Khi đảng viên bộ đội biên phòng về với buôn làng

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ thôn, làng khu vực biên giới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai chủ trương phối hợp với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tăng cường, bố trí cán bộ, đảng viên biên phòng về tham gia cấp ủy và sinh hoạt với các chi bộ thôn, làng. 

Các đảng viên bộ đội biên phòng đến tận nhà trao đổi với người dân về phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Các đảng viên bộ đội biên phòng đến tận nhà trao đổi với người dân về phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Các đảng viên biên phòng được phân công đã thực hiện “3 bám, 4 cùng” giúp các xã biên giới xây dựng hệ thống chính trị, xóa đói, giảm nghèo, củng cố, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa quân đội và nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Khu vực biên giới tỉnh Gia Lai có 48 thôn, làng thuộc bảy xã của ba huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông; chủ yếu là đồng bào  dân tộc thiểu số sinh sống. Sau khi Tỉnh ủy chủ trương phân công đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng, năm 2020, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh và huyện ủy các huyện giáp biên giới đã phối hợp chặt chẽ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn Đảng ủy các đồn Biên phòng và Đảng ủy các xã biên giới triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương này. 

Hiệu quả từ thực hiện “3 bám, 4 cùng”

5 năm nay, Thiếu tá Nguyễn Đăng Duẩn, Đội phó Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cử về tham gia sinh hoạt tại Chi bộ làng Chư Kó, xã Ia Púch. Xác định rõ trách nhiệm được giao, Thiếu tá Duẩn dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng người dân, từ đó cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng nghị quyết sát, đúng với thực tế. Nhờ vậy, Chi bộ làng Chư Kó liên tục được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Năm 2016, Chi bộ có 19 đảng viên thì đến nay đã phát triển lên 25 đảng viên.

Trên địa bàn xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) hiện có bốn đảng viên thuộc Đồn Biên phòng Ia Pnôn, được tăng cường về sinh hoạt tại bốn chi bộ. Đại úy Rơ Lan Thức, Đội trưởng Vận động quần chúng, được phân công tham gia sinh hoạt tại Chi bộ làng Ba từ năm 2019. Thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), Đại úy Thức cùng với các đảng viên trong Chi bộ vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. 

Anh còn thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình, tuyên truyền, vận động các hộ dân nỗ lực phát triển kinh tế. “Để giúp dân làng phát triển kinh tế, tôi hướng dẫn bà con cải tạo vườn tạp, triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp… Làm theo hướng dẫn, người dân đã dần thay đổi tập quán sản xuất, đưa giống lúa mới và cây ăn quả vào cơ cấu cây trồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống”. Năm 2018, làng Ba có 40 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 27 hộ nghèo. 

Đồng chí Rơ Châm Blêch, Bí thư Chi bộ làng Ba chia sẻ: “Từ khi có các đảng viên là bộ đội biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ, chất lượng các cuộc họp được nâng lên, những vấn đề bức xúc được phân tích, làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp tháo gỡ; đồng thời sau đó các nội dung này được đưa vào nghị quyết để thực hiện”.

Đồng chí Rơ Châm Khiếm, Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) cho biết: Các đảng viên là bộ đội biên phòng không chỉ hỗ trợ cấp ủy, cùng cấp ủy bàn bạc, thảo luận đưa ra những chủ trương đúng đắn, đề ra các nghị quyết sát, đúng thực tế, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, mà họ còn dành nhiều thời gian bám dân, bám làng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, qua đó giúp đỡ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bỏ các hủ tục, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy

Trước năm 2016, chất lượng sinh hoạt của Chi bộ làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) còn nhiều hạn chế, nội dung thảo luận chung chung, không có trọng tâm, trọng điểm cho nên vai trò của chi bộ và đảng viên chưa được phát huy; kinh tế, xã hội chậm phát triển, an ninh nông thôn diễn biến phức tạp. 

Được phân công tham gia sinh hoạt tại Chi bộ làng Tung, Trung tá Nguyễn Hồng Châu, Phó Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Nan đã chú tâm tìm hiểu và nhận thấy vấn đề của Chi bộ làng Tung thời điểm đó là năng lực của bí thư chi bộ hạn chế, công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ sơ sài, chủ yếu sao chép nghị quyết của cấp trên, không bám sát thực tiễn cơ sở; những bức xúc ở cơ sở không được đưa ra bàn bạc, giải quyết kịp thời. 

Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên gặp rất nhiều khó khăn do việc tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú chưa được chú trọng, hiệu quả thấp.

Trên cơ sở nắm rõ tình hình của chi bộ, thực tiễn địa phương, Trung tá Nguyễn Hồng Châu đã tham mưu và tham gia tiến hành nhiều giải pháp như: Thường xuyên trao đổi nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, kinh nghiệm xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch với bí thư chi bộ; đề xuất, góp ý xây dựng nghị quyết về kinh tế; vận động và hỗ trợ nhân dân tích cực phát triển cánh đồng lúa nước để giải “bài toán” thiếu lương thực; tuyên truyền mở rộng nương rẫy sát đường biên giới để vừa phát triển sản xuất, vừa tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; phân công đảng viên phụ trách các dòng họ trong làng và kèm cặp, giáo dục quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng... 

Nhờ đó, đời sống của 253 hộ dân làng Tung (chủ yếu là đồng bào Gia Rai) từng bước được cải thiện; chi bộ hằng năm đều kết nạp được đảng viên mới và được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thượng tá Rơ Mah Tuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết: Triển khai chủ trương của Tỉnh ủy Gia Lai, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã cử bảy cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy ở các xã biên giới; 49 đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng; đồng thời cử 216 đảng viên phụ trách 951 hộ gia đình ở các xã biên giới. 

Những đảng viên này khi được phân công nhiệm vụ đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy chi bộ thôn, làng chuẩn bị tốt các nội dung sinh hoạt chi bộ, xây dựng Dự thảo nghị quyết chi bộ bám sát nghị quyết của Đảng ủy xã; duy trì chế độ, nền nếp sinh hoạt; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên; đề xuất với cấp ủy củng cố, kiện toàn các chi hội, đoàn thể của từng thôn, làng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động về mọi mặt. 

Đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ, nhận xét: Các đảng viên bộ đội biên phòng tăng cường về xã và được phân công phụ trách hộ gia đình đã đi sâu, đi sát cơ sở, giúp cấp ủy, chính quyền thay đổi nhận thức, chuyển biến về tác phong lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời với tác phong sinh hoạt gần gũi, không ngại khó, ngại khổ, các đồng chí được người dân tin tưởng, nhanh chóng giải tỏa các thắc mắc và đồng thuận trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. 

Bên cạnh đó, các đồng chí cũng kịp thời thông tin tình hình, vụ việc có liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm để làm cơ sở cho chi ủy, chi bộ có biện pháp tuyên truyền, giáo dục và vận động người dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh biên giới. 

Có thể nói, với trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, các cán bộ, đảng viên bộ đội biên phòng đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại cơ sở, giúp các cấp ủy đưa ra các nghị quyết sát thực tế để lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội đạt hiệu quả. Những đóng góp của các đảng viên này đã góp phần tích cực xây dựng hệ thống chính trị ở các thôn, làng ngày càng vững mạnh.