Xây dựng cán bộ cơ sở vùng Tây Bắc

Bài 2: Thay đổi tư duy, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm (Tiếp theo và hết) (★)

Dù cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng nhiều cán bộ cơ sở vùng miền núi Tây Bắc vẫn còn tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ, trong đó đề cao cán bộ dám nghĩ, dám làm… Quán triệt tinh thần này, các cấp uỷ đảng vùng núi Tây Bắc đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.

Bí thư Chi bộ thôn Thắc Hùng, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) Đặng Văn Hòa (bên phải ) tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống rét cho gia súc vụ đông.
Bí thư Chi bộ thôn Thắc Hùng, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) Đặng Văn Hòa (bên phải ) tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống rét cho gia súc vụ đông.

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, cùng sự đầu tư hiệu quả của Nhà nước tạo nhiều cơ hội cho các tỉnh miền núi Tây Bắc trong phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng do điều kiện địa hình chủ yếu là núi cao, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến đặt ra yêu cầu người cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách để tạo bứt phá.

Thời cơ và thách thức

Nhiều năm nay, xã vùng sâu Xuân Thượng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) được xem là "ốc đảo" do bị nhiều con suối chia cắt. Khi về nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND xã, đồng chí Nguyễn Văn Dũng có nhiều trăn trở và lăn lộn khảo sát thực tế. Anh mạnh dạn đề xuất với Sở Giao thông vận tải và lãnh đạo huyện Bảo Yên cho tận dụng bản thép mặt cầu Cốc Lếu cũ sau tháo dỡ để mang về địa phương làm cầu qua suối. Được chấp thuận, xã thuê kỹ sư thiết kế, vận động người dân đóng góp công sức, khai thác cát sỏi tại chỗ để làm 11 cây cầu kiên cố, nối liền trung tâm xã với các thôn, bản. Nhờ có cầu, hàng hóa nông sản của bà con được vận chuyển ra tận thị trấn Phố Ràng tiêu thụ. Nhiều gia đình đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Được giao đảm nhiệm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Thắc Hùng, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), đồng chí Đặng Văn Hòa đã nêu gương về tinh thần nỗ lực tự học, tự rèn luyện vươn lên. Xác định tri thức là chìa khóa thành công, anh kiên trì sắp xếp thời gian học hết trung học phổ thông rồi tiếp tục học đại học tại chức chuyên ngành công tác xã hội thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Anh tiên phong tìm hiểu, tiến hành trồng thử nghiệm hai loại cây thế mạnh của địa phương là chè Shan tuyết và thảo quả kết hợp chăn nuôi lợn đen. Buổi đầu khá vất vả vì thiếu kinh nghiệm, nhưng nhờ kiên trì học hỏi, áp dụng phương pháp nuôi trồng an toàn, mô hình kinh tế của anh đã phát triển ổn định, cho thu nhập trung bình 100 triệu đồng/năm. Từ thành công của mình, anh phổ biến và vận động bà con trong thôn làm theo; giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Về xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), nhắc tên Lò Văn Hải thì không ai là không biết bởi rất nhiều năm qua, từ khi còn là cán bộ Chi đoàn bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (năm 2009), anh Hải đã tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động xung kích tình nguyện. Năm 2011, Lò Văn Hải được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã. Anh tâm sự: Tôi luôn tâm niệm làm việc gì cũng cần cố gắng, trách nhiệm. Vì vậy tôi thường dành thời gian tự nghiên cứu, học tập, cập nhật chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích lũy kinh nghiệm thực tế để nâng cao năng lực công tác.

 Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Thanh Minh, tôi đã xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình có ích cho cộng đồng như: “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” thu hút đông đảo thanh niên tham gia vệ sinh môi trường; vận động thanh niên tham gia trồng cây xanh, làm đường bê-tông, sửa chữa đường dân sinh vào các bản... Trong năm 2021, Đoàn thanh niên xã Thanh Minh làm được hơn 200 m đường bê-tông vào bản Tà Lèng, Kê Nênh; hỗ trợ xây dựng 5 công trình nhà vệ sinh cho người dân tại bản Pa Pốm; giúp người dân bản Púng Tôm, Pa Pốm khơi thông kênh mương đưa nước về tưới tiêu cho hoa màu...  

Tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng hay ý chí dám đương đầu khó khăn của Bí thư thôn Thắc Hùng, chàng thủ lĩnh đoàn ở xã Thanh Minh đã tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, số lượng cán bộ cơ sở như vậy ở khu vực miền núi Tây Bắc chưa phổ biến. Vẫn còn khá nhiều cán bộ thụ động, nặng tư tưởng tự ti, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ từ Trung ương, thực thi nhiệm vụ cấp trên giao máy móc, thiếu sáng tạo. Cùng với những khó khăn khách quan, những hạn chế này đã tạo rào cản trong việc nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng, thế mạnh tại các địa phương.

