Đánh giá công bằng để tạo động lực cho cán bộ

NDO -

Đội ngũ cán bộ, công chức huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) đang chịu sức ép lớn khi địa phương này tăng tốc để thoát khỏi thế “độc canh nông nghiệp”, chuyển mạnh sang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, một loạt chỉ tiêu, nhiệm vụ tỉnh giao cho huyện, huyện giao cho xã buộc phải hoàn thành đúng tiến độ.

Khen thưởng các tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh 5 năm liền.
Khen thưởng các tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh 5 năm liền.

Để tạo động lực cho cán bộ làm việc, Ban Thường vụ Huyện ủy Lập Thạch triển khai nhiều giải pháp về công tác cán bộ, trọng tâm là nâng cao tinh thần trách nhiệm, khơi dậy lòng nhiệt tình của cán bộ, công chức.

Quan trọng nhất là đánh giá đúng cán bộ

Để cán bộ gắn bó, say sưa với công việc, theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Ngọc Anh, cần nhất là đánh giá cán bộ khách quan, công tâm, công bằng, thực chất. Người làm được việc phải khác với người không làm được việc. Cán bộ được đánh giá đúng, được ghi nhận kịp thời sẽ yên tâm làm việc.

Để việc đánh giá cán bộ sát thực tế, Huyện ủy Lập Thạch bám sát hướng dẫn về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, sau đó giao chỉ tiêu cho từng phòng, ban, bí thư, chủ tịch các xã, thị trấn. Hằng quý, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy nghe tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đối với những chỉ tiêu khó thực hiện, huyện tổ chức các đoàn công tác về cơ sở bàn bạc cách giải quyết. Các chỉ tiêu quan trọng như giải ngân vốn đầu tư công, kết nạp đảng viên, kiểm tra, giám sát đảng viên có dấu hiệu vi phạm... được Huyện ủy đôn đốc nhiều lần.

Khi thấy nhiều cơ sở gặp khó khăn trong kết nạp đảng viên, Huyện ủy triệu tập cuộc họp với bí thư các chi, đảng bộ cơ sở, đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn. Nhờ đó, tình hình kết nạp đảng chuyển biến tốt, toàn huyện kết nạp được 219 đảng viên mới trong năm 2021.

Giải ngân vốn đầu tư công là một chỉ tiêu “cứng”, tạo áp lực lớn lên đội ngũ chuyên môn. Trưởng phòng Tài chính huyện Trần Tuấn Anh tâm sự: Cán bộ của Phòng phải đến cơ quan làm việc cả thứ bảy, chủ nhật. Không thể làm tại nhà vì liên quan đến hồ sơ, nhất là hồ sơ đầu tư. Anh em động viên nhau nỗ lực hết sức để đạt bằng được chỉ tiêu tỉnh, huyện giao. Cuối năm 2021, chỉ tiêu đạt được và đơn vị được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

canbo-1654585322204.jpg
Cán bộ Phòng Tài chính huyện thường xuyên làm việc cả ngày nghỉ để hoàn thành khối lượng công việc. 

Huyện ủy thành lập hai hội đồng đánh giá của khối Đảng và khối chính quyền để đánh giá người đứng đầu các đơn vị trực thuộc. Quá trình đánh giá có sự đối chứng giữa các phòng, ban và các xã, thị trấn. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng tổ chức đánh giá, xếp loại đối với bí thư, phó bí thư các chi, đảng bộ cơ sở. Việc đánh giá cán bộ có nhiều thông tin hơn nên bảo đảm chính xác hơn. Thực tế cho thấy, cấp ủy cơ sở thường nể nang, xếp loại cán bộ đều xuất sắc. Khi đưa lên thì huyện đánh giá “sòng phẳng” đối với ưu, khuyết điểm của từng người, bảo đảm tỷ lệ xuất sắc toàn huyện không quá 20%, do đó, nhiều đồng chí bị hạ bậc thi đua.

Năm 2021, trong số 120 huyện ủy viên, bí thư, phó bí thư của các chi, đảng bộ cơ sở được đánh giá, xếp loại, chỉ có 20 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 91 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, 7 đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và 2 đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả đánh giá được công khai đến các tổ chức đảng và được Huyện ủy sử dụng để xem xét luân chuyển cán bộ.

