Gửi trọn niềm tin

Công tâm, khách quan trong đánh giá, lựa chọn cán bộ

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tài, có đức và trong sạch, vững mạnh là yêu cầu tất yếu bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, đồng thời là mong muốn chung của nhân dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều bài học đau xót về công tác cán bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trong nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, đã bị xử lý kỷ luật.

Trao quyết định kết nạp Đảng cho đảng viên trẻ. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Trao quyết định kết nạp Đảng cho đảng viên trẻ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân quan trọng là việc đánh giá cán bộ chưa công tâm, khách quan, chưa thực chất, không phải vì yêu cầu công việc. Có những cán bộ được đánh giá tốt, với lý lịch đẹp, bảo đảm các tiêu chí được bổ nhiệm, nhưng ít lâu sau đó lại bị kỷ luật, bị xử lý hình sự. Thực tế đó đòi hỏi, việc chống tha hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã và đang được Đảng làm mạnh nhưng vẫn cần quyết liệt hơn nữa.

Đánh giá, lựa chọn cán bộ là khâu gắn kết, là căn cứ quan trọng để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ. Đây là cơ sở để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng cán bộ suy thoái, sai phạm trong công tác. Để công khai, công tâm trong đánh giá cán bộ, cần thể chế, cụ thể hóa chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp về công tác cán bộ và đánh giá cán bộ bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Các tiêu chí đánh giá cán bộ có căn cứ khoa học, trên cơ sở hiệu quả công việc thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân. Cần xem xét, đánh giá cán bộ trong cả quá trình.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch kết quả đánh giá cán bộ để phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, đơn vị trong xây dựng đội ngũ cán bộ, có tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát công tác cán bộ, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá, lựa chọn cán bộ.

Công khai, dân chủ là vấn đề có tính nguyên tắc, được thể hiện trong toàn bộ quy trình đánh giá, lựa chọn cán bộ. Thế nhưng thực tế ở một số nơi nguyên tắc này chưa được thực hiện nghiêm túc. Có nơi, đánh giá cán bộ vẫn được coi là việc riêng của cấp ủy. Sự thiếu dân chủ, thiếu công bằng, thiếu minh bạch trong đánh giá cán bộ, là nguyên nhân dẫn tới những tiêu cực trong công tác cán bộ. Đó là, tình trạng cấp dưới phụ thuộc, thụ động vào cấp trên, lo lắng xây dựng các mối quan hệ thân thiện hơn là lo lắng, chú tâm vào công việc… Cần tạo môi trường làm việc để cán bộ được sáng tạo, cạnh tranh bình đẳng, phát huy tài năng, sở trường. Phải bảo đảm để năng lực thật sự của cán bộ được ghi nhận công bằng, công tâm.

Nguyễn Thị Vân Quỳnh (phường 16, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh)