Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chấm dứt tình trạng tiệc tùng không lành mạnh, lãng phí

Tình trạng liên hoan, tiệc tùng, gặp mặt với những động cơ không trong sáng ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương; chuyện rượu chè bê tha, của nhiều cán bộ, đảng viên đang là vấn đề lo ngại.

Đây là một trong những nhân tố đóng góp vào “thành tích”, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia và là một trong những nước tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới. Những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống ấy đã được Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ ra, cần phải ngăn chặn, loại bỏ triệt để.

Từ việc “rửa quyết định đề bạt”, đến tổng kết năm, khởi công công trình, kết thúc tập huấn, đón tiếp cấp trên…, việc gì cũng có thể liên hoan, cũng có thể thành cớ để nhậu nhẹt. Đầu năm 2016, một phó giám đốc sở ở tỉnh Nghệ An, ngay sau khi nhận quyết định bổ nhiệm đã tổ chức tiệc giao lưu tưng bừng mừng chức vụ mới tại nhà hàng, sau còn đưa ảnh lên phây-búc (Facebook), khiến dư luận rất bức xúc. Cuối năm 2016, một vụ hỏa hoạn tại quán ka-ra-ô-kê trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào lúc hai giờ chiều ngày làm việc.

Đáng buồn là trong số các nạn nhân có nhiều người là cán bộ nguồn của một số địa phương đang tham gia lớp cao cấp lý luận chính trị dành cho trưởng, phó trưởng phòng cấp sở. Thi xong môn học, nhóm học viên tổ chức liên hoan rồi đi hát và hậu quả thật đau lòng khi 11 người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn này. Tình trạng uống rượu, bia quá đà ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, đến công việc hằng ngày của nhiều cán bộ. Nhiều cuộc nhậu nhẹt kéo dài suốt trưa, thì buổi chiều số cán bộ này coi như nghỉ việc hoặc có làm việc cũng vật vờ!

Một hệ lụy khác của tình trạng liên hoan, tiệc tùng quá nhiều đó là việc lạm chi. Tiền chi tiếp khách ở không ít cơ quan vượt gấp nhiều lần quy định, có cơ quan nợ nần dây dưa qua nhiều năm không thể quyết toán được. Thế là úm ba la người ta phù phép bằng cách khai gian, lập chứng từ giả để hợp thức hóa. Tháng 7 - 2016, dư luận râm ran tin đồn một xã nghèo ở huyện Ba Vì (Hà Nội) đang nợ đọng ngân sách nhiều tỷ đồng, nhưng trong đó có tới hàng trăm triệu đồng chi tiêu cho ăn uống, tiếp khách, hát ka-ra-ô-kê, đi tham quan, du lịch,...

Hệ quả của những tha hóa kiểu này kéo theo sự tha hóa khác nghiêm trọng hơn. Ở một số đơn vị người ta đẻ ra các khoản thu vừa bất hợp lý, vừa bất hợp pháp để có nguồn chi cho các cuộc liên hoan, chè chén. Các quỹ đen thường được hình thành từ những nguồn này. Điều đáng nói ở đây là không ít các khoản thu “trên trời” như vậy lại đánh trực tiếp vào những người dân nghèo, làm cho cuộc sống của họ đã khó khăn lại khó khăn hơn. Việc nhậu nhẹt, lạm thu đang gây bất bình trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân.

Các cuộc liên hoan, tiệc tùng thường vi phạm các chuẩn mực về văn hóa. Nhiều người bị say đổ gục trên bàn tiệc. Việc liên hoan, chè chén phổ biến như hiện nay, có nguyên nhân gián tiếp đến từ những thói quen sinh hoạt trong làng xóm. Đó là kiểu "phú quý sinh lễ nghĩa", ăn khao, trả nợ miệng đã có từ lâu trong xã hội cũ. Khi đời sống kinh tế không còn khó khăn, thói quen này ngày trở nên phổ biến. Liên hoan, ăn tiệc không phải là việc xấu, nhưng biến chúng thành cơ hội vì động cơ không trong sáng đang là một vấn đề đáng lo ngại ở không ít cơ quan, đơn vị.

Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là sự suy thoái ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có lối sống dễ dãi, buông thả, thiếu tu dưỡng, rèn luyện; việc giám sát, phê bình, tự phê bình trong đơn vị không tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Trong nhiều trường hợp việc liên hoan, tiệc tùng trở thành không lành mạnh, thiếu văn hóa, mang động cơ không trong sáng, dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, cần khắc phục ngay, càng sớm càng tốt.

Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã yêu cầu: rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; khắc phục ngay tình trạng ăn uống, chè chén, "liên hoan", "gặp mặt" không lành mạnh, với động cơ không trong sáng. Trước Tết Dương lịch năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Điểm đầu tiên trong Quy định này là "Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít-tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi".

Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp yêu cầu: "Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức...; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực". Chỉ thị này bước đầu đã góp phần hạn chế tình trạng uống rượu, bia say xỉn trong ngày làm việc, nhưng việc chấp hành ở nhiều cơ quan còn chưa nghiêm.

Để Nghị quyết của Trung ương, Quy định của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được chấp hành nghiêm, thì quan trọng nhất là ở khâu tổ chức thực hiện.

Về tư tưởng và nhận thức, từng cơ quan đơn vị, từng cán bộ, đảng viên phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; lấy phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị của Bác Hồ làm tấm gương để soi mình vào hằng ngày.

Từng cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc, văn hóa công sở, trong đó nhấn mạnh việc chấp hành nghiêm quy định cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát (bao gồm cả giám sát từ quần chúng, nhân dân) về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, người lao động. Bất cứ ai vi phạm phải bị nghiêm khắc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nêu cao vai trò đi đầu, gương mẫu, thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới khi xảy ra hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên, người lao động thuộc diện mình quản lý.