Người cán bộ kiên trung của Đảng, người con ưu tú của quê hương núi Ấn sông Trà

Nhìn vào bản đồ Việt Nam, Quảng Ngãi thuộc miền trung, có núi cao, sông dài, biển rộng, đảo xa, cát trắng và những cánh đồng luôn xanh mầu lá. Ở điểm giữa cầu nối hai miền bắc - nam, Quảng Ngãi là vùng quê nổi tiếng địa linh nhân kiệt với những tên gọi in dấu như Ba Tơ anh hùng, Trà Bồng quật khởi, Ba Gia, Vạn Tường oanh liệt... Quảng Ngãi còn là nơi đón nhận, bao bọc nuôi dưỡng nhiều nhà yêu nước cách mạng tiền bối, đảng viên ưu tú từ khắp mọi miền Tổ quốc đến sống và hoạt động, trong đó có những người con của quê hương Quảng Nam trung dũng kiên cường như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ngọc Huệ, Nguyễn Quang Lâm (Tám Tú)...

Đồng chí Nguyễn Quang Lâm, tên khai sinh là Nguyễn Hoành, bí danh Tám Tú, sinh ngày 30-12-1919, tại làng Vĩnh An, tổng An Hòa, phủ Tam Kỳ, nay là thôn Tân Thuận, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Là con trai út lại ham học, do vậy, gia đình dù nghèo nhưng vẫn gắng cho đến trường. Năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp tiểu học Pháp - Việt ở Tam Kỳ, Nguyễn Quang Lâm trở về dạy học ở quê nhà. Tuổi trẻ yêu nước lại được sống trong cao trào đấu tranh thời kỳ Đông Dương Đại hội, được giác ngộ qua báo chí tiến bộ công khai của Đảng ở Trung Kỳ, Quảng Nam những năm 1936-1939, Nguyễn Quang Lâm nhanh chóng hòa mình trong phong trào chống sưu cao thuế nặng và đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Tháng 9-1939, lợi dụng chiến tranh thế giới bùng nổ, chính quyền thực dân cai trị tăng cường đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh công khai dưới sự lãnh đạo của Đảng, bắt bớ cán bộ. Nhiều đảng viên, cơ sở cách mạng phải rút vào hoạt động bí mật. Từ Quảng Nam, do bị địch truy lùng, đồng chí chuyển vào Quảng Ngãi tiếp tục dạy học ở thôn Phước Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi và chờ thời cơ trở lại hoạt động cách mạng. Những người dân Nghĩa Lâm khi đó thường gọi anh với cái tên thân mật là “Giáo Hoành”.

Tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) kêu gọi quần chúng đoàn kết, tham gia mặt trận cứu nước. Ở Quảng Ngãi, phong trào Việt Minh được xây dựng và phát triển mạnh. Cuối năm 1941, Nguyễn Quang Lâm được kết nạp vào Hội Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh ở địa phương. Tháng 3-1942, đồng chí bị địch bắt và kết án một năm tù giam tại nhà lao của tỉnh. Tháng 3-1943, mãn hạn tù, trở lại Nghĩa Lâm, Nguyễn Quang Lâm tiếp tục dạy học và tuyên truyền, giác ngộ học sinh, thanh niên địa phương noi gương các bậc tiền bối, hướng theo lý tưởng cách mạng. Năm 1944-1945, bên cạnh việc thúc đẩy phong trào và tham gia thành lập Ủy ban Vận động cứu quốc ở Tư Nghĩa, đồng chí Nguyễn Quang Lâm hoạt động ở vùng cao Sơn Hà, trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng và xây dựng một trung đội du kích thoát ly do Đinh Ngót làm đội trưởng (7-1945) có quan hệ với chiến khu Tư Nghĩa(1). Tháng 3-1945, khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và giành thắng lợi mở ra giai đoạn mới trong cao trào kháng Nhật cứu nước ở Quảng Ngãi. Nắm bắt đúng thời cơ, cùng với nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã thắng lợi. Ngày 30-8-1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh Quảng Ngãi (lúc đó có tên là tỉnh Lê Trung Đình) được thành lập. Đồng chí Nguyễn Quang Lâm và đồng chí Trần Quý Hai(2) là Ủy viên Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời phụ trách hành chính và tư pháp. Tháng 9-1945, đồng chí Nguyễn Quang Lâm chính thức trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, được tín nhiệm giao giữ nhiều trọng trách trong chính quyền nhân dân Quảng Ngãi: Là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh (2-1946)(3), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi chuyên trách công tác đảng. Tháng 4-1946, đồng chí được bổ sung vào Thường vụ tỉnh Quảng Ngãi, được bầu làm Bí thư Đảng đoàn chính quyền tỉnh, làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh tháng 6-1947. Năm 1948, đồng chí là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 2-1949, đồng chí Nguyễn Quang Lâm tham gia và được cử vào Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội tỉnh Đảng bộ Quảng Ngãi.(4)

