Hà Tĩnh tạo đột phá để phát triển bền vững

Ngay sau đại hội đảng bộ các cấp, hệ thống chính trị ở tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết. Ðể đạt mục tiêu đã đặt ra nhiều giải pháp cụ thể được vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, góp phần tạo đà vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.

Một góc thị xã Kỳ Anh. Ảnh: THÀNH CHÂU
Một góc thị xã Kỳ Anh. Ảnh: THÀNH CHÂU

Khai thông điểm “nghẽn”

Bức tranh nông thôn, thành thị Hà Tĩnh có nhiều khởi sắc sau 30 năm tái lập. Chặng đường vừa qua, tỉnh đã đạt những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, Hà Tĩnh đã vươn lên đứng trong tốp các tỉnh dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ, với quy mô nền kinh tế tăng gấp 95 lần, GRDP bình quân đầu người tăng hơn 100 lần, thu ngân sách nội địa tăng hơn 190 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 53% xuống còn 3%. Nghị quyết số 01-NQ/ÐH của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 19 đề ra năm chương trình trọng điểm, ba đột phá chiến lược trong phương hướng trọng điểm phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng đô thị văn minh hiện đại có vị trí then chốt trong các nhiệm vụ ưu tiên của tỉnh thời gian tới.

Thị xã Hồng Lĩnh từng được quy hoạch trở thành đô thị loại III vào năm 2020 nhưng đáng tiếc là đã lỡ hẹn. Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HÐND thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Thăng Long cho biết: Khó nhất là tiêu chí về mật độ dân số, hiện tại vẫn thiếu khoảng 45 nghìn dân để đạt 100 nghìn dân theo tiêu chí đô thị loại III. Thị xã đã đề ra giải pháp tăng dân số cơ học, thu hút người ngoài địa phương đến lập nghiệp, nói cách khác là “chờ” lực lượng công nhân đến làm việc tại các cụm công nghiệp.

Năm 2020, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thị xã Hồng Lĩnh lần thứ 7, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phương hướng huy động nguồn lực đầu tư xây dựng thêm ít nhất hai cụm công nghiệp. Những nhà đầu tư sẽ được ưu tiên cao nhất về cơ chế, chính sách. Thị xã cũng cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các dự án mới. Ðối với lực lượng công nhân, một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc là cụm công nghiệp phải có đủ cơ sở vật chất để gia đình công nhân đến ở, làm việc và sinh sống lâu dài. Thị xã hiện đang có bốn cụm công nghiệp, có tỷ lệ lấp đầy khoảng 70% đến 80%. Mỗi cụm công nghiệp có nhiều nhà máy, trung bình mỗi nhà máy có khoảng 5.000 công nhân. Mỗi công nhân kèm thêm một, hoặc hai nhân khẩu thì việc tăng dân số cơ học là không khó. Vấn đề là tạo ra môi trường thu hút các nhà đầu tư và công nhân gắn bó lâu dài với nhà máy, xa hơn là thị xã Hồng Lĩnh.

Một điểm “nghẽn” khác của Hồng Lĩnh là cơ sở hạ tầng đô thị. Theo tính toán, Hồng Lĩnh thiếu khoảng 3.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy đây là vấn đề lớn nhưng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết bằng việc huy động nội lực trong dân. Tới thăm phường Bắc Hồng, một trong những khu đô thị văn minh kiểu mẫu của thị xã Hồng Lĩnh, không ít người phải trầm trồ với hình ảnh “khu dân cư đáng sống”. Ðường thông, hè thoáng, cây xanh, rãnh thoát nước sạch sẽ, nhà cửa sáng sủa, không khí trong lành.

Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 5 Hà Huy Lục cho biết, khu dân cư này trước đây không được đẹp thế, bởi đây là khu vực “phố cổ” của “thị xã cũ”, đường sá chật hẹp, hè phố gần như không có. Ðổi thay đến sau khi cán bộ, đảng viên quán triệt quyết tâm của Thị ủy đưa Hồng Lĩnh trở thành đô thị loại III. Không chỉ cán bộ, đảng viên mà cả những người cao niên, người có uy tín cũng tham gia vận động, người có của thì hiến của, không có của thì hiến sức, hiến đất. Các gia đình tự giác nhường đất làm đường cùng với sự hỗ trợ của chính quyền nên mới có được những đường phố đẹp, khu đô thị văn minh kiểu mẫu như ngày hôm nay. Khi đã có được con đường đẹp, mỗi người như đã thành nếp vẫn tiếp tục ủng hộ, vận động người thân ủng hộ để làm đẹp cảnh quan, môi trường, mỹ quan đô thị được tu bổ thêm. Nhờ sự đóng góp của người dân mà thị xã có hàng chục ki-lô-mét đường, tuyến phố văn minh. Tham quan phố Thái Kính, một tuyến đường ven thị xã, là mô hình tiêu biểu Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng thấy được cảnh này.

Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 phường Ðậu Liêu Bùi Văn Ánh cho biết, trong quá trình thi công cũng có một vài trường hợp các gia đình cản trở do ảnh hưởng lợi ích. Sau khi được vận động, tuyên truyền, khơi dậy tình làng nghĩa xóm và nhất là hiểu rõ chủ trương của thị xã, các gia đình đều đồng thuận, hăng hái hiến đất làm đường. Nhìn con phố Thái Kính rộng hơn 20 m, thẳng tắp, được đắp cao đang dần hình thành, người dân nơi đây ai nấy đều vui mừng bởi sự đồng lòng nhất trí của cộng đồng. Tin rằng, với những “khu dân cư đáng sống” và sự quan tâm đến đời sống công nhân, nhiều người sẽ đến Hồng Lĩnh định cư, góp phần giúp thị xã thực hiện được mục tiêu xây dựng đô thị loại III.

