Sớm đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vào cuộc sống

Hướng tới chính sách quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai

Đất đai là tài sản đặc biệt, nguồn lực vô giá của mỗi quốc gia và cũng là nguồn sống của nhân dân. Từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết định hướng chính sách, pháp luật về đất đai. Tại Hội nghị lần thứ 5 vừa mới kết thúc, đây là vấn đề mà Trung ương dành nhiều thời gian thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất ban hành nghị quyết mới: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Thủ đô Hà Nội (Ảnh minh họa: Thu Hà).
Thủ đô Hà Nội (Ảnh minh họa: Thu Hà).

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này là một bước quan trọng để cụ thể hóa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai đã được Đại hội XIII thông qua. Đó là xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, nhằm tiết kiệm trong sử dụng đất. Đặc biệt là ngăn chặn tình trạng để đất hoang hoá, sử dụng đất lãng phí; kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất,...

Hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách

Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, đất đai lại càng trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng nhất, bức xúc nhất. Không ít đô thị vốn chật chội vẫn mọc lên san sát chung cư cao tầng, bóp nghẹt hơi thở của thành phố, không còn đất để xây dựng trường học, bệnh viện, công viên, các công trình phúc lợi xã hội khác. Nhiều vùng đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ gắn liền với miếng cơm, manh áo của người dân bị chuyển đổi thành đất khu công nghiệp, dịch vụ, nhưng rồi bỏ hoang hàng chục năm trời. Thật lãng phí một cách vô lý mà ít ai chịu trách nhiệm.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”. Thực trạng này phải sớm loại bỏ.

Để có một nghị quyết đánh giá đúng thực tiễn, đề ra chủ trương giải pháp hiệu quả, trước Hội nghị Trung ương 5, Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về đất đai được thành lập do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều chương trình khảo sát, hội nghị, hội thảo khoa học, lấy ý kiến rộng rãi các ban, bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia đầu ngành, nhằm đánh giá đúng tình hình thực hiện nghị quyết, nhất là chỉ rõ những bất cập để đề xuất hướng giải quyết.

Đó là những thông tin, tư liệu sống quan trọng giúp Trung ương có thêm cơ sở, bàn thấu đáo những vấn đề đặt ra được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở tại Hội nghị. Làm thế nào để phát huy đầy đủ nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; để khắc phục việc sử dụng đất lãng phí; ngăn chặn đi đến đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai; ngăn chặn tình trạng không lành mạnh trong thị trường bất động sản, v.v. Từ đó đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả. Điểm yếu kém, hạn chế nào do chính sách pháp luật chưa hoàn thiện thì tiếp tục hoàn thiện, bịt các kẽ hở không cho ai lợi dụng; đâu là do tổ chức thực hiện thì chấn chỉnh; nếu do cố tình vi phạm thì xử lý nghiêm minh.

Sớm sửa đổi Luật để khắc phục những bất cập

Vấn đề đất đai mà Hội nghị Trung ương 5 bàn được người dân và cử tri cả nước rất quan tâm, theo dõi. Ngay hôm sau Hội nghị Trung ương 5 bế mạc, tại cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều ý kiến lại phản ánh những bức xúc trong quản lý, sử dụng đất và tỏ ra nóng lòng, sốt ruột. Trung ương đã bàn đúng, trúng vấn đề hệ trọng rồi, nhưng làm thế nào để chủ trương ấy được hiện thực hóa trong cuộc sống.

Có sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, thì mới nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như nghị quyết lần này đề ra. Tổng Bí thư đã trả lời cử tri, trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương lần này, Quốc hội sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần mới, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất. Nhưng sửa thế nào phải nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, vừa bảo đảm quyền lợi của nhân dân, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, cho nên phải làm chắc chắn.

Từ kỳ họp trước của Quốc hội, cử tri thành phố Hà Nội đã kiến nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, để khắc phục những hạn chế bất cập trong thực tế như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đền bù; cấp đất dịch vụ; công nhận hạn mức đất ở,... Trong lúc chờ sửa đổi Luật, Chính phủ cần rà soát, sửa ngay các nghị định để kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn” trong quản lý, sử dụng đất.

Trả lời cử tri bằng văn bản, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, hiện nay Bộ đang tập trung hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Chính phủ và Quốc hội. Các kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét trong quá trình hoàn thiện. Tại Hội nghị Báo cáo viên tháng 5 này, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sẽ ưu tiên thời gian, nguồn lực để sớm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vào năm 2023 và một số luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý đất đai qua các thời kỳ, theo định hướng của Đảng. Để sớm đưa Nghị quyết về đất đai vào cuộc sống, thiết nghĩ những việc cần làm trước, làm ngay là rà soát để bổ sung, sửa đổi, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý, sử dụng đất. Nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên cơ sở bám sát nghị quyết của Trung ương và những vấn đề đặt ra với tầm nhìn bao quát, có tư duy chiều sâu; khắc phục tình trạng chính sách mới ban hành đã lạc hậu phải sửa đổi, điều chỉnh, thậm chí là không có tác dụng. Cần có những chế tài thật cụ thể để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là trong chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng các dự án chủ yếu là vì lợi ích của một vài tổ chức hay một nhóm người có tiền, có quyền lực nào đó.

Tại cuộc họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 19, ngày 14/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan; phù hợp thể chế chính trị của nước ta. Các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai.

Thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước quyết liệt xử lý những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, không ít cán bộ bị kỷ luật, truy tố, xét xử nghiêm minh. Điển hình như các dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm); vi phạm trong đấu thầu giá đất, trong chuyển nhượng đất xảy ra ở nhiều địa phương.

Chắc chắn rằng, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 lần này sẽ tạo những chuyển biến mới để phát huy đầy đủ nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.