Đổi mới tư duy và phương pháp đào tạo

Hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, Tỉnh ủy Yên Bái có một giáo án đào tạo đặc biệt. Theo đó, từ hơn ba nghìn cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số tiêu biểu trong toàn tỉnh, qua sơ tuyển, tỉnh chọn lựa gần 400 cán bộ tham gia. Tiếp tục tổ chức các kỳ thi và sát hạch, chỉ còn lại 150 cán bộ trở thành học viên chính thức. Tỉnh phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho học viên này; trong đó đưa 54 cán bộ trẻ đi học tập kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp tại Tập đoàn LG Electronics Việt Nam, Hải Phòng...

Ngoài ra, học viên còn được bố trí tham dự các hội nghị quan trọng như kỳ họp HĐND tỉnh, đại hội đảng các cấp... Là một trong những thí sinh hoàn thành chương trình đào tạo, Bí thư Đảng ủy phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, Đỗ Thị Lan Phương chia sẻ: Phương pháp đào tạo này giúp cán bộ khu vực miền núi có thêm kiến thức mới ở tầm cao; được tiếp cận phương pháp quản lý tiên tiến trong nước và quốc tế; đặc biệt xây dựng được tư duy chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Nằm ở trung tâm của thành phố Yên Bái, phường Đồng Tâm được xác định hướng tới đô thị văn minh, hiện đại. Đồng chí Lan Phương cùng tập thể lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, xây dựng văn hóa giao tiếp trong đội ngũ cán bộ, công chức, được nhân dân đánh giá cao.

Phường tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, dành kinh phí lắp hệ thống ca-mê-ra tại các tuyến phố, sử dụng mạng zalo, facebook kết nối với các đồng chí phụ trách khu, tổ dân phố và cán bộ, đảng viên. Qua đó, lãnh đạo phường nắm chắc, xử lý kịp thời các sự việc xảy ra, bảo đảm ổn định an ninh, trật tự địa bàn.

Cùng với đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, việc tạo cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơ sở đang được các tỉnh miền núi Tây Bắc quan tâm, trong đó có việc tuyển chọn tri thức trẻ tình nguyện, tuy nhiên thực tế có những vướng mắc. Tính đến tháng 12/2020 (khi kết thúc đề án 500 đội viên tri thức trẻ tình nguyện), có 76 đội viên được bố trí, tuyển dụng làm cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện và viên chức; 385 đội viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên có nguyện vọng nhưng chưa được bố trí công tác. Các địa phương có nhu cầu tiếp tục sử dụng đội ngũ này, nhưng gặp khó khăn về biên chế, vị trí việc làm cho nên chưa kịp thời bố trí.

 Trước thực tế này, tháng 11/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về giải pháp bố trí công việc đối với đội viên Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020. Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương), các cấp ủy đảng, chính quyền cần nắm chắc những giải pháp lớn của nghị quyết để triển khai giải quyết khó khăn trong bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện. Việc này rất quan trọng, vì đây là nguồn cán bộ trẻ không những có tri thức mà còn dám đương đầu thử thách, đúng với yêu cầu về đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Một vấn đề cần quan tâm nhằm khuyến khích cán bộ cơ sở yên tâm công tác, phát huy nhiệt huyết, phấn đấu, đó là tạo điều kiện về chính sách đãi ngộ. Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Minh (Hà Giang), Lê Hoàng Giang cho biết: Huyện có 282 thôn, tổ dân phố. Việc tìm nguồn cán bộ không chuyên trách cấp thôn, tổ dân phố và những người làm việc ở thôn gặp nhiều khó khăn, nhất là thu hút thanh niên có trình độ. Hầu hết thanh niên sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học đều xin đi học nghề rồi làm tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, số người làm việc ở thôn, tổ dân phố giảm nhưng công việc tăng lên, mỗi người ít nhất kiêm nhiệm thêm một chức danh. Công việc nhiều lên nhưng mức phụ cấp không tăng nên rất khó thu hút người làm việc.

Giải quyết khó khăn trên, nhiều địa phương tỉnh Hà Giang đã đề nghị một số giải pháp để thu hút người tham gia công tác tại thôn: Cần tăng mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố. Chi trả mức bồi dưỡng đối với người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố bằng hình thức khoán chi trong tổng số tiền hỗ trợ tối đa cho thôn, tổ dân phố hằng năm để giảm bớt thủ tục chấm công…

ThS Nguyễn Hải Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số, lao động việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định: Đây chỉ là những biện pháp tạm thời, ngắn hạn. Chúng ta đang hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở khu vực nông thôn, miền núi chính là lực lượng nòng cốt đảm đương các nhiệm vụ này, do vậy cần những giải pháp đồng bộ, căn cốt để giữ chân lực lượng trẻ tạo nguồn phát triển, đồng thời phát huy được năng lực, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở. Đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với các cấp ủy đảng, chính quyền vùng núi Tây Bắc mà đòi hỏi sự quan tâm nghiên cứu các giải pháp phù hợp và sự triển khai thống nhất của các cơ quan chức năng cùng cả hệ thống chính trị.

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 11/1/2022.