Hà Tĩnh tạo đột phá để phát triển bền vững -0
Xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) đã đạt cả 20 tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: THU HÀ

Ðổi mới sinh hoạt chi bộ

Xuôi về phía nam tỉnh Hà Tĩnh tới thị xã Kỳ Anh, địa phương đã đạt tiêu chí đô thị loại III năm 2020, dễ dàng nhận thấy sự phát triển năng động của một đô thị nằm trong khu kinh tế. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2035, thị xã Kỳ Anh sẽ trở thành đô thị công nghiệp với tính chất là trung tâm kinh tế tổng hợp phía nam của tỉnh.

Quán triệt chỉ đạo của Trung ương và tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Thị ủy Kỳ Anh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng thực hiện các nhiệm vụ đột phá, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực tế ở nhiều địa phương đã cho thấy, muốn thu hút đầu tư và phát huy nội lực thì cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh thuận tiện là yếu tố đầu tiên và quan trọng. Kỳ Anh có lợi thế từ vị trí địa lý, vùng kinh tế, các dự án, khu công nghiệp đã được quy hoạch và đang nằm trong xu thế phát triển đi lên của cả vùng.

Từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Ðảng bộ thị xã đã có quyết định thay đổi lề lối sinh hoạt của cấp ủy và chi bộ. Cuối năm 2020, tại Thị ủy Kỳ Anh đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ và công tác đảng viên”. Hội thảo xác định chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sức sống, sự tồn tại, phát triển của chi bộ.

Theo đó, sinh hoạt chi bộ phải gắn với những chuyên đề cụ thể, sát thực tiễn. Ðảng viên phải chuẩn bị tài liệu tham luận để báo cáo, phản biện và chi bộ mời bí thư, phó bí thư các chi bộ khác cùng tham dự. Sau mỗi lần sinh hoạt chi bộ đều có nghị quyết để đảng viên thực hiện. Những chuyên đề hay, có tính sáng tạo, thiết thực, giải quyết được những hạn chế, bất cập sẽ được gửi lên cấp ủy cấp trên đưa vào nghị quyết. Thí dụ như chi bộ tổ dân phố đề ra nhiều sáng kiến trong sinh hoạt chi bộ thì đảng bộ phường sẽ đưa các sáng kiến này vào nghị quyết.

Trong sáu tháng thực hiện chuyên đề, đã có 147 chi bộ tổ chức sinh hoạt điểm để làm mẫu. Hiệu quả của hình thức sinh hoạt chi bộ mới đã tạo chuyển biến rõ rệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ðầu tiên là nâng cao nhận thức về vai trò của sinh hoạt đảng, thu hút sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị. Ðồng thời, giải pháp này giúp giải quyết được những vấn đề cụ thể ở địa phương, cơ quan, đơn vị với hiệu quả cao. Cách làm này cũng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy. Các buổi sinh hoạt chi bộ diễn ra sôi nổi, có những buổi còn được mở rộng, mời các giảng viên của trường chính trị và các đồng chí lão thành cách mạng tham gia như một cuộc tọa đàm nhỏ. Nhờ vậy, tình trạng “lười, ngại” học tập, nghiên cứu nghị quyết của một bộ phận cán bộ, đảng viên có xu hướng giảm.

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HÐND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh cho biết: Ngay sau Ðại hội Ðảng bộ thị xã Kỳ Anh lần thứ 2, Ban Thường vụ Thị ủy đã thành lập tổ tham mưu xây dựng các chuyên đề, chỉ đạo sinh hoạt điểm ba kỳ tại 26 chi bộ, tổ chức rút kinh nghiệm tại chỗ và hội nghị rút kinh nghiệm mở rộng. Kết quả bước đầu đã tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng bộ. Nói đến tính hiệu quả, thiết thực của các chuyên đề do chi bộ nêu ra, đồng chí Phan Duy Vĩnh nhận xét: Ðó là căn cứ quan trọng để Ban Thường vụ Thị ủy tổ chức hội thảo, nghiên cứu, xem xét ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Ðảng, ban hành hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể hóa việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ và công tác đảng viên.

Chúng tôi đã đến thăm xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, nơi có nhiều buổi sinh hoạt chi bộ thiết thực, hiệu quả. Những chuyên đề của các chi bộ đã giúp người dân tìm ra hướng đi mới trong trồng cây nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển công tác hội, đoàn, giữ gìn bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Ðảng ủy xã Kỳ Hoa Hoàng Minh Tám tin tưởng: Xã hiện có 6/6 thôn đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn xã phấn đấu đầu năm 2022 sẽ về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Niềm tin này xuất phát từ việc xã có hệ thống chính trị cơ sở mạnh, các bí thư chi bộ giàu kinh nghiệm, các hội, đoàn hoạt động hiệu quả. Ðơn cử như quỹ tiết kiệm của Hội Phụ nữ xã đã hỗ trợ nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, các phong trào “Ðường hoa”, “Năm không, ba sạch”, văn nghệ, thể thao phát triển mạnh. Tất cả những thành công trên có được nhờ nội dung của các buổi sinh hoạt chi bộ sát thực tế, nêu ra và giải quyết được nhiều vấn đề sát với đời sống người dân.

Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đã nêu ra những phương hướng và đột phá chiến lược quan trọng. Trong đó, một trong những đột phá quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển chung; khơi dậy sức mạnh văn hóa, con người Hà Tĩnh. Cùng với những chủ trương, chính sách có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn, tin rằng tỉnh sẽ thực hiện thành công những mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.