Quản lý chặt chẽ cán bộ

Từ năm 2018 đến nay, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Lập Thạch thực hiện quản lý trực tiếp gần 500 cán bộ, đến hiệu trưởng các trường, trưởng các đoàn thể cấp xã. Cách làm này giúp Huyện ủy nắm chắc đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, bảo đảm chặt chẽ tiêu chuẩn cán bộ cấp xã, hạn chế tình trạng đưa con, cháu, người thân không đủ tiêu chuẩn, uy tín vào bộ máy.

Các đơn vị trực thuộc huyện cũng tăng cường quản lý cán bộ theo hướng giao nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nguyễn Văn Thái cho biết: Phòng chỉ có 6 cán bộ mà công việc lại nhiều, lãnh đạo Phòng phân chia mỗi người chịu trách nhiệm một lĩnh vực. Khi có mưa bão, 6 người chia nhau đi 6 khu vực, ai cũng phải nắm rõ luồng tiêu thoát nước, nơi nào có nguy cơ sạt lở, hồ đập nào có nguy cơ tràn. Cán bộ Phòng Nông nghiệp đã quen làm việc cả ngoài giờ, ngày nghỉ, phải trực tại cơ quan khi có mưa lũ. Ghi nhận nỗ lực đó, tập thể Phòng Nông nghiệp và cá nhân đồng chí Trưởng phòng được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021.

shcb-1654585323829.jpg
 Lãnh đạo Huyện ủy dự sinh hoạt chi bộ tại thôn Phú Ninh, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch.

Luân chuyển cán bộ cũng là giải pháp đem lại hiệu quả rõ nét tại Lập Thạch. Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Thực tế, luân chuyển cán bộ tại các xã Triệu Đề, Xuân Lôi, Liễn Sơn tạo chuyển biến rất tích cực. Luân chuyển cán bộ cấp xã khiến cho những cán bộ “sống lâu lên lão làng” không còn độc đoán, bảo thủ, trì trệ nữa. Khi được điều động sang địa phương khác, tư duy, nền nếp, tác phong cán bộ xã thay đổi rất rõ. Hiện nay toàn huyện có một phần ba người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã không phải là người địa phương. Thực tế cho thấy, nếu cán bộ ở địa phương đang làm tốt thì sang địa phương khác cũng sẽ làm tốt.

Để siết chặt kỷ luật lao động, nhiệm kỳ này Huyện ủy đề cao công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Qua kiểm tra cho thấy còn nhiều cán bộ xã hạn chế về năng lực chuyên môn, khó sắp xếp công việc quản lý nhà nước. Một bộ phận cán bộ xã yếu về công nghệ thông tin dẫn đến hạn chế trong công tác điều hành. Việc giải quyết các tồn tại, vi phạm đất đai, giải phóng mặt bằng công trình, dự án trọng điểm còn chậm. Do đó, việc cải thiện năng lực cán bộ cấp xã, tăng cường trách nhiệm cán bộ cấp huyện là nhiệm vụ hàng đầu của Lập Thạch trong nhiệm kỳ này.

Điểm nổi bật trong công tác cán bộ của Lập Thạch chính là sự đồng thuận cao trong tập thể cấp ủy huyện, các cấp ủy cơ sở. Điều này xuất phát từ quan điểm làm việc của Ban Thường vụ Huyện ủy là vì cái chung, nhất là trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Đồng chí Hà Đình Nhã, Bí thư Huyện ủy Lập Thạch chia sẻ: Ban Thường vụ Huyện ủy cố gắng tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng đối với các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhất là thông qua công khai quy hoạch, lựa chọn cán bộ công tâm, khách quan. Vừa qua, huyện đã sắp xếp một bước đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng sở trường công tác.

Những giải pháp về công tác cán bộ của Lập Thạch đang phát huy tác dụng, giúp địa phương hoàn thành nhiều việc khó, việc mới. Trong bối cảnh thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp thì việc động viên, chia sẻ trách nhiệm, đánh giá cán bộ khách quan, chính xác là rất cần thiết.