Phát triển đảng ở khu vực đặc thù, khó khăn

(Tiếp theo kỳ trước) (★)

Bài 2: Bổ sung nguồn lực vững chắc cho Ðảng

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Ðảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt". Quán triệt tư tưởng này, Ðại hội XIII của Ðảng xác định: "Ðẩy mạnh phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng đảng viên ở miền núi, biên giới, hải đảo theo phương châm "Ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên". Ðây là chủ trương lớn nhằm tạo thế "sâu rễ, bền gốc", bổ sung nguồn lực vững chắc cho Ðảng tại địa bàn khó khăn, đặc thù, xung yếu.

Cán bộ công an làm căn cước công dân cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã biên giới thuộc huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Cán bộ công an làm căn cước công dân cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã biên giới thuộc huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Triển khai nhiệm vụ quan trọng này, cấp ủy các cấp đang phát huy những kết quả đạt được, xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phát triển đảng, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nâng cao chất lượng công tác này ở những khu vực khó khăn, đặc thù.

Kết quả đạt cao nhưng chưa bền vững

Nhờ nỗ lực của các cấp ủy đảng, thời gian qua công tác kết nạp đảng viên khu vực đặc thù, khó khăn đạt nhiều kết quả tích cực. Tình trạng thôn, bản chưa có tổ chức đảng, đảng viên cơ bản được khắc phục; góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng ở những địa bàn biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Tuy nhiên, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng cũng nhận định: năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, nhất là việc tổ chức thực hiện nghị quyết và khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Nguyên nhân do công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên ở nhiều nơi chưa thật sự bền vững.

Năm 2016, toàn tỉnh Nghệ An kết nạp được 1.014 đảng viên người dân tộc thiểu số, đến năm 2020 chỉ kết nạp được 540 đảng viên người dân tộc thiểu số. Về đảng viên là người có đạo, số lượng kết nạp mới có tăng nhưng ít và không đều. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh kết nạp được 68 đảng viên; trong đó năm 2016 kết nạp được 11 đảng viên mới, các năm sau đó lần lượt là 20, 18, 13 và 6 đảng viên. Vẫn còn địa phương trong tỉnh nhiều năm không kết nạp được đảng viên là người có đạo.

Tỉnh Thanh Hóa cũng gặp những khó khăn tương tự. Theo đồng chí Giàng A Chống, Bí thư, Trưởng bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, nguyên nhân là do sự thiếu bền vững về nguồn phát triển đảng viên. Năm qua, Chi bộ giới thiệu hai quần chúng theo học lớp bồi dưỡng kiến thức về Ðảng nhưng sau đó cả hai đều đi làm ăn xa. Chi ủy cũng chưa phát triển được đảng viên nào trong đồng bào có đạo (vốn chiếm khoảng 60% tổng số hộ trong bản). Do vậy, công tác lãnh đạo phát triển trồng trọt, nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc gặp khó khăn. Thu nhập của người dân thấp, còn nhiều hộ nghèo, cơ sở vật chất hạ tầng kém, các công trình phúc lợi công cộng nghèo nàn. Vì vậy bản chưa thể hoàn thành 14 tiêu chí nông thôn mới.

Qua kiểm tra, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát Triệu Minh Xiết nhận định: Một số thành viên ban chỉ đạo cấp huyện, xã còn xao lãng việc kiểm tra, dự sinh hoạt, nắm tình hình hoạt động của chi bộ cơ sở, cũng như tư tưởng, đời sống của đảng viên, nhân dân. Việc đào tạo, bồi dưỡng đảng viên chưa bảo đảm kế hoạch đề ra; công tác quản lý đảng viên ở một số chi bộ chưa sát sao; công tác tuyên truyền, vận động thiếu chiều sâu; việc theo dõi, bồi dưỡng quần chúng, đoàn viên, thanh niên ít được quan tâm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tăng cường về sinh hoạt tại các chi bộ bản chưa nắm vững nghiệp vụ, còn lúng túng trong công tác xây dựng Ðảng, nhất là thực hiện thủ tục hồ sơ kết nạp, chuyển đảng viên chính thức. Ngoài nguyên nhân khách quan, thì đây là những lý do khiến chất lượng hoạt động của chi ủy, chi bộ còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, nhất là kết quả xây dựng nông thôn mới còn chưa được như mong muốn. Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện mới có gần 20 bản đạt chuẩn, bình quân mỗi xã đạt 7,12 tiêu chí nông thôn mới.

