyệt đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh hằng năm; các đảng bộ phân công các đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành theo dõi, phụ trách địa bàn, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức cơ sở đảng thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, Trần Đình Văn đánh giá: Trong những năm qua, hoạt động các tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và các đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng thể hiện rõ vai trò là hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, tập hợp quần chúng ở cơ sở. Các đảng viên thường xuyên bám sát địa bàn, nắm rõ tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để có biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc ngay từ khi mới phát sinh.

Chia sẻ kinh nghiệm ở Đắk Lắk, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, Nguyễn Hải Đông cho biết: Thuận lợi trong công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk là 100% thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có chi bộ. Công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, góp phần thay đổi cơ cấu đảng viên, nâng cao sức mạnh, sự đoàn kết của các dân tộc; phát huy vai trò của lực lượng cốt cán người dân tộc thiểu số trong công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ vấn đề này, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum, Châu Văn Hiệp cho biết, Đảng bộ tỉnh Kon Tum thường xuyên chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng kiên quyết khắc phục tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng, nhờ vậy, chất lượng đảng viên mới kết nạp là người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, đa số đảng viên có trình độ học vấn là trung học phổ thông, tỷ lệ đảng viên được đào tạo về chuyên môn ngày càng tăng, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu “xóa” thôn, làng chưa có đảng viên và chưa có tổ chức Đảng...

Xứng đáng là “hạt nhân” chính trị ở cơ sở

Theo ghi nhận của các địa phương ở Tây Nguyên, các đảng viên người dân tộc thiểu số được kết nạp vào Đảng là người tại chỗ, trưởng thành từ các phong trào ở cơ sở nên sâu sát thực tế, gần gũi, gắn bó, hiểu rõ tâm tư của bà con, vì vậy khi được tổ chức tin tưởng giao phó, thì các đảng viên đã phát huy được tính gương mẫu đi đầu, đóng góp thiết thực vào các hoạt động của xã, thôn, buôn.

Đảng viên trẻ H’Junh Aliô, hiện là Bí thư Chi đoàn buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Năm 2019, khi đang là sinh viên năm cuối Trường đại học Tây Nguyên thì H’Junh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Bí thư Đảng ủy xã Êa Nuôl Lê Văn Quyết đánh giá: Đồng chí H’Junh Aliô là đảng viên trẻ, có trình độ, năng nổ và nhiệt huyết. Địa bàn xã Êa Nuôl nằm giáp ranh với thành phố Buôn Ma Thuột, các loại tội phạm thường lợi dụng địa bàn giáp ranh để lẩn trốn và hoạt động gây mất ổn định về an ninh trật tự. H’Junh cùng với các đảng viên trong chi bộ thường xuyên bám địa bàn tuyên truyền, vận động bà con và thanh niên nâng cao cảnh giác, tham gia cùng các lực lượng theo dõi, tố giác với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, nhờ vậy an ninh trật tự được giữ vững; bà con yên tâm lao động sản xuất, cùng chung tay xây dựng cuộc sống buôn làng ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Điểu Trí ở bon Bu Nung, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) trưởng thành trong môi trường quân đội. Sau khi xuất ngũ, Điểu Trí được tín nhiệm bầu giữ nhiều vị trí như: Bí thư Đoàn bon Bu Nung, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã, rồi Bon trưởng và nhiều khóa liền là đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Ngoài công tác xã hội, Điểu Trí còn là người tiên phong trong việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất khi xây dựng thành công mô hình đa canh trồng xen cà-phê và cây mắc-ca, được bà con ở bon học tập làm theo và trở thành tấm gương sáng không chỉ trong lớp trẻ mà của cả cộng đồng. Những đóng góp của Điểu Trí là rất tích cực, nhưng vì mới học hết lớp 5, không đáp ứng điều kiện, tiêu chí về trình độ văn hóa, gia đình lại sinh con thứ ba nên không đủ tiêu chuẩn để được kết nạp đảng.

Vấn đề của Điểu Trí sau đó được Huyện ủy Tuy Đức báo cáo, đề xuất với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông, Ban Tổ chức Trung ương xem xét và năm 2021, Điểu Trí chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Điểu Trí vui mừng chia sẻ: Phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng là lý tưởng và mục tiêu không chỉ của riêng bản thân, đây còn là nguyện vọng và ý chí của nhiều thế hệ người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. “Mình được Đảng ghi nhận, được đứng vào hàng ngũ của Đảng mình rất tự hào và sẽ tiếp tục cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, góp phần cùng với đảng bộ, chính quyền địa phương, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp”, Điểu Trí nói.

Đồng chí A Cu được kết nạp đảng vào năm 2016 và hiện là Chi ủy viên, Trưởng thôn Đăk Ga, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei (Kon Tum). Đánh giá về A Cu, Bí thư xã A Nang cho biết, là đảng viên, lại được tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn, đồng chí A Cu rất tích cực trong việc vận động bà con thay đổi nhận thức, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, đồng chí A Cu cũng rất chăm lo công tác phát triển đảng viên trên địa bàn, trong năm qua đã bồi dưỡng kết nạp vào Đảng 2 đảng viên mới.

Tuy nhiên, theo phản ánh của Ban Tổ chức Tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên, công tác tạo nguồn, phát hiện và bồi dưỡng để kết nạp vào đảng những thanh niên là người dân tộc thiểu số cũng gặp không ít khó khăn. Số lượng đảng viên là người dân tộc thiểu số còn thấp. Đáng nói hơn, việc kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số hằng năm ở các tỉnh Tây Nguyên có xu hướng giảm mà những vướng mắc thường là quần chúng có trình độ học vấn thấp, một số còn vi phạm về kế hoạch hóa gia đình; lực lượng đoàn viên, thanh niên trong các buôn, làng phần lớn đi học và làm ăn xa không có điều kiện để theo dõi, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển; một số bị tác động mặt trái của xã hội nên động lực phấn đấu bị “triệt tiêu”... Đây là những vấn đề các cấp ủy đảng cần quan tâm để có giải pháp phù hợp

Từ thực tế nêu trên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng, Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, để làm tốt công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số, các cấp ủy Đảng cần đổi mới, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú; trong thời gian tới cần xây dựng các đề án ưu tiên về đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ là người dân tộc thiểu số trong bộ máy quản lý nhằm tạo nguồn, tạo niềm tin, ý chí phấn đấu và cống hiến cho các đảng viên, nhất là đảng viên trẻ.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, một số cán bộ là người dân tộc thiểu số hiện nay đang làm việc trong bộ máy chính quyền của các tỉnh Tây Nguyên, có tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết cống hiến, nhưng do không đáp ứng một số tiêu chí theo quy định nên đã không thể phát triển đảng được. Thiết nghĩ, rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm tạo điều kiện để nhiều quần chúng ưu tú là người dân tộc thiểu số phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bởi, đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài những khó khăn về mặt kinh tế, thì những vấn đề thuộc về văn hóa, phong tục, tập quán, thậm chí cả những hủ tục... đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào, cho nên cần những người am hiểu, nắm vững địa bàn để làm công tác tuyên truyền, vận động, mà đảm nhận công tác này thì không ai có thể hiệu quả bằng những cán bộ, đảng viên vốn được sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ các buôn, làng.