Dân vận khéo gắn với bốn trọng tâm ở Bắc Kạn

Thời gian qua, Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo các cấp ngành, địa phương thực hiện dân vận khéo gắn với bốn nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Từ cách làm mới, nhiều mô hình thiết thực đã xuất hiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Đồng bào Dao thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn chăm sóc cây quế.
Đồng bào Dao thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn chăm sóc cây quế.

Bốn trọng tâm mới được tỉnh Bắc Kạn xác định cho giai đoạn 2020-2025, gồm: nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến căn bản trong công tác cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản. Với mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn quyết định chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” với mô hình gắn với bốn nhiệm vụ trọng tâm.

Chúng tôi tới thôn Tân Thành, xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn), chứng kiến một mầu xanh ngút mắt của những sải rừng quế nơi đây. Có được điều này một phần lớn nhờ vào mô hình dân vận khéo “Vận động nhân dân trồng cây quế để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo” do Chi bộ thôn thực hiện.

Để triển khai thực hiện mô hình, từng đảng viên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói, giảm nghèo, trong đó phát triển trồng quế là cây chủ lực. Nhờ làm tốt công tác dân vận và triển khai có hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” đã đăng ký, hiện nay, thôn Tân Thành có gần 300 ha cây quế, tất cả 84 hộ có đồi quế. Từ năm 2018 đến nay, toàn thôn trồng lại sau khai thác được hơn 50 ha quế. Với giá trị khoảng 200-250 triệu đồng/ha khi đến tuổi khai thác, cây quế đem lại nguồn thu nhập khá cho các hộ trồng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào Dao nơi đây.

Từ năm 2018 đến nay, những chiếc gùi tại thôn Vằng Bó, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông có thêm chức năng là những “thùng rác treo” giúp bảo vệ môi trường. Vốn là đạo cụ trong buổi diễn văn nghệ tại xã, nhưng thấy bỏ đi thì lãng phí, chị Bàn Thị Ngân, Chi hội trưởng Phụ nữ Vằng Bó đã cùng hội viên tận dụng làm thùng rác treo trên cao tại những địa điểm đông người qua lại. Từ ngày có những thùng rác treo này, đường làng ngõ xóm thêm sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và học sinh trong thôn được nâng lên. Bên cạnh đó, con đường hoa dài hàng trăm mét tô thêm cảnh sắc quê hương cũng được chị em phụ nữ trong thôn trồng, chăm sóc cẩn thận. Cứ vào ngày 25 hằng tháng, khoảng 30 chị em phụ nữ Vằng Bó lại cùng nhau vệ sinh đường giao thông nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Qua một thời gian triển khai, hầu hết mô hình dân vận khéo đã đi đúng chủ trương chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các xã, phường, thị trấn đều nhận thức rõ, lựa chọn mô hình cụ thể, gắn với thực tiễn địa phương. Như tại xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, các mô hình đều có nội dung cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có tính bền vững, sức lan tỏa trong cộng đồng. Tiêu biểu như: Mô hình vận động người dân thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã; vận động hội viên thực hiện tốt phong trào “Sạch nhà tốt ruộng” của Chi hội Nông dân thôn Đông Tạo; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi của chị Nguyễn Thị Hiền, cán bộ thú y xã; tuyên truyền, vận động chị em thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Hội của chị Lý Thị Đào, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Khuổi Tục…

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn Ma Từ Đông Điền cho biết, qua triển khai cách làm mới, các mô hình đều gắn với nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, địa phương, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay.

Cách làm hay đã thổi luồng gió mới vào thực hiện phong trào dân vận khéo. Từ năm 2009 đến 2017, Bắc Kạn chỉ có khoảng 700 mô hình, trong đó, nhiều mô hình được cho là “gượng ép” thì nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó, có hơn 1.350 mô hình đăng ký mới, hơn 650 mô hình duy trì. Các mô hình đăng ký đều gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội tại địa phương, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vận động nhân dân chung tay phòng, chống dịch Covid-19.