Bảo đảm triển khai đồng bộ các giải pháp

Ðể khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đảng khu vực đặc thù, khó khăn, Bí thư Huyện ủy Mường Lát (Thanh Hóa) Hà Văn Ca trao đổi: Ban chỉ đạo huyện hiện tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ đảng, các tổ chức đoàn thể ở các bản. Các đồng chí trong Ban thường vụ, Ban chấp hành đảng bộ huyện, xã, các đảng viên phụ trách địa bàn tiếp tục hướng hoạt động về cơ sở; nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ theo hướng gắn với giải quyết các vấn đề đang đặt ra ở thôn, bản như phát triển kinh tế hộ, khơi dậy vai trò chủ thể, chủ động của người dân trong xây dựng thôn nông thôn mới, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng…

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Viết Hưng, sau 5 năm thực hiện Ðề án số 01, Tỉnh ủy rút ra bài học kinh nghiệm là cấp ủy phải có quyết tâm chính trị cao, đồng thời có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị các cấp trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhất là ở cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần lựa chọn được những người có năng lực, uy tín, nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm, am hiểu phong tục, tập quán, địa bàn, có kinh nghiệm trong công tác vận động, thuyết phục quần chúng…

Ðối với các cấp ủy cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu (Nghệ An) Lê Xuân Kiên cho rằng, Ðảng ủy các xã, thị trấn phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm và cả nhiệm kỳ cho từng chi bộ, đoàn thể liên quan; phân định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân phụ trách và tính điểm thi đua cuối năm. Bên cạnh việc quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, từng địa phương cần tiến hành rà soát, lập danh sách, tổ chức phân công cán bộ, đảng viên, người có uy tín hướng dẫn, bồi dưỡng từng cá nhân ưu tú để tạo nguồn kết nạp đảng…

Thực tế từ Hà Tĩnh cho thấy, công tác phát triển đảng, trong đó gồm đảng viên là người có đạo và xây dựng nhân vật cốt cán vùng giáo vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể như nhiều quần chúng chưa tích cực tham gia các hoạt động xã hội; ở một số vùng có tỷ lệ người dân theo đạo cao, nhiều chức sắc, chức việc chưa tạo điều kiện cho giáo dân tham gia các hoạt động xã hội, phấn đấu vào Ðảng. Ðồng chí Võ Hồng Hải, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, các cấp ủy đảng cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong tạo nguồn và giữ nguồn đảng viên; có sự quan tâm cụ thể giúp quần chúng ưu tú là người có đạo sớm được kết nạp vào Ðảng, phát huy tốt vai trò cá nhân là cầu nối tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào tôn giáo thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Cần xây dựng mối quan hệ linh hoạt, hài hòa, bền chặt, tin cậy giữa cấp ủy, chính quyền với các chức sắc, chức việc trên địa bàn, tạo sự đoàn kết, đồng thuận để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và giúp đảng viên, cốt cán vùng giáo có điều kiện cống hiến, phát triển.

Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Ðảng, phát triển đảng trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo là nhiệm vụ khó không những đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của cấp ủy, đảng viên mà cần triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài. Ðối với khu vực biên giới, việc tăng cường đảng viên hay phân công sĩ quan biên phòng về làm lãnh đạo cấp ủy chỉ là biện pháp tạm thời; về lâu dài phải là nguồn lực tự thân của các địa phương. Vì vậy, con em đồng bào dân tộc thiểu số phải được đào tạo bài bản để tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện, kết nạp đảng và làm nòng cốt tại cơ sở.

Thời gian qua, Ðảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào khu vực đặc thù, khó khăn. Trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền là vận dụng hiệu quả các chính sách, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân. Ðó là cách tốt nhất giữ chân các bạn trẻ, quần chúng ưu tú ở lại cùng tổ chức đảng, chính quyền chung tay xây dựng quê hương.

Thống nhất với quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Ðức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Ðảng, Ban Tổ chức Trung ương góp ý thêm: Ðội ngũ đảng viên là đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo đóng vai trò rất quan trọng trong triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ðảng. Vì vậy, các cấp ủy không nên chạy theo số lượng mà bỏ qua, xem nhẹ các tiêu chuẩn, quy trình kết nạp đảng viên; đồng thời cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, rà soát sàng lọc đảng viên, kiên quyết, kịp thời đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Ðảng, nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng tại những địa bàn khó khăn, đặc thù ■
----------------------
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26/10/2021.

Châu Toán và Luận Tuấn