Ngăn chặn, xử lý mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp để trục lợi

NDO -

Qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng, chống mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp (DN) để trục lợi đã cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.

Thực tế cho thấy, kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức cơ bản phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, quyền với DN để trục lợi nói riêng và tham nhũng nói chung. Kiểm tra, giám sát còn là một trong những phương thức phát hiện nhanh và hiệu quả các mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, quyền với DN để trục lợi. Thông qua công tác giám sát có thể phát hiện được các dấu hiệu quan hệ không bình thường để tiến hành kiểm tra, kết luận và xử lý. Thực tế, qua công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết đơn, thư tố cáo tổ chức đảng, đảng viên đã phát hiện nhiều vụ quan hệ không bình thường với DN, vi phạm chế độ, chính sách, tham ô, chiếm dụng tài sản của Nhà nước, tập thể. Qua công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng có thể phát hiện sớm các mối quan hệ không bình thường để trục lợi, khác với các cơ quan điều tra hay thanh tra, kiểm toán là khi vụ việc đã xảy ra, thậm chí đã gây ra hậu quả mới tiến hành điều tra, thanh tra, xem xét. 

Công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng góp phần thiết thực xây dựng Ðảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, luôn là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động. Trong mục 2, Ðiều 2, Ðiều lệ Ðảng Cộng sản Việt Nam về nhiệm vụ của đảng viên nêu rõ: "Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác" (1). Trong điều kiện một đảng cầm quyền nếu các đảng viên đều chấp hành nghiêm Ðiều lệ Ðảng, pháp luật của Nhà nước thì chắc chắn mối quan hệ không bình thường để trục lợi, nạn tham nhũng không có đất sống để tồn tại. Bởi vì, người đảng viên vẫn luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: "Ðảng viên đi trước, làng nước theo sau". Vì vậy, "Ðảng phải tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Ðảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh" (2)...

Các nhiệm kỳ vừa qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tích cực tham gia, đóng góp vào cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực nói chung và phòng, chống cán bộ, đảng viên có chức, quyền câu kết với các DN để trục lợi nói riêng, như qua việc tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 lần 2 (khóa VIII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; qua việc chủ trì phối hợp với các Ban Ðảng ở Trung ương, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ðảng đoàn Quốc hội giúp Bộ Chính trị gợi ý những tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và một số cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý có vấn đề tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng; qua việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra tài chính đảng, giải quyết đơn, thư tố cáo tổ chức đảng và đảng viên,... và tham gia trực tiếp giải quyết một số vụ nổi cộm như: vi phạm ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, v.v...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng trong việc phòng, chống mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với các DN để trục lợi còn rất hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm và còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do chưa quan tâm nghiên cứu giải quyết thỏa đáng các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng đối với việc phòng, chống mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, quyền với DN để trục lợi. Hệ thống pháp luật, chính sách chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp trước đây còn đan xen, nhiều kẽ hở dễ lợi dụng; cơ chế xin - cho vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực... Chẳng hạn, trong việc đầu tư xây dựng cơ bản, cấp đất, giao đất cho các dự án, cho vay vốn,... hầu như DN nào cũng phải "bôi trơn" cho một số cán bộ có thẩm quyền liên quan đến DN, nhưng việc phát hiện để kiểm tra lại gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nước ta đang trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ, trong khi đó công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng thực tiễn, còn nhiều bất cập, sơ hở. Hiện nay chưa có cơ quan chuyên trách nào có nhiệm vụ phòng, chống mối quan hệ không bình thường của cán bộ có chức, quyền với DN để trục lợi diễn ra càng nhiều, đa dạng, phức tạp và tinh vi...

Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, chưa bình đẳng ở nước ta hiện nay dẫn đến kinh doanh chủ yếu dựa vào "quan hệ". Do thể chế kinh tế thị trường ở nước ta chưa đồng bộ cùng với hệ quả của nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp trước đây, ý thức xã hội đã có những thay đổi cơ bản trong khi đó các chuẩn mực về đạo đức nói chung, đạo đức kinh doanh nói riêng chưa được quan tâm nghiên cứu xây dựng đã ảnh hưởng đến việc phòng, chống mối quan hệ không bình thường của cán bộ, đảng viên có chức, quyền với DN để trục lợi, làm cho cán bộ kiểm tra cũng khó phân biệt quan hệ nào là bình thường, hợp đạo đức, quan hệ nào là không bình trước, trái đạo đức, "cá lớn nuốt cá bé"... Người nhận và đưa hối lộ cho đó là chuyện thường tình và dẫn đến nảy sinh các tỷ lệ ăn chia ngầm giữa cán bộ, đảng viên có chức quyền với DN trong quá trình giải quyết công việc mà những DN không biết hoặc không thực hiện thì công việc vận hành khó khăn, thậm chí ách tắc. Ðiều này đã làm cho quan hệ không bình thường để trục lợi có thêm đất sống, lan rộng và phát triển ngày càng nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho việc phòng, chống tham nhũng ở nước ta...    

Sự quan tâm của các cấp ủy đảng đến công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, quyền với DN để trục lợi, tham nhũng là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định, tác động trực tiếp đến việc phòng, chống mối quan hệ này nói riêng và tham nhũng nói chung. Thực tế ở nước ta, hầu hết các đối tượng cán bộ, đảng viên có chức, quyền có thể quan hệ không bình thường với DN để trục lợi là cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý. Nếu cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc phòng, chống này; không can thiệp và tạo điều kiện để Ủy ban Kiểm tra và các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mối quan hệ không bình thường để trục lợi, tham nhũng theo đúng pháp luật, không phân biệt người có chức vụ cao, thấp thì công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống này có hiệu lực và hiệu quả. Ngược lại, nếu cấp ủy, nhất là thường trực cấp ủy không quan tâm hoặc thậm chí cản trở, bao che thì công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống mối quan hệ không bình thường của cán bộ, đảng viên có chức quyền với DN để trục lợi, tham nhũng khó thực hiện, có khi chỉ còn là hình thức.  

Tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến DN và tổ chức đảng và đảng viên hoạt động ở DN ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tiêu cực này. Cán bộ kiểm tra phải có đủ trình độ, bản lĩnh, dũng khí trong phát hiện và kiểm tra khi có dấu hiệu quan hệ không bình thường để trục lợi, tham nhũng; nhất là các dấu hiệu quan hệ không bình thường mới xuất hiện trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa. Người có dấu hiệu quan hệ không bình thường ở đây là những người có chức, quyền, nếu Ủy ban Kiểm tra và cán bộ kiểm tra còn e ngại, nể nang hoặc sợ bị trù dập thì chưa thể phát hiện được quan hệ không bình thường để trục lợi hoặc có phát hiện được cũng chưa chắc đã dám kiểm tra. Ngược lại,  nếu Ủy ban Kiểm tra, cán bộ kiểm tra bị mua chuộc thì không thể phòng, chống được mối quan hệ này vì đây là một dạng tham nhũng thường lớn và hậu quả khôn lường là dẫn đến "lợi ích nhóm" của người có chức, quyền.  

Sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát trong Ðảng với công tác thanh tra, giám sát của Nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra của các đoàn thể chính trị - xã hội và phối hợp các ban, ngành có liên quan trong khối nội chính; vai trò của dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng là những nhân tố quan trọng tác động đến hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, quyền với DN để trục lợi, tham nhũng.

TS LÊ HỒNG LIÊM

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư

(1) Ðiều lệ Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, Tr 8-9.

(2) Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, Tr 278.