Phát triển Ðảng trong thanh niên nông thôn ở Hà Nam còn nhiều bất cập, vì sao?

NDO -

Làm thế nào để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong thanh niên nông thôn? Ðây luôn là điều trăn trở của các cấp ủy Ðảng và tổ chức đoàn thanh niên tỉnh Hà Nam trước chiều hướng số lượng đoàn viên thanh niên trong các chi đoàn nông thôn được kết nạp Ðảng ngày một giảm.

Ðảng viên trẻ Trần Ngọc Vụ, xã Nguyên Lý (huyện Lý Nhân) giới thiệu cho các đoàn viên, thanh niên về xưởng cơ khí do anh làm chủ.
Ðảng viên trẻ Trần Ngọc Vụ, xã Nguyên Lý (huyện Lý Nhân) giới thiệu cho các đoàn viên, thanh niên về xưởng cơ khí do anh làm chủ.

Theo số liệu thống kê từ Tỉnh đoàn Hà Nam, trong năm năm trở lại đây, công tác phát triển đảng viên trẻ từ lực lượng đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) trên địa bàn toàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Thể hiện qua các con số được tập hợp thì số lượng đảng viên được kết nạp năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2007 toàn tỉnh có 792 trong tổng số 3.120 đoàn viên ưu tú được kết nạp Ðảng; đến năm  2012, con số này tăng lên 938 trong tổng số bốn nghìn đoàn viên ưu tú được kết nạp Ðảng. Kết quả này cho thấy vai trò của tổ chức đoàn trong công tác xây dựng Ðảng nói chung và công tác phát triển đảng viên nói riêng được quan tâm, lực lượng đoàn viên ưu tú, nguồn đối tượng phát triển Ðảng ngày càng dồi dào. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là bình quân qua các năm, chỉ gần 25% trong tổng số đoàn viên ưu tú trở thành đảng viên. Trong đó, số đảng viên trẻ ở các chi bộ nông thôn chỉ chiếm khoảng hơn 10% trên tổng số đảng viên mới ở lứa tuổi thanh niên.

Mới đây, chúng tôi có dịp dự buổi sinh hoạt chi bộ thôn Bến, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm. Cả chi bộ 17 đảng viên, chỉ có duy nhất một đảng viên trẻ là Nguyễn Ðình Tài, năm nay 25 tuổi, nhưng cũng không phải do chi bộ bồi dưỡng kết nạp mà là chuyển về từ quân ngũ. Hiện tại, Tài đang làm việc tại một công ty tư nhân ở Hà Nội, nhưng do công việc chưa ổn định nên không thể chuyển sinh hoạt đảng mà vẫn sinh hoạt ở địa phương. Sinh hoạt đảng tại địa phương, được giao nhiệm vụ Bí thư chi đoàn thôn, nhưng  chỉ có dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán Tài có mặt tại địa phương với vai trò Bí thư chi đoàn để tổ chức các hoạt động của Ðoàn thanh niên. Còn lại hầu hết các công việc của chi bộ cũng như những buổi sinh hoạt thường kỳ chi bộ cũng linh động cho Tài vắng mặt vì lý do công việc.

Những năm gần đây, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều kiện sinh hoạt và tâm lý khoa cử đã tác động nhiều mặt đến thanh niên và hoạt động đoàn ở khu vực nông thôn. Bí thư Ðoàn huyện Thanh Liêm Ðỗ Thành Trung cho biết: Trừ một số thanh niên có điều kiện vào đại học, các trường chuyên nghiệp và nhập ngũ, số thanh niên ở lại địa phương sản xuất mỗi năm không nhiều, trong đó không ít người chưa học hết chương trình THPT. Nếu được tổ chức đoàn phân công nhiệm vụ cụ thể thì số đông hăng hái tham gia. Tuy nhiên, yêu cầu phát triển lớp đảng viên Hồ Chí Minh phải có trình độ học vấn THPT trở lên, nên số lượng thanh niên chưa học hết THPT rất khó có điều kiện phát triển. Ðây là một trong những yếu tố làm cho số lượng thanh niên được kết nạp tại địa phương trong nhiều năm trở lại đây giảm. Thực tế ở Thanh Liêm cũng như nhiều địa phương khác ở tỉnh Hà Nam hiện nay, phần đông thanh niên học hết THPT đều muốn thoát ly nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu của họ là vào học đại học, hoặc các trường chuyên nghiệp, dạy nghề. Sau khi học xong họ cũng cố gắng tìm việc nơi thành phố, không muốn về quê. Ðể tập hợp được thanh niên khu vực nông thôn phải có sự vào cuộc thật sự của cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là tổ chức đoàn ở nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề này tại nhiều xã, phường ở Hà Nam còn yếu, phong trào đoàn không mạnh, không thu hút, tập hợp được thanh niên tham gia.

Ðánh giá về công tác phát triển Ðảng trong thanh niên nông thôn, đồng chí Lê Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam nhìn nhận: Những hạn chế về số lượng cũng như chất lượng của đảng viên trẻ ở khu vực nông nghiệp, nông thôn cho thấy một số cấp ủy Ðảng cơ sở còn chưa thật sự quan tâm công tác đoàn và phong trào thanh niên. Hệ thống chính trị từ huyện đến xã chưa có những giải pháp mang tính đột phá tạo việc làm, tăng thu nhập giúp thanh niên yên tâm lập thân, lập nghiệp ngay tại quê hương. Các cấp bộ đoàn cũng chưa thể hiện rõ vai trò của mình trong tập hợp, giáo dục thanh niên bằng các phương thức hiệu quả nên hoạt động hạn chế cả bề rộng lẫn chiều sâu. Do đó, công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng Ðảng là ÐVTN chưa chuyển biến, có tình trạng giới thiệu đoàn viên ưu tú xong coi là hết trách nhiệm.

Thực tế cho thấy, để phát triển Ðảng trong ÐVTN trước hết phải có sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm từ hai phía: Tổ chức cơ sở Ðảng (trực tiếp là các chi bộ); tổ chức cơ sở đoàn và bản thân mỗi ÐVTN. Cần thấy rằng là sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Ðảng; chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn và ý thức tự giác của mỗi ÐVTN là những yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả công tác phát triển Ðảng trong thanh niên, nhất là thanh niên trực tiếp lao động, sản xuất ở khu vực nông thôn. Ngoài nội dung tổng thể kết hợp chặt chẽ ba mặt công tác: Giáo dục, tổ chức và phong trào hành động của thanh niên để ngày càng có nhiều ÐVTN nông thôn được đứng trong hàng ngũ của Ðảng, tổ chức cơ sở Ðảng và tổ chức cơ sở đoàn cần coi trọng giúp đảng viên trẻ có cơ hội được cống hiến và đóng góp cho phong trào chung ở cơ sở. Các cấp ủy đảng cần lãnh đạo tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, có cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả đầu tư vào địa bàn, mở rộng ngành, nghề để tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên. Cấp ủy các cấp cần chú ý đến việc quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thanh niên. Cần phải đưa chỉ tiêu phát triển đảng viên trẻ là thanh niên trực tiếp lao động ở nông thôn vào nghị quyết của các cấp ủy, đồng thời phát huy trách nhiệm cụ thể của cấp ủy, đoàn thể, đảng viên đối với lĩnh vực công tác này.