Đồng bào nam Tây Nguyên làm theo lời Bác

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần đoàn kết các dân tộc, tại Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên năm 2006, các già làng, người có uy tín đại diện các dân tộc tại Tây Nguyên đồng lòng xây dựng và thực hiện “Quyết tâm thư”, với năm nội dung cốt lõi, thể hiện niềm tin sắt son, một lòng theo Đảng, Bác Hồ như đi theo ánh sáng mặt trời.

Già làng truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Già làng truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Tháng 3/2006, tại Gia Lai, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên. Gần 500 già làng, người có uy tín trong các dân tộc anh em năm tỉnh Tây Nguyên tham dự. Hướng tới tương lai tươi sáng của Tây Nguyên và của đất nước, đại diện đồng bào các dân tộc trên miền đất bazan, các đại biểu thể hiện ý chí và nguyện vọng qua “Quyết tâm thư”, như kim chỉ nam cho các hoạt động. “Lời dạy của Bác Hồ về tinh thần đoàn kết các dân tộc trong Quyết tâm thư của các dân tộc Tây Nguyên, đồng bào luôn ghi nhớ. Qua các ngày hội của buôn làng, ngày hội đại đoàn kết hằng năm, mình đều đọc cho dân làng nghe. Nghe để thực hiện, làm theo lời dạy của Bác, chung tay góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh như mong ước của Người”, cựu chiến binh, già làng Điểu K’Lộc, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, bày tỏ.

Chúng tôi trở lại miền đất Anh hùng Đồng Nai Thượng, về với bà con buôn làng người Mạ, S’tiêng phía thượng nguồn sông Đồng Nai vào những ngày tháng 5. Miền đất “gian lao mà anh dũng” một thời đã đổi thay thật sự. Trong kháng chiến chống Mỹ, miền đất này là vùng căn cứ quan trọng thuộc Chiến khu D. Sau ngày đất nước thống nhất, một lần nữa nhân dân Đồng Nai Thượng lại bắt đầu cuộc chiến chống lại đói nghèo và giờ là cuộc sống ấm no trên xã nông thôn mới. Trong ngôi nhà mới khang trang, già làng Điểu K’Lộc chia sẻ: Lúc sinh thời, chưa một lần Bác Hồ đến với Tây Nguyên, nhưng trong trái tim Người luôn dành những tình cảm sâu sắc với vùng đất này. Bởi thế, Quyết tâm thư của Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên thể hiện ý chí và nguyện vọng các dân tộc trên vùng đất đại ngàn, luôn hướng tới tương lai tươi sáng theo mong ước của Bác Hồ.

Theo già làng Điểu K’Lộc, trong Quyết tâm thư có nội dung mà bà con ở các buôn làng luôn ghi nhớ: Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bày tỏ niềm tin son sắt và mãi mãi đi theo con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn như mãi mãi đi theo ánh sáng mặt trời. Quyết tâm ghi tạc và nguyện thực hiện tốt nhất lời dạy của Bác Hồ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Xuôi dòng Đồng Nai cuộn đỏ màu đất bazan, ngược phía cao nguyên B’Lao, mùi hương cây trái dìu dịu trên đường về xã anh hùng Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Dưới chân đỉnh Kon K’Làng, trong ngôi nhà truyền thống người Mạ, già làng K’Sáu mở lời: Xưa, buôn làng đói cơm, thiếu áo, nhưng bà con ở các buôn P’Ru, Đăng N’Hal, Pang Kar, Đạ Nur… đều nhất tề theo cách mạng, bảo vệ buôn làng. “Lộc Lâm vinh dự được Đảng và Nhà nước công nhận xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân hai lần đó. Phát huy lời dạy của Bác Hồ và truyền thống cách mạng xã anh hùng, bà con mình đã giúp nhau vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Xã đã cán đích nông thôn mới rồi, bà con mình vui lắm”, già K’Sáu cho biết. 

Theo già K’Sáu, huyện Bảo Lâm có 20 dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người Mạ, Cơ Ho; với hàng chục già làng, người có uy tín. Với vai trò và uy tín của mình, họ đã cùng với các tổ chức đảng, chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con buôn làng đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống mới và đồng lòng thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên, lời dạy của Bác Hồ trong thư gửi Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946, xây dựng quê hương, buôn làng phát triển vững chãi như dãy Trường Sơn, như ngọn Chư Yang Sin, Bidoup, núi Bà sừng sững giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. “Quyết tâm thư nói rồi: Người Tây Nguyên thề trước thần linh và trời đất, nguyện cùng đồng bào cả nước mãi mãi gìn giữ trọn vẹn và làm giàu vùng đất thiêng của Tổ quốc”, già làng K’Sáu nói.

Tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số hơn 25,7% dân số; hiện toàn tỉnh có 479 già làng, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Thời gian qua, phong trào học tập và làm theo Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku của Bác Hồ, Quyết tâm thư của Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên trở thành nội dung thi đua sâu rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động. Bức thư của Bác ngắn gọn, lời thư mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu, nhưng chứa đựng vô vàn tình yêu thương, tình đoàn kết dân tộc. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng Bon Yô Soan cho biết: “Thấm nhuần lời căn dặn của Bác và thực hiện “Quyết tâm thư”, già làng, người uy tín trên vùng đất nam Tây Nguyên luôn nêu gương sáng, tích cực tuyên truyền, vận động bà con buôn làng nghe theo cái hay, làm theo cái đúng. Họ là những người “truyền lửa”, tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc”. 

Trong nhiều năm qua, Lâm Đồng phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, nhất là vùng dân tộc thiểu số của tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả, đã tiếp thêm sinh khí và mang lại bộ mặt tươi mới cho vùng đất nam Tây Nguyên. Toàn tỉnh có ba huyện và 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt hơn 66 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,99%, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 2,77%. Đời sống người dân khởi sắc; điện, đường, trường học, cơ sở y tế và nhiều công trình hạ tầng, phúc lợi đã hình thành nhiều hơn trên những vùng đất từng lạc hậu, đói nghèo. 

Tháng 5, trời cao nguyên xanh vời vợi. Chia tay những buôn làng trên miền đất nam Tây Nguyên mang theo biết bao cảm xúc tươi mới. Để có dáng nét của những vùng quê trù phú và yên bình hôm nay, đồng bào các dân tộc trên miền cao nguyên đất đỏ luôn ghi lòng tạc dạ lời dặn thiêng liêng của Bác, vững niềm tin theo Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như mong ước của Người.