Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021)

Những công viên tưởng niệm hòa bình

Tỉnh Quảng Trị có hai nghĩa trang liệt sĩ lớn đó là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Đây là nơi yên nghỉ của những người đã anh dũng hy sinh để giành lấy nền độc lập, hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ cũng như sự trân trọng của nhân dân Quảng Trị, nơi các liệt sĩ nằm lại luôn được chăm sóc chu đáo.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nhìn từ trên cao.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nhìn từ trên cao.

Mát rượi bóng cây và tiếng chim ríu ran

Những ngày tháng Bảy này, khách từ Trung ương, các tỉnh, thành phố đến viếng các liệt sĩ đang yên nghỉ tại Quảng Trị càng đông hơn. Tại Di tích đặc biệt quốc gia Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (NT Trường Sơn), chúng tôi gặp Đoàn liên bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Tổng Liên đoàn Lao động - lãnh đạo tỉnh Nghệ An… do Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm trưởng đoàn vào dâng hương, hoa viếng các liệt sĩ. Cán bộ Ban quản trang mời đoàn khách ra phía sau tượng đài thỉnh chuông. Hồi chuông chín tiếng ngân lên, chạy dài tít tắp trên hơn mười nghìn ngôi mộ. 

NT Trường Sơn là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ. Con đường nhỏ trải nhựa nằm dưới những tán lá rợp ánh nắng ban mai bỗng trở nên huyền ảo. Xa xa những khu mộ mát rượi bóng cây và tiếng chim ríu ran. Khi về thăm nghĩa trang vào năm 2004, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn kể lại, ngay khi cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, ông và Trung ương đã nghĩ đến việc chọn một nơi đất thiêng để xây dựng nghĩa trang quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trên dãy đông Trường Sơn. 

Mảnh đất được chọn phải là nơi địa đầu của miền nam, gắn kết với lịch sử của bộ đội Trường Sơn, nhắc nhở mọi người sự hy sinh lớn lao của biết bao người để có được hòa bình, thống nhất đất nước. Cuối cùng, khu vực được chọn là đồi Bến Tắt, nằm ngay thượng nguồn phía bờ nam sông Bến Hải, để xây dựng NT Trường Sơn, từ năm 1974.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NT Đường 9) được xây dựng hơn 20 năm trước, tọa lạc trên một khu đồi uy nghi sát quốc lộ 9, thuộc phường 4, TP Đông Hà. Không gian nghĩa trang là một mầu xanh mát của vườn cây và hoa các loại. Mỗi ngày, đàn bồ câu trắng tung cánh bay lượn, rồi gù gù gọi bạn sà xuống nhặt thức ăn ở khắp nghĩa trang trông thật ấm áp, bình yên. 

Từ ngoài cổng chính đi thẳng vào là đến nơi hành lễ và đài tưởng niệm. Tượng đài lừng lững, kiêu hùng mà ấm áp. Phía dưới đài tưởng niệm là những vòi phun nước hoạt động cả ngày lẫn đêm, đưa những dòng nước tinh khiết lên cao rồi rơi xuống nhẹ nhàng như để dịu đi sự buồn thương, mất mát. 
 
Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của hơn 10.800 liệt sĩ con em các tỉnh, thành phố trong cả nước hy sinh tại chiến trường Quảng Trị; phía tây Trường Sơn trong giai đoạn 1954 - 1975 và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Trong đó chỉ có hơn 3.000 mộ liệt sĩ đầy đủ thông tin; 1.000 mộ có thông tin nhưng chưa đầy đủ. Phần còn lại trên mỗi tấm bia làm bằng đá ấy, dưới ngôi sao vàng khắc dòng chữ “Liệt sĩ chưa xác định được danh tính” cùng hai ngôi mộ tập thể gồm 102 và 123 liệt sĩ, khiến nhiều người khi đến thăm các anh không khỏi bùi ngùi, dâng trào cảm xúc. 

Cựu chiến binh Hoàng Cao Dũng thuộc Trung đoàn 27 Triệu Hải, năm nay 67 tuổi ở tỉnh Ninh Bình khi đến thăm đồng đội đang nằm lại ở nghĩa trang đã chia sẻ: “Tình cảm người dân Quảng Trị dành cho bộ đội giải phóng quân trong chiến tranh cũng như các liệt sĩ hôm nay luôn chu đáo, tận tình. Sự chăm sóc và quan tâm của người dân Quảng Trị dành cho nơi yên nghỉ liệt sĩ khiến các cựu chiến binh luôn tự hào, nhiều gia đình liệt sĩ yên tâm gửi gắm con em ở lại với đồng đội chứ không đưa về địa phương”. 

Nơi khắc ghi đạo lý uống nước nhớ nguồn

Phó Trưởng ban quản lý nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ, phụ trách NT Đường 9 Nguyễn Văn Quản cho biết, nghĩa trang ở gần thành phố cho nên thuận lợi cho việc nhiều người dân, thanh niên, học sinh cùng tham gia chăm sóc chu đáo. Tỉnh Quảng Trị cũng phát động phong trào các cơ quan, đơn vị, đoàn thể nhận chăm sóc các khu mộ của các tỉnh, thành phố.

Mỗi năm, vào các dịp lễ, Tết, người dân Quảng Trị đều sắp xếp thời gian đến dâng hương, hoa, làm vệ sinh sạch sẽ, tươm tất phần mộ các liệt sĩ. Phó Trưởng ban quản lý nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ, phụ trách NT Trường Sơn Hoàng Văn Minh chia sẻ, ngày rằm, mồng một, 15 cán bộ của nghĩa trang mang hương đi dâng lên đủ trên 10.263 ngôi mộ. Công việc vất vả, các cán bộ nghĩa trang luôn làm hết trách nhiệm bằng cả tấm lòng thành kính.  
 
Theo ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, hai NT Trường Sơn và Đường 9 đến nay đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tỉnh Quảng Trị tôn tạo, tu bổ hai lần. Để xứng tầm nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, trước mắt, sở chuẩn bị quy hoạch lại cảnh quan NT Trường Sơn khoa học và phù hợp hơn trong tổng thể không gian hùng vĩ với một số nội dung cụ thể, trong đó có quy định mộ liệt sĩ phải làm cùng một mẫu với chất liệu bằng đá mầu đỏ, bia mầu trắng xám. Ngoài ra, những năm gần đây, các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng góp phần tôn tạo, sửa sang lại các khu mộ tại nghĩa trang như xây khu tưởng niệm mang đậm dấu ấn văn hóa của quê hương các liệt sĩ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết: Khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cùng với ngân sách nhà nước đầu tư, nhiều năm qua tỉnh Quảng Trị luôn làm tốt công tác tri ân, chăm sóc người có công với cách mạng và thương binh, liệt sĩ, trong đó đã huy động xã hội hóa xây dựng, tôn tạo các nghĩa trang thêm tôn nghiêm, sạch sẽ. Nhân dân Quảng Trị sẽ chăm sóc tận tụy, chu đáo để ngàn vạn bát hương trên mộ phần các liệt sĩ luôn ấm áp. Hai nghĩa trang này được tỉnh Quảng Trị chọn là những điểm tổ chức Lễ hội Vì hòa bình vào tháng 7/2022.  

Cùng với sự chăm sóc, yêu thương của người dân Quảng Trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dành nhiều quan tâm, thời gian đến viếng, tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ. NT Trường Sơn, Đường 9, ngôi nhà của những người con đã hy sinh vì đất nước, mãi là nơi khắc ghi đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, cũng là nơi giúp các thế hệ hiểu hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do để cùng nhau giữ yên bờ cõi của Tổ quốc.