Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Bài học về xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), trên tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, các cấp ủy đảng ở TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, qua đó, rút ra nhiều bài học quan trọng.

Theo Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong năm 2017, ở cấp cơ sở, toàn Đảng bộ thành phố có 447 trường hợp cán bộ, đảng viên bị kỷ luật. Bí thư Quận ủy Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường cho biết, quận đã thi hành kỷ luật đối với 20 đảng viên, nhiều hơn sáu trường hợp so với cùng kỳ. Qua rà soát, đối chiếu 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các chi bộ, đảng bộ cơ sở thuộc Đảng bộ quận đã phát hiện và đề nghị xóa tên, cho ra khỏi Đảng 14 trường hợp… Khi công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên nếu phát hiện đảng viên vi phạm sẽ có điều kiện chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý kịp thời. Nếu việc kiểm tra, giám sát không được thực hiện thường xuyên và kịp thời, thì khi phát hiện vi phạm đã quá muộn, không chỉ làm mất cán bộ, đảng viên mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Việc phải kỷ luật cán bộ tuy có “đáng buồn” nhưng đó cũng sẽ là bài học góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị; phát huy hiệu quả trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và quan tâm, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân.

Ở cấp trên cơ sở, năm 2017, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã thi hành kỷ luật ba tổ chức đảng bằng hình thức khiển trách; kỷ luật tám đảng viên (khiển trách ba trường hợp, cảnh cáo hai trường hợp, cách tất cả các chức vụ trong Đảng ba trường hợp). Trong số đó, có ba đồng chí Thành ủy viên đương nhiệm bị kỷ luật. Ngoài ra, UBKT Thành ủy cũng thi hành kỷ luật đối với 16 đảng viên (tăng bảy trường hợp so với năm 2016).

Đáng chú ý, Ban Thường vụ Thành ủy đã kỷ luật khiển trách đối với Bí thư Quận ủy Bình Tân Võ Ngọc Quốc Thuận. Việc kỷ luật này được đưa ra xem xét tại kỳ họp của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố một cách cẩn trọng, nghiêm túc. Theo đó, đồng chí Thuận có nhận được đơn thư tố cáo liên quan Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh về việc quản lý đất đai. Chưa bàn đến nội dung tố cáo, song, về nguyên tắc, thay vì phải báo cáo vụ việc với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý người bị tố cáo theo quy định, đồng chí Thuận lại chỉ đạo Công an quận thu thập tài liệu, điều tra vụ việc. Sai lầm này cho thấy đã có biểu hiện “duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình…”.

Tại quận 9, do cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở không hợp lý, 13 cán bộ quận bị phê bình, kiểm điểm. Trong đó có hai cán bộ nguyên là Chủ tịch UBND quận là đồng chí Đào Anh Kiệt (đã về hưu) và đồng chí Đặng Thị Hồng Liên (hiện là Bí thư Quận ủy quận 9). Còn tại quận 7, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thành ủy kết luận một số cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ quận “đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, ban hành văn bản sai quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, tạo điều kiện cho việc thực hiện hai công trình xây dựng trái phép với quy mô lớn, lấn chiếm rạch trái phép, xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng, gây hậu quả khó khắc phục, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quận”. Với sai phạm như vậy, Thành ủy đã kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Lê Trọng Hiếu, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, nguyên Bí thư Quận ủy đồng thời là Chủ tịch UBND quận 7.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang nhấn mạnh, bài học rút ra từ các vụ việc nêu trên đó là phải chú trọng nhiều hơn nữa việc đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ thành phố; chỉ đạo cải tiến quy trình kiểm tra, giám sát theo hướng sâu hơn, sát thực tế hơn; chủ động khảo sát, nắm tình hình, mời chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng nội dung các cuộc kiểm tra, giám sát. Phải kiểm tra, giám sát một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm như: Công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; công tác cổ phần hóa…

Về sai phạm trong công tác cán bộ, năm 2017, đồng chí Trần Trung Dũng, nguyên: Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố bị kỷ luật cảnh cáo do vi phạm nghiêm trọng quy chế làm việc của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Sở; thực hiện không đúng quy trình, quy định về công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, từ đó đã để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, quy định trong hoạt động thanh tra…

Năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy cũng thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với tập thể Ban Thường vụ Quận ủy Tân Phú (2010-2015); kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đồng chí Huỳnh Văn Hạnh, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Bí thư Quận ủy Tân Phú. Ngoài ra, hình thức cảnh cáo cũng được thi hành đối với nguyên Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tân Phú và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận hiện tại vì sai phạm ở nhiệm kỳ trước. Nguyên nhân và bài học rút ra trong vụ việc này là quận Tân Phú đã có thiếu sót, khuyết điểm là không thực hiện đúng các quy định về công tác cán bộ; việc quản lý, đánh giá, nhận xét cán bộ không đúng thực chất, dẫn đến bổ nhiệm và bổ nhiệm lại chức vụ Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận sai quy định. Cụ thể, do bố trí cán bộ không đúng quy định, không đủ tiêu chuẩn và thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến cán bộ chiếm dụng số tiền hơn 54 tỷ đồng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo UBKT Thành ủy, Ban Thường vụ Quận ủy Tân Phú đã thiếu kiểm tra, giám sát, không chỉ đạo UBND quận báo cáo về công tác bồi thường, cho nên thiếu thông tin về sai phạm trong công tác tài chính dẫn đến không phát hiện; không chỉ đạo kịp thời UBND quận chấn chỉnh các sai phạm tại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận, gây thất thoát kinh phí bồi thường nghiêm trọng (có cá nhân bị khởi tố hình sự); không nắm vững, thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, dẫn đến bố trí sai lầm cán bộ, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài.

Năm 2018, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, vi phạm pháp luật và chức trách công vụ. Chú trọng xử lý các thông tin từ bốn nguồn: Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; phản ánh của cử tri; phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên, nhân dân thông qua MTTQ; phản ánh của cơ quan báo chí. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp “chạy chức, chạy quyền”, các trường hợp bố trí cán bộ sai quy định, có biểu hiện “lợi ích nhóm”,… gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.