Trước yêu cầu công tác, từ năm 1950, đồng chí Nguyễn Quang Lâm được điều động về Liên khu 5, lần lượt đảm trách các trọng trách: Ủy viên Đảng đoàn chính quyền Liên khu 5, Chánh Văn phòng Ủy ban Kháng chiến - Hành chính miền Nam Trung Bộ; Ủy viên Ban Kinh tài, Giám đốc Sở Tài chính Khu 5, Bí thư Đảng đoàn chính quyền các huyện của Bình Định thuộc khu tập kết 300 ngày trước khi ta hoàn thành việc tập kết ra miền bắc.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí Nguyễn Quang Lâm được phân công ở lại miền nam hoạt động. Tháng 4-1955, đồng chí được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 10-10-1955 đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi ở chính thời điểm được coi là khó khăn nhất của cách mạng miền nam. Với trọng trách được giao, đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã cùng tập thể Tỉnh ủy lãnh đạo phong trào vượt qua sự đánh phá ác liệt của kẻ thù. Nét nổi bật trong giai đoạn này là: đồng chí Nguyễn Quang Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong việc thực hiện các phương pháp đấu tranh với địch để giành thắng lợi. Đặc biệt trong hội nghị ngày 25-5-1958, Tỉnh ủy đã bàn kế hoạch thực hiện tập trung cho nhiệm vụ kết hợp đẩy mạnh đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, nhanh chóng phục hồi và xây dựng các đoàn thể, thành lập Ban Quân sự, đẩy mạnh việc diệt ác, phá kìm... Nhờ vậy, phong trào được giữ vững và phát triển, là tiền đề quan trọng châm ngòi nổ cho cuộc khởi nghĩa ở Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi tháng 8-1959 giành thắng lợi.

Tháng 10-1959, đồng chí Nguyễn Quang Lâm ra miền bắc chữa bệnh. Tháng 2-1960, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ nhất trong kháng chiến chống Mỹ dù đang công tác ở Hà Nội, song đồng chí Nguyễn Quang Lâm lại được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy và tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960). Trở lại chiến trường miền nam (11-1960), đồng chí làm Phó ban Kinh tài, Ủy viên Khu ủy Liên khu 5. Tháng 3-1961, Trung ương Cục miền nam, cơ quan đầu não kháng chiến của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở miền nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Quang Lâm nhận trọng trách là Phó trưởng Ban Kinh tài Trung ương Cục, có nhiệm vụ: Nghiên cứu tham mưu cho Trung ương Cục về kinh tế tài chính; nghiên cứu xây dựng các chính sách cụ thể, các biện pháp để phát triển mạng lưới tổ chức hậu cần, phát triển sản xuất đáp ứng cho các lực lượng cách mạng miền nam; tiếp nhận chi viện của Trung ương và hướng dẫn địa phương thi hành nghiệp vụ, đào tạo cán bộ làm công tác kinh tài, trong đó có việc xây dựng và bảo đảm hậu cần tại chỗ, đấu tranh kinh tế với địch. Tháng 3-1970, đồng chí Nguyễn Quang Lâm được điều động trở lại Khu ủy khu 5, bổ sung vào Ban Thường vụ Khu ủy. Tại Đại hội Đảng bộ Khu 5 lần thứ 3, từ ngày 15 đến 22-12-1973, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy khu 5. Cũng từ năm 1970 cho đến năm 1976, đồng chí Nguyễn Quang Lâm giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng khu Trung Trung Bộ.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, là Phó Thường trực Cơ quan đại diện Trung ương Đảng, Chính phủ tại Trung Bộ, cùng một lúc phải giải quyết những hậu quả chiến tranh nặng nề đồng thời tiến hành cải tạo kinh tế ở miền nam... Với kinh nghiệm, bản lĩnh của mình, đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã cùng cộng sự tổ chức điều hành việc ổn định đời sống, thực hành sản xuất đạt hiệu quả, làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ. Ngày 25-4-1976, đồng chí được bầu vào Quốc hội khóa VI. Tháng 12-1976, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, đảm nhiệm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Hải sản(5). Tháng 3-1978, đồng chí được Trung ương điều làm Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình. Thời kỳ này đồng chí Nguyễn Quang Lâm lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình đã cơ bản khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, vận động người dân làm nông nghiệp đi vào con đường làm ăn tập thể trong hợp tác hóa sản xuất... Năm 1980, đồng chí đi học lớp quản lý kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh và được phân công giữ chức Phó Trưởng ban Lưu thông phân phối Trung ương (nay là Ban Kinh tế Trung ương Đảng) cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ năm 1984.

Do lâm bệnh nặng, đồng chí từ trần vào ngày 17-10-1990.

Khẳng định những đóng góp của đồng chí Nguyễn Quang Lâm với cách mạng Việt Nam, điếu văn do Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu ngày 20-10-1990 tại Hà Nội chỉ rõ: “Suốt 54 năm hoạt động, với 45 năm tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã vượt qua nhiều gian lao, thử thách, chịu đựng và hy sinh nhiều quyền lợi bản thân, toàn tâm toàn ý phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, luôn luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất mà Đảng cần đến. Đồng chí là một trong những đồng chí lãnh đạo có nhiều công lao trong việc xây dựng phong trào cách mạng ở Khu 5 trong những ngày gian khổ nhất. Suốt cuộc đời chiến đấu cho lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa, đồng chí đã nêu một tấm gương sáng tận tâm với Đảng, tận hiếu với nhân dân”.(6)

Tiếp nối truyền thống cách mạng, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi không ngừng nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Sau 30 năm tái lập tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng gấp 19,5 lần, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,5%, ngành công nghiệp dần trở thành hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền trung; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng gấp 132 lần so với năm 1989, hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư tương đối đồng bộ, nông nghiệp chuyển từ sản xuất nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hóa; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, trình độ dân trí được nâng lên, chất lượng giáo dục y tế ngày càng được nâng cao...

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, dù còn là một tỉnh khó khăn ở vùng duyên hải miền trung song Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi luôn coi trọng lối sống nghĩa tình, nhân hậu, phát huy những giá trị văn hiến và truyền thống, ghi nhớ và biết ơn các thế hệ tiền nhân, có tinh thần, ý chí học tập, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo... Với thời cơ, vận hội và những thách thức phía trước, Đảng bộ và nhân dân địa phương với tinh thần và hành động luôn thể hiện ý chí “Khát vọng Quảng Ngãi” để vươn lên, đoàn kết một lòng chung sức đóng góp xây dựng quê hương, trong đó yếu tố con người được coi là trọng tâm, cũng chính là “nguồn vốn đặc biệt”, là hạt nhân, là cốt lõi không chỉ ở địa phương mà còn trên cả nước trong thời đại 4.0 này.

(1) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1930 - 1975, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) H, 2019, tr.152.

(2) Trung tướng Trần Quý Hai (1913-1985) tên thật là Bùi Chấn, quê xã Châu Sa, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa III, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương, Tổng Thanh tra Quân đội, Trưởng ban Cơ yếu Trung ương.

(3) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1930-1975, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) H, 2019, tr.174.

(4) Sách đã dẫn, trang ảnh tiếp tr.258.

(5) Lúc này là Bộ Hải sản, tháng 7-1981 lập Bộ Thủy sản, năm 2007 nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(6) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam: Đồng chí Nguyễn Quang Lâm (1919-1990) Sách: Nguyễn Quang Lâm - Cuộc đời trọn vẹn nghĩa tình, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr.132.