Bước đột phá trong tạo nguồn, rèn luyện cán bộ

Về xây dựng đội ngũ cán bộ, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ... Chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số ở các cấp, nhất là ở cơ sở”. Đây là vấn đề còn nhiều bất cập, hạn chế tại nhiều cấp ủy, ngành, đơn vị, địa phương qua nhiều nhiệm kỳ. Từ thực tiễn đặt ra, ba năm qua, Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp mang lại kết quả tích cực, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm cùng vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết…  

Một buổi sinh hoạt mẫu do Chi bộ Tỉnh đoàn Thanh niên Yên Bái tổ chức. Ảnh: MỸ VÂN
Một buổi sinh hoạt mẫu do Chi bộ Tỉnh đoàn Thanh niên Yên Bái tổ chức. Ảnh: MỸ VÂN

Chính sách tạo nguồn mang tính đột phá

Từ những khảo sát đánh giá và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” (Đề án số 11-ĐA/TU, ban hành ngày 8/8/2018). Đề án nhằm xây dựng và đào tạo nguồn cán bộ trẻ, nữ, người DTTS của tỉnh có đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn mới.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Chu Đình Ngữ trao đổi, từ các tiêu chí của tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tiến hành giới thiệu ba nghìn cán bộ trẻ, nữ và DTTS trong toàn tỉnh thật sự nổi trội, có triển vọng phát triển. Tỉnh ủy sơ tuyển gần 400 nhân sự tham gia Đề án, được phân loại theo các lĩnh vực gồm: kinh tế - tài chính, nông - lâm nghiệp, kỹ thuật, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, nội chính. Thông qua các kỳ thi và sát hạch khắt khe, toàn tỉnh đã lựa chọn được 150 cán bộ; trong đó có 60 cán bộ trẻ, 45 cán bộ nữ, 45 cán bộ người DTTS tham gia Đề án. 

Tiếp đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân sự nêu trên được tỉnh chú trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Để công tác quản lý, sử dụng cán bộ một cách hệ thống, tỉnh Yên Bái đã ban hành Quy định về quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ tham gia Đề án. Đồng thời tỉnh đầu tư nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng nhân sự: Phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hai lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho cán bộ trẻ, nữ, DTTS; tuyển chọn 54 cán bộ thuộc Đề án đi học tập kỹ năng lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài…

Tại huyện Văn Chấn, địa phương có tới 14 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ người DTTS cao, khi thực hiện Đề án, thì “bài toán” khó lâu nay về nguồn cán bộ kế cận, nhất là cán bộ người DTTS cơ bản đã có lời giải. Theo đó, huyện có tới 11 đồng chí tham gia Đề án. Huyện cũng chủ động đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ tại chỗ… Việc làm này đã khắc phục tình trạng hụt hẫng, mất cân đối cơ cấu trong công tác cán bộ của địa phương, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Văn Chấn Hà Thị Thanh Uyển cho biết.

Được biết, gắn liền quá trình triển khai Đề án, tỉnh tổ chức 131 lượt cán bộ trẻ, 23 lượt cán bộ nữ và DTTS tham dự các kỳ họp của HĐND tỉnh. Tỉnh ủy bố trí tất cả cán bộ Dự án tham gia dự đại hội đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đưa vào cơ cấu để đại hội bầu được 40 đại biểu dự đại hội cấp trên cơ sở; 23 đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh… Qua đó đã bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý qua thực tiễn tổ chức, điều hành các hội nghị cho đội ngũ này.  

Môi trường rèn luyện và sàng lọc 

Ba năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái quản lý trực tiếp đối với 100% nhân sự của Đề án; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ Đề án gắn với quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và các cơ quan, địa phương. Qua đó tỉnh đã mở rộng và tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, DTTS được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Tỉnh đã rà soát, bổ sung quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với 51 đồng chí trong đó có 25 cán bộ trẻ, 12 cán bộ nữ, 14 cán bộ người DTTS. Đồng thời đã tiến hành bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, tăng cường đối với 72 lượt cán bộ (cán bộ trẻ 33 lượt, cán bộ nữ 18 lượt, cán bộ người DTTS 21 lượt…). Trong số đó, Nguyễn Văn Hòe là một trong những cán bộ trẻ ở huyện vùng cao Trạm Tấu. Năm 2019, khi đang công tác tại Văn phòng Huyện ủy, anh được điều động về làm Chủ tịch UBND xã Xà Hồ. Anh kể, dù qua đào tạo bài bản, khoa học, nhưng khi về cấp cơ sở, vẫn phải tăng cường rèn luyện bằng cách gần dân, sát dân, tìm hiểu phong tục, tập quán địa phương mới triển khai được các nhiệm vụ. Với những nỗ lực đó, hai năm qua anh đã thực hiện tốt chức trách, tạo uy tín cao trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Phường Đồng Tâm được chọn thí điểm xây dựng đô thị thông minh cho TP Yên Bái và tỉnh. Đồng chí Đỗ Thị Lan Phương là cán bộ nữ thuộc thế hệ 8X được điều chuyển từ thành phố về giữ cương vị  Bí thư Đảng ủy phường. Với công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, gắn liền coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nữ Bí thư trẻ đã cùng tập thể lãnh đạo phường Đồng Tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực công tác trên địa bàn.

Công tác luân chuyển, điều động nhân sự cán bộ của Đề án được thực hiện gắn với công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhân sự ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026, kết hợp điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 40 nhân sự của Đề án là cấp ủy viên cấp cơ sở; cấp ủy viên cấp trên cơ sở là 24. Nhân sự của Đề án được bổ nhiệm giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 12 người. Cán bộ được giới thiệu ứng cử để bầu đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 26 đồng chí, trong đó sáu cấp tỉnh, 12 cấp huyện. 

Để nhân sự trong Đề án thật sự là những đồng chí có năng lực công tác, có tố chất, triển vọng phát triển, tỉnh coi trọng việc đánh giá và rà soát, từ đó đã đưa ra khỏi Đề án 13 đồng chí, có cả những cán bộ lãnh đạo. Đồng thời, chủ động phát hiện, lựa chọn cán bộ có đủ tiêu chuẩn, năng lực, uy tín để giới thiệu tham gia Đề án. Quá trình này toàn tỉnh đã tuyển chọn, bổ sung 50 nhân sự vào Đề án, trong năm 2021 (25 cán bộ trẻ, 15 cán bộ nữ, 10 cán bộ người DTTS), bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Đến nay, đã có 35 đồng chí cán bộ thuộc Đề án được luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện. Nhiều đồng chí được bổ nhiệm chức vụ cao hơn; nhiều đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; còn lại hầu hết được quy hoạch vào cấp ủy, các chức danh lãnh đạo các cấp.

Cần quyết liệt và đồng bộ hơn  

Với kết quả sau ba năm thực hiện, Tỉnh ủy Yên Bái đánh giá, Đề án 11 là giải pháp mang tính đột phá với tư duy đổi mới về công tác cán bộ. Thực tế cho thấy hiệu quả đồng bộ từ khâu tạo nguồn, lựa chọn được những nhân sự nổi trội, có triển vọng phát triển, việc bố trí đến sử dụng cán bộ. Đồng thời, Đề án khơi dậy được tinh thần, khát vọng cống hiến, năng động, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, người DTTS.

Mù Cang Chải là huyện miền núi, với hơn 90% số dân là người DTTS, Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên cho biết: Huyện có ba nhân sự trúng tuyển vào Đề án. Qua ba năm tham gia Đề án cho thấy, trình độ năng lực các đồng chí này được nâng lên, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao... 
  
Tuy nhiên, cùng với những kết quả tích cực, thực tế khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh cũng cho thấy nhân sự tham gia Đề án còn mất cân đối về cơ cấu ngành, lĩnh vực (cán bộ thuộc các lĩnh vực kinh tế, nông lâm nghiệp, văn hóa, giáo dục, nội chính chiếm tỷ lệ cao; cán bộ thuộc lĩnh vực kỹ thuật, y tế chiếm tỷ lệ thấp), có nơi thực hiện còn mang tính hình thức, chưa lựa chọn được cán bộ thật sự nổi trội, có tố chất, triển vọng phát triển. Một số tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ tham gia Đề án chưa phù hợp điều kiện, tình hình thực tiễn. Còn những nhân sự “lọt” vào Đề án nhưng thiếu tâm huyết, khát vọng cống hiến, chưa thể hiện sự nỗ lực… qua sàng lọc phải đưa ra khỏi Đề án. 

Về phương hướng xây dựng, phát huy vị trí, vai trò của cán bộ trẻ, nữ,  DTTS thông qua việc thực hiện Đề án, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương cơ quan, đơn vị nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Đề án. Tỉnh cũng tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ Đề án gắn với quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh theo hướng mở rộng và tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, DTTS  được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp…

Từ thực tế Yên Bái cũng cho thấy, qua xác định rõ vị trí, vai trò của cán bộ nữ, cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị, để công tác này đạt kết quả cao hơn, các cấp, các địa phương cần cơ chế phối hợp tốt từ khâu tuyển dụng, tạo nguồn đến đào tạo, quy hoạch, luân chuyển và sử dụng. Gắn liền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, DTTS tham gia tập thể lãnh đạo, quản lý ở các cấp theo quy định. Bên cạnh đó, bản thân lực lượng này cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành tấm gương, những nhân tố điển hình, lan tỏa trong cộng đồng…