Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902 - 1/2/2022)

Một nhân cách cộng sản mẫu mực - người con ưu tú của Thủ đô văn hiến, anh hùng

Giác ngộ cách mạng khi tuổi mới đôi mươi, hy sinh năm 29 tuổi, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc tuy ngắn ngủi nhưng thể hiện công lao, cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Từ một trí thức yêu nước của đất Hà thành trở thành chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng ta. Nhân cách cộng sản mẫu mực của đồng chí đã khích lệ, cổ vũ cán bộ, đảng viên và thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong quần chúng nhân dân, xứng danh người con ưu tú của Thủ đô văn hiến, anh hùng.

Các em học sinh tham quan di tích lịch sử 5D Hàm Long (Hà Nội), nơi gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Ảnh: NAM NGUYỄN
Các em học sinh tham quan di tích lịch sử 5D Hàm Long (Hà Nội), nơi gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Ảnh: NAM NGUYỄN

Trên phố Hàm Long (Hà Nội) ngày nay, ngôi nhà số 5D đã tồn tại hơn một thế kỷ, trở thành di tích lịch sử lưu truyền sự kiện thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên trong nước vào ngày 7/3/1929. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển rất quan trọng của cách mạng Việt Nam. Một trong tám đảng viên đầu tiên của Chi bộ là đồng chí Nguyễn Phong Sắc. 

Từ tổ chức thanh niên đến Chi bộ Cộng sản trong nước đầu tiên

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc) sinh ngày 1/2/1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở làng Bạch Mai, ngoại thành Hà Nội - nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Thân phụ là cụ Nguyễn Đình Phúc, người đã tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và thân mẫu là cụ Thành Thị Tửu. 

Năm 1924, khi vừa rời trường Bưởi, người trí thức trẻ tuổi Nguyễn Phong Sắc vào làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương. Tại đây, Nguyễn Phong Sắc nhận thấy bản chất chế độ đô hộ, bóc lột của thực dân Pháp ở Đông Dương; nhận rõ thủ đoạn và sự liên kết của chính quyền thực dân với tay sai phong kiến, đàn áp nhân dân. Lý tưởng về một con đường cho dân tộc và nhân dân thoát ách cai trị đã dẫn ông đến với các tác phẩm kinh điển Mác-Lê-nin, đặc biệt là những tài liệu, bài báo của Nguyễn Ái Quốc và từng bước giác ngộ về lý luận chính trị, về giai cấp và tầng lớp xã hội Việt Nam. Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ đây, Nguyễn Phong Sắc được đứng trong hàng ngũ một tổ chức cách mạng, thành viên rất tích cực phát triển phong trào, đi vào các xóm thợ, ra vùng ngoại ô để tìm hiểu đời sống thợ thuyền và dân cày, bí mật gặp gỡ một số tiểu thương nhằm gây dựng cơ sở. Trong quá trình dạy học, ông đã truyền đạt cho học sinh tinh thần yêu nước. Mọi nơi ông đến đều để tìm kiếm những người ưu tú, giác ngộ cách mạng và kết nạp vào tổ chức Thanh niên. 

Trên cơ sở tổ chức Thanh niên phát triển mạnh và phong trào yêu nước đang diễn ra sôi nổi, để có sự chỉ đạo tập trung thống nhất, tháng 3/1927 Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ được thành lập và đến tháng 6/1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội ra đời. Nguyễn Phong Sắc đã dành nhiều tâm sức cho việc biên soạn, in tài liệu, truyền đơn để mở lớp bồi dưỡng lý luận và giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Đầu năm 1929, Đại hội lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được tổ chức. Đồng chí được bầu làm Bí thư chính thức đầu tiên của Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội. 

Thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng ở Hà Nội, Bắc Kỳ và cả nước năm 1928 và đầu năm 1929 đòi hỏi phải có một tổ chức chặt chẽ, cương lĩnh rõ ràng, phương pháp hoạt động đúng đắn, với cơ sở quần chúng rộng rãi hơn. Ngày 7/3/1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên trong nước được thành lập. Từ một trí thức yêu nước, đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở thành người chiến sĩ cộng sản. Sau khi thành lập, Chi bộ Cộng sản đầu tiên xúc tiến cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản. Ngày 17/6/1929, cùng 19 đại biểu tổ chức họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập; đồng chí là Ủy viên Trung ương lâm thời. Tháng 10/1930, đồng chí là Ủy viên Trung ương và Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục phụ trách Trung Kỳ.

Sáng ngời khí tiết người cộng sản

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, tháng 3/1930, Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ đã lãnh đạo thống nhất các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ về một mối là tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thành hệ thống tổ chức của Đảng từ Phân cục Trung ương tới các tỉnh bộ, thành bộ, huyện bộ, thị bộ, xã bộ… 

Đi liền với xây dựng Đảng về tổ chức, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đặc biệt quan tâm bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, các tờ báo Bôn-sơ-vích, Công Hội, Công Nông Binh, Xích Sinh, đã ra đời và làm tốt nhiệm vụ “người tuyên truyền, cổ động tập thể, người tổ chức tập thể”; đồng thời, các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Sinh hội đỏ cũng được thành lập, phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều nơi khác. Đồng chí thường nhấn mạnh vai trò to lớn, vẻ vang của Đảng đòi hỏi các đảng viên của Đảng phải trung thành tuyệt đối với tư tưởng, đường lối, sự nghiệp của Đảng, sẵn sàng hy sinh cho Đảng, cho quần chúng lao khổ. Với trách nhiệm của Bí thư Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã lãnh đạo công tác Đảng và phong trào cách mạng tất cả các tỉnh miền Trung phát triển mạnh mẽ và lan ra cả nước, đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Nắm vững tư tưởng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, muốn có phong trào cách mạng phải có lực lượng cách mạng, trong xây dựng lực lượng cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc ý thức rõ phải xây dựng ở trong nước hai bộ phận: lực lượng lãnh đạo, bộ tham mưu và lực lượng quần chúng đông đảo tham gia cách mạng. Đồng thời phải gắn lực lượng cách mạng Việt Nam với lực lượng cách mạng thế giới.

Những ngày đấu tranh sôi động, đồng chí Nguyễn Phong Sắc không quản gian khổ, hy sinh, làm việc hết mình cho sự thắng lợi của các cuộc đấu tranh. Ban ngày chỉ đạo công việc, ban đêm đồng chí viết bài đăng trên các báo của Đảng nhằm kịp thời động viên, khích lệ và uốn nắn những lệch lạc của từng cuộc đấu tranh, đồng thời vạch rõ âm mưu của kẻ thù, kêu gọi đồng bào vùng lên đấu tranh giành lấy tự do cơm áo và các quyền lợi thiết thực khác. Sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của đồng chí làm cho phong trào cách mạng phát triển nhanh, mạnh, chính quyền Xô viết được thành lập ở nhiều địa phương. Khi địch khủng bố phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã kịp thời vạch kế hoạch cho các chi bộ phải tuyệt đối bí mật, chỉ đạo các địa phương tăng cường các tổ chức đoàn thể để đối phó với địch. Trong hoàn cảnh rất khó khăn, đồng chí vẫn mở các lớp bồi dưỡng giúp chi bộ cơ sở xác định rõ vai trò của đảng viên và cốt cán các đoàn thể khi phong trào bị khủng bố, bồi dưỡng tinh thần cảnh giác cho họ trước mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, bảo toàn tới mức cao nhất lực lượng cách mạng.

Ngày 3/5/1931, sau khi phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ hai của Đảng cho Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hải Phòng trở về Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã bị địch bắt. Dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn dã man, vẫn không lung lạc ý chí sắt đá và tinh thần yêu nước nồng nàn của một trí thức giác ngộ cách mạng. Hoang mang trước khí thế của phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã bí mật thủ tiêu nhà lãnh đạo của Đảng ta. Đồng chí hy sinh ngày 25/5/1931.

Hơn 90 năm qua, tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh luôn được tiếp nối để tạo nên những mốc son chói lọi, huy hoàng trong lịch sử vẻ vang của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc và cống hiến lớn lao của đồng chí cho dân tộc và sự nghiệp cách mạng nước ta mãi là tấm gương để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân học tập, noi theo. Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng cũng là dịp ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí, Đảng và nhân dân ta thêm động lực chung sức, đồng lòng vượt lên khó khăn do đại dịch Covid-19, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước.