Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Một vài suy nghĩ về xây dựng Đảng

Năm 2016, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, chủ quan và khách quan. Nếu năm 2017, không vượt được những thách thức to lớn, ta có nguy cơ bị thụt lùi; và thành tựu quan trọng của 30 năm đổi mới sẽ mất ý nghĩa của nó.

Thực tế những khó khăn, yếu kém hiện nay như: đầu tư kém hiệu quả, tốc độ phát triển kinh tế chậm, sức cạnh tranh thấp, ngân sách thiếu hụt, nợ công cao, v.v… là hậu quả của nhiều năm trở lại đây, không giải quyết tốt cho nên ngày càng trầm trọng. Về nguyên nhân, có nhiều, nhưng có thể nói cần tháo gỡ trước hết là chấn chỉnh bộ máy Nhà nước và thể chế của nó phù hợp với yêu cầu của tình hình để hoạt động có hiệu lực hơn, quan tâm thật sự đến lợi ích của nhân dân. Và gốc của vấn đề là vai trò của Đảng.

Sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, phải thừa nhận các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ có nhiều cố gắng để ngăn chặn, chấn chỉnh một số sai lầm và yếu kém trước đây. Đặc biệt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đi sâu và quyết liệt hơn trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chính phủ đề ra mục tiêu xây dựng một chính quyền kiến tạo, minh bạch, hành động. Quốc hội cũng đặt vấn đề giám sát các ngành, các cấp kiên quyết hơn, v.v…

Mọi người đều thấy về mặt tinh thần, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quyết tâm cải thiện tình hình để ngăn chặn cái xấu, cái tiêu cực, để từng bước vươn lên, tiếp tục đổi mới một cách cơ bản và toàn diện. Nhân dân tin tưởng và mong đợi những chủ trương hành động cụ thể.

Nhưng nhiều đồng chí lão thành còn rất nhiều băn khoăn, làm sao ngăn chặn những tệ nạn trầm kha như tham nhũng, làm việc gì cũng phải “lót tay”, không thấy trách nhiệm chỉ thấy “quyền lợi”? Nhiều nghị quyết của Trung ương với những chủ trương rất đúng đắn nhưng chậm được triển khai. Làm sao giảm bớt, làm gọn một bộ máy phình to như hiện nay? Làm sao loại những cán bộ hư hỏng, suy thoái về tư tưởng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Các đồng chí càng bức xúc khi nghĩ hòa bình, độc lập, thống nhất ngày hôm nay do sự hy sinh xương máu của hàng triệu người. Trong hai cuộc kháng chiến lâu dài, vô cùng gian khó vừa qua, niềm tin ở thắng lợi của dân tộc, niềm tin ở các đồng chí lãnh đạo lúc đó là động lực mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu với hy vọng nước ta sau khi độc lập, sẽ là một nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân được tự do, hạnh phúc.

Nhưng vấn đề cần thiết ở đây là phải suy nghĩ làm thế nào gỡ bỏ những cản trở hiện nay để ta đi tới? Đâu là khâu quan trọng đầu tiên phải giải quyết?

Nhìn lại từ Cương lĩnh của Đảng năm 2011 và các Đại hội X, XI, XII, có thể còn có ý kiến cho rằng các văn kiện quan trọng đó cần được cập nhật hơn với tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế, nhưng nói chung các chủ trương đưa ra đều đúng đắn. Nhưng rất tiếc theo tôi, có Nghị quyết còn dừng ở yêu cầu và quan điểm, chưa rõ chủ trương chiến lược và chính sách chỉ đạo việc thực hiện. Đồng thời còn thiếu việc kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết để có sự đôn đốc, uốn nắn kịp thời.

Mặt khác, nhiều nghị quyết chưa được quyết liệt quán triệt và có kế hoạch, biện pháp cụ thể chỉ đạo các cấp và nhân dân thực hiện như: chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay chủ trương của Đảng xem nông nghiệp là cơ sở cho công nghiệp hóa v.v… Để xây dựng và phát triển đất nước, chủ trương này là hết sức đúng, cần thiết, cơ bản.

Và vấn đề cần phải nói nữa là về sự nghiệp giáo dục đào tạo, mà nghị quyết đã đề ra “cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Con người, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước… Năm 2013, Đảng có Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhưng kế hoạch triển khai chưa thật sự bài bản, nên sự chuyển biến trong ngành giáo dục và đào tạo còn rất chậm.

Quốc hội theo dư luận hoạt động ngày càng tốt, nhưng công tác giám sát có chỗ, có lúc còn yếu, chưa thật sự phát huy hết vai trò là cơ quan quyền lực của nhân dân.

Vấn đề đề bạt cán bộ chưa minh bạch, công bằng, nặng về quen biết, họ hàng, không dựa đúng tiêu chuẩn của Đảng, có cả trường hợp dùng tiền chạy chức, chạy quyền…

Qua tình hình thực tế trên đây cho thấy nhiều chủ trương quan trọng của Đảng không được thực hiện tốt. Nguyên nhân của các nguyên nhân là vấn đề tổ chức và cán bộ. Trước hết, Đảng cần xem xét, đổi mới chính sách cán bộ - là khâu quyết định. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề cơ cấu tổ chức, phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan lãnh đạo cũng cần được xem xét.

Trong vấn đề tổ chức, một vấn đề rất quan trọng nữa, đó là phương thức lãnh đạo của Đảng. Từ lâu, các đồng chí lãnh đạo cũng đã nêu ra phương thức của Đảng là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhưng đến nay chưa được thể chế hóa, chưa có một văn bản nào quy định rõ ràng về phương thức lãnh đạo nói trên. Có phải đó là một nguyên nhân quan trọng làm chủ trương của Đảng không được quán triệt và thực hiện nghiêm túc? Thiếu những quy định rõ ràng về sự phân công trách nhiệm nên có những lỗ hổng, không xác định được ai là người chịu trách nhiệm để có biện pháp khắc phục.

Một vấn đề trong xây dựng Đảng cần xem xét nữa là chủ trương phát triển Đảng. Hiện nay số đảng viên của ta có lẽ đông đứng thứ hai trong các Đảng Cộng sản, chỉ sau Trung Quốc. Nếu số đông đảng viên là những người đúng tiêu chuẩn như Điều lệ Đảng đề ra, những công dân tốt, gương mẫu, những cán bộ có trách nhiệm, làm việc vì đất nước, vì nhân dân, v.v… thì chắc chắn tình hình của đất nước tốt hơn nhiều so với hiện nay.

Vừa qua, có phải ta chú trọng phát triển về số lượng, không quan tâm đầy đủ về các tiêu chuẩn cần có của đảng viên. Và ngay trong chính sách cán bộ của ta cũng có sơ hở để cho nhiều người không tốt, cơ hội, tìm cách vào Đảng để vào các cơ quan lãnh đạo hay quản lý của Đảng, Nhà nước. Vì vậy chủ trương về phát triển Đảng cũng cầm xem xét và chấn chỉnh.

Tình hình khó khăn và những thách thức lớn về nhiều mặt đòi hỏi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp phải nhìn thẳng vào thực tế, lắng nghe dân, đặc biệt những nhà khoa khọc, chuyên gia có tâm huyết với đất nước, trên cơ sở đó đề ra các chủ trương, chính sách đúng, khả thi để khắc phục những nguy cơ trước mắt, đồng thời phải nghĩ đến những mục tiêu phát triển dài hạn.

Đảng cần huy động sức lực và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân để chung sức phấn đấu cùng với Đảng.

Những lễ hội rầm rộ, những lễ kỷ niệm lớn gây tốn kém, một số dự án cao xa, v.v… một số địa phương và ngành đề xuất, cho thấy Đảng chưa làm cho mọi người hiểu tình hình khó khăn nghiêm trọng của đất nước, mà mỗi người đều có trách nhiệm của mình. Vấn đề tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng” cần nêu ra một cách khẩn thiết, đi đôi với việc thi đua, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả của mọi hoạt động.

Lịch sử cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân cho chúng ta niềm tin: Một khi từ lãnh đạo cao nhất đến người đảng viên, người dân đoàn kết, quyết tâm vì Tổ quốc, vì dân tộc, không có khó khăn, trở ngại nào mà ta không vượt qua được và cuối cùng giành thắng lợi.

NGUYỄN THỊ BÌNH

Nguyên Phó Chủ